Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII (diễn ra tại Hà Nội từ 7 đến 12-5) là "Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Đây là đề án do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì soạn thảo, được chuẩn bị bài bản, thận trọng và công phu, trong đó đặt ra nhiều vấn đề mới. Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 3, Khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Việc xây dựng Đề án, ban hành nghị quyết lần này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới, thay thế chiến lược cũ ra đời cách đây 20 năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.
Vậy, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là gì?
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ rường cột, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Với vai trò “đầu tàu”, nếu chất lượng đội ngũ này tốt thì cả hệ thống chính trị, cả đất nước sẽ chuyển động tích cực.
Trước Đại hội XII, vấn đề “cán bộ cấp chiến lược” đã được đề cập nhưng chưa nhiều, chủ yếu mới tập trung vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược - một khâu trong công tác cán bộ.
Năm 2017, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ cấp chiến lược.
Đề án lần này đã thẳng thắn đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Theo đó, Đề án xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, so với quan niệm cũ, cán bộ cấp vụ, cục, sở, lãnh đạo cấp quận, huyện... hiện không được coi cán bộ chiến lược.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, dự thảo đề án đã đưa ra những đột phá trong công tác cán bộ. Đầu tiên là phải tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp đi đôi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài.
Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền đưa ra các quy định để chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời mở rộng không gian, cơ chế phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên để họ năng động sáng tạo, làm động lực cho đổi mới phát triển.
Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI xác định thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của đất nước là một trọng tâm và vô cùng cần thiết. Từng bước trong chương trình hoạt động của Đảng cũng như từng cấp, từng ngành, từng địa phương đều phải xúc tiến việc quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho phù hợp.
Việc quy hoạch cán bộ nói chung, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng xưa nay chúng ta đã đề cập, song thực hiện còn hình thức, tùy tiện, thiếu thường xuyên liên tục và bài bản. Vì thế có tình trạng hẫng hụt, bị động, lúng túng trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là khi tổ chức đại hội các cấp.
Công tác quy hoạch cán bộ chiến lược cần được tiến hành theo quy trình cơ bản. Trước hết, xác định rõ yêu cầu chiến lược đối với loại cán bộ mà đất nước đang cần.
Phát hiện sớm những người có tố chất của người cán bộ cấp chiến lược, tức tìm được nguồn cho “hạt giống đỏ” để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách. Chỉ bố trí sau khi xác định, đánh giá đúng thực chất đối với họ qua các khâu đã tiến hành nêu trên, tránh tình trạng ép “chín non”.
Như vậy sẽ tránh tình trạng quy hoạch hình thức, quy hoạch một đằng, làm một nẻo, vừa tốn công sức, tiền của, thời gian, vừa ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, sự trong sáng, lành mạnh của công tác cán bộ.
Trên cơ sở quy hoạch, việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp chiến lược là vô cùng hệ trọng. Nó đòi hỏi người cán bộ được bố trí thể hiện toàn bộ phẩm chất, năng lực, trình độ tầm chiến lược trong cuộc sống, là những cơ sở bảo đảm cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến lược được giao. Công việc ấy của họ liên quan đến chiến lược quốc gia, đến sự vận động phát triển của đất nước. B
ố trí đúng cán bộ chiến lược thì đất nước sẽ ổn định, phát triển. Ngược lại bố trí sai cán bộ chiến lược thì đất nước lúng túng, quẩn quanh, thụt lùi, tụt hậu so với khu vực và thế giới...
Câu nói “sai một ly, đi một dặm” là ở chỗ này, nếu bố trí người kém năng lực, cơ hội, tham vọng quyền lực vào vị trí này thì hệ lụy nhiều khi không thể đong đếm được, thậm chí là căn nguyên dẫn tới sự suy vong chế độ.
Quan điểm đúng và trách nhiệm cao của những cá nhân, tổ chức làm công tác cán bộ chiến lược có ý nghĩa, tầm quan trọng lớn vì nó liên quan đến đường lối, chất lượng, hình thức, bước đi của quá trình phát triển đất nước thông qua thực tế hoạt động của những cán bộ cấp chiến lược này. Đó là sự thống nhất tư tưởng, có quan điểm rõ ràng về mục đích, yêu cầu chọn, bố trí cán bộ cấp chiến lược.
Sự thống nhất này từ yêu cầu khách quan của những đòi hỏi của cuộc sống, không để những quan điểm riêng tư chi phối. Có cơ chế khách quan, khoa học thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá cán bộ cấp chiến lược và có biện pháp đúng đắn, nghiêm minh, công khai, dân chủ với cán bộ chiến lược trên cơ sở kiểm tra, giám sát của Đảng, các cơ quan chức năng và của nhân dân.
Điểm nữa, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phải có nguồn đủ để đào tạo, chọn lựa, tức phải có số dư để cân nhắc, xem xét, đồng thời tạo động lực cho từng cá nhân phấn đấu, tránh việc “1 chọn 1”.
Tầm quan trọng, vai trò của công tác quy hoạch cán bộ đã được Đảng ta khẳng định trong “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (năm 1997).
Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”.
Quan điểm này được rút ra từ thực tiễn và lý luận của công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời (năm 1930) đến nay và xa hơn nữa là sự kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhìn lại lịch sử dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã xây dựng chế độ tuyển chọn, bổ dụng quan lại dựa vào thành tích khoa cử, đánh giá quan lại theo quy chế khảo khóa - khảo công, điều động, luân chuyển theo yêu cầu của nhà nước và quyết định thăng, giáng chức căn cứ vào mức độ đức, tài trong kết quả cũng như công trạng cá nhân.
Nguyên tắc “dụng nhân như dung mộc”,“tùy người mà bổ chức và xếp việc” trong công tác tổ chức, quản lý quan lại xưa kia được lựa chọn kỹ.
Trong cuốn Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo đã rút ra những tri thức quý giá cho công tác đánh giá, dự trù bố trí, sử dụng quan lại, đó là cơ sở để nghiên cứu công tác quy hoạch cán bộ hiện nay. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, ngoài cách thức đào tạo - thi cử - bổ dụng, còn có một cách thức khác để bổ sung cho đội ngũ quan lại là thông qua tiến cử hay bảo cử.
Các triều đại phong kiến đều có quy định về việc tiến cử người tài, đức vào đội ngũ quan lại, trong đó có tự tiến cử. Nhờ vậy, một người dân có thực tài có thể được bổ dụng ngay vào ngạch quan, tướng và quan lại bậc thấp có thể được bổ nhiệm vào chức cao hơn vài bậc mà không cần qua con đường “theo quy trình”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra một hệ thống các quan điểm, đường lối, chủ trương và phương pháp về công tác cán bộ của Đảng, tập trung chủ yếu trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Bác chỉ rõ: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta...”.
Rõ ràng, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn “hạt giống đỏ” là công việc hệ trọng nhưng cũng cần phải cảnh giác với chủ nghĩa cá nhân, không để chuyện tìm người tài bị đội mác để gài người nhà, mưu cầu, trục lợi...
.