Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201704/tranh-chap-dat-mat-tinh-than-732803/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201704/tranh-chap-dat-mat-tinh-than-732803/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tranh chấp đất, mất tình thân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:13 [GMT+7]

Tranh chấp đất, mất tình thân

(Congannghean.vn)-Cùng mẹ khác cha nhưng từ nhỏ,  3 chị em đã thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, rồi cùng nhau lớn lên, lập gia đình và có cuộc sống riêng. Thế nhưng, trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” này, chỉ vì tranh chấp đất đai mà chị em trong một gia đình lao vào vòng kiện tụng, để rồi hao tiền, tốn của, tình cảm chị em rạn nứt.
 
Ngày 12/4, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm công khai xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Phan Thị Xuân (SN 1948) và bị đơn là bà Phan Thị Trương (SN 1946), cả hai đều trú tại xóm 6, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành. Với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Phan Văn Phúc (SN 1949) trú tại xóm 3B, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành đã phải vội vàng bắt chuyến xe buýt giữa cơn mưa tầm tã cuối mùa để có mặt tại khán phòng trong điều kiện sức khỏe đã yếu đi nhiều. Ba gương mặt với thần thái khác nhau nhưng tôi không khó nhận ra họ là ba chị em ruột đến trong một gia đình.  
3 chị em nhà bà Trương, mỗi người một lý lẽ
3 chị em nhà bà Trương, mỗi người một lý lẽ
Là chị em cùng mẹ khác cha, từng bao bọc, lớn lên bởi dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Tình yêu thương, sự sẻ chia được thể hiện vào những thời điểm khó khăn khi người em trai đi lấy vợ, đứa em út vợ chồng lục đục mà chia tay… Nhưng rồi trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai ngày càng có giá trị thì những mâu thuẫn về đất đai, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lớn, cũng từ đó kéo theo bao hệ lụy, tình cảm rạn nứt, con cháu không nhìn mặt nhau, biết đến khi nào mới hàn gắn lại được…
 
Nhìn cảnh 3 chị em nhà bà Trương tuổi đã cao đưa nhau ra tòa khiến nhiều người không khỏi xót xa. Tôi tâm đắc câu nói của Chủ tọa phiên tòa: “3 chị em cùng một bọc trứng do mẹ sinh ra, sống đã quá nửa đời người, giờ đây mỗi người có một mảnh đất để an dưỡng tuổi già, liệu đưa nhau ra tòa có cần thiết hay không? 3 chị em có thể ngồi thương lượng, bàn bạc, thỏa thuận được với nhau hay không?”. Bỏ ngoài tai những lời nói đầy chân tình ấy, người chị cả Phan Thị Trương một mực kháng cáo đến cùng để đòi lại đất.
 
Căn cứ vào đơn khởi kiện ngày 6/10/2014 của bà Phan Thị Xuân, bản tự khai, ý kiến trình bày của các đương sự trong quá trình hòa giải và trước đó, tại phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Yên Thành thì vụ án có nội dung như sau: Bà Trương, bà Xuân, ông Phúc là chị em cùng mẹ khác cha. Năm 1977, bà Xuân kết hôn với ông Bình là người huyện Thanh Chương nhưng công tác tại huyện Đô Lương.
 
Vợ chồng đưa nhau về sinh sống tại khu tập thể của Thương nghiệp huyện Đô Lương đến năm 1980 thì mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Thời điểm đó, thấy điều kiện của em gái như vậy, nên cuối năm 1984, ông anh rể là chồng bà Trương và cậu em trai là ông Phúc đã trực tiếp góp ý, động viên bà Xuân về thửa đất trước đây ông Phúc sinh sống tại xóm 3, nay là xóm 6, xã Tăng Thành, gần đất của vợ chồng bà Trương để ở, để chị em nương tựa lẫn nhau. Thấy sự quan tâm, khuyên nhủ chân tình của chị và em trai, bà Xuân đồng ý. 
 
Năm 1985, bà Xuân gửi tiền về cho vợ chồng bà Trương làm nhà trên thửa đất của ông Phúc trước đây ở. Làm xong nhà, vợ chồng bà Trương bàn giao nhà cho bà Xuân. Năm 1992, sau khi nghỉ hưu, bà Xuân đã đưa con về nhà của mình để sinh sống. Từ khi mẹ con bà Xuân về sinh sống trên ngôi nhà và thửa đất gần thửa đất của bà Trương thì giữa 2 chị em rất hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không xảy ra mâu thuẫn tranh chấp, va chạm gì.
 
Chỉ đến khi Nhà nước có chủ trương làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tình cảm chị em mới “lục đục”. Năm 1996, 2 thửa đất của bà Trương và bà Xuân được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, đầu năm 2010, Nhà nước có chủ trương đo đạc lại thửa đất trong xã để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lúc này bà Trương cho rằng, đất của mẹ con bà Xuân đang sử dụng là đất của vợ chồng bà, cho nên bà ngăn cản không cho cán bộ đo đạc, đồng thời cho con chặt phá cây cối xung quanh bờ rào, không cho bà Xuân xây bờ rào bảo vệ. Đỉnh điểm, năm 2014, bà Trương cho con cháu đến đào móng xây nhà trên một phần thửa đất của bà Xuân có diện tích theo đo vẽ thẩm định là 80,6 m2.
 
Mặc dù đã được UBND xã Tăng Thành tiến hành đình chỉ việc xây dựng, đồng thời xử phạt hành chính, tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng bà Trương vẫn một mực khẳng định đó là đất của bà. Cực chẳng đã, bà Xuân làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Trương trả lại đất do bà Trương chiếm dụng là 80,6 m2 theo kết quả đo vẽ thẩm định. 
 
Trong quá trình hòa giải, bà Trương cho rằng, thửa đất bà Xuân đang sử dụng là tài sản của bà, vì vậy bà làm đơn khởi kiện (yêu cầu phản tố) đề nghị tòa án xem xét buộc bà Xuân trả lại toàn bộ diện tích đất cho bà Trương. Bà khiếu nại: Sau khi bố bà chết, mẹ bà đi lấy chồng thì năm 1954, các anh ruột của bố bà đã xin chính quyền xã thửa đất hiện nay bà Xuân đang sử dụng để bà và em trai là ông Phúc sinh sống. Bước đầu bà làm 3 gian nhà tranh, sau đó đã mua 3 gian nhà gỗ dựng trên thửa đất đó để ở.
 
Năm 1968, bà đi lấy chồng, xin đất ở gần kề thửa đất của các bác xin cho bà và ông Phúc trước đây. Một thời gian sau, ông Phúc đã bán nhà, còn thửa đất trống bà đã làm đơn xin để sử dụng và được HTX Nông nghiệp và UBND xã Tăng Thành chấp nhận cho bà sử dụng vào năm 1982 và 1984. Sau khi thấy điều kiện của em gái khó khăn, vợ chồng ly hôn nên vợ chồng bà Trương đã bàn nhau cho mẹ con bà Xuân về ở trên thửa đất đó, vợ chồng bà Trương đã làm nhà cho bà Xuân ở. Trả lời tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trương một mực khẳng định: Từ trước tới nay, bà vẫn xác định đất bà Xuân đang ở là đất của vợ chồng bà.
 
Quá trình viết bản tự khai, ý kiến được ghi trong biên bản hòa giải với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Phan Văn Phúc xác định thửa đất giữa bà Xuân và bà Trương đang tranh chấp nguồn gốc là của ông, ông đã cho bà Xuân sử dụng, nay là tài sản của bà Xuân. Ông khai rằng, năm 1964, ông làm thư ký cho đội 3, xã Tăng Thành thì ông thấy mảnh đất hiện nay hai bà đang tranh chấp để hoang, không ai ở và sử dụng nên ông làm đơn xin HTX Tăng Thành thửa đất đó để ở. Sau khi được HTX cho đất, ông mua 4 gian nhà gỗ lim dựng trên thửa đất và ở đó một mình.
 
Năm 1968, ông đi làm ở Nhà máy gỗ huyện Đô Lương. Nhận thấy không cần thiết sử dụng ngôi nhà đó nữa nên năm 1975 hay 1976, ông đã bán 4 gian nhà lim cho ông Đăng ở xã Nhân Thành. Khoảng năm 1981 - 1982 thì bà Xuân ly hôn, hoàn cảnh khó khăn, ông đã nói cho bà Xuân diện tích đất trước đây ông xin HTX Tăng Thành để ở, bà Xuân đã làm nhà sinh sống ổn định trên thửa đất đó cho đến nay. Còn ông Phúc sau đó lấy vợ và sinh sống tại xóm 3B, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành. 
 
Tại tòa, ai cũng có lý lẽ riêng của mình. Thi thoảng tôi vẫn nghe 3 chị em xưng hô với nhau bằng phương ngữ quê mình “o - cậu”, “ả - em” mỗi khi nhắc lại chuyện tình cảm xưa cũ, nhưng rồi quay về thực tại mảnh đất, họ lại bỗng chốc trở nên lạnh lùng như chưa từng thân quen. Vì thiếu giấy tờ do HTX Nông nghiệp và UBND xã Tăng Thành cấp chứng nhận thửa đất 80,6 m2 là của bà Trương nên Tòa đành phải tạm dừng chờ củng cố đầy đủ hồ sơ…
 
Người đời vẫn có câu: “Của cải là vật ngoài thân”, lúc lìa xa cõi đời này không ai mang theo sang được thế giới bên kia. Dẫu biết rằng “tấc đất tấc vàng” nhưng tình nghĩa ruột rà “một giọt máu đào hơn ao nước lã” là thứ vô giá, không thể nào đánh đổi bằng tiền tài, của cải. Chưa vội kết luận ai đúng, ai sai, phiên tòa trì hoãn, ngoài trời vẫn mưa, chị em lặng lẽ ra về như những người xa lạ…
.

Phan Tuyết

.