(Congannghean.vn)-Mặc dù đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay, song những tồn tại, vướng mắc liên quan đến Dự án Thủy điện Khe Bố vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hàng nghìn hộ dân sống bất an trong khu vực lòng hồ, thậm chí họ còn thiệt thòi về quyền lợi khi có dấu hiệu bỏ sót hạng mục trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bài 1: Bỏ lọt đền bù, người dân thiệt đơn thiệt kép?
Vì sao không áp dụng hệ số K trong đền bù?
Thời gian gần đây, phóng viên Báo Công an Nghệ An nhận được phản ánh của người dân trong khu vực lòng hồ Thủy điện Khe Bố về những bất cập, thiệt thòi và cả những khó khăn, thiếu thốn mà họ gặp phải từ sau khi nhường đất cho thủy điện để chuyển đến nơi ở mới.
Quá trình thực tế tại địa bàn, bên cạnh những bất cập mà người dân sở tại phản ánh, chúng tôi còn phát hiện có những điểm bất hợp lý trong quá trình kiểm đếm và áp hạng mục đền bù đối với các trường hợp thuộc diện di dời nhà cửa, kiến trúc cũng như việc Ban đền bù, GPMB huyện Tương Dương không áp giá đền bù đối với đất cộng đồng cho Dự án Thủy điện Khe Bố còn có nhiều điểm bất cập, gây thiệt thòi cho người dân, đặc biệt là những đối tượng thuộc diện di dời đến nơi ở mới để nhường đất cho Dự án.
Nhà cửa, kiến trúc ngập nước bị di dời nhưng người dân không được hưởng tiền hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng |
Cụ thể, theo phản ánh của ông Phan Gia Hào (SN 1972) trú tại bản Tân Hợp, xã Tam Thái thì thực hiện chủ trương nhường đất cho Dự án Thủy điện Khe Bố, gia đình ông phải chuyển đến địa điểm mới, vì nhà cũ sau khi thủy điện tích nước sẽ bị ngập. Mặc dù nhà cũ mới xây chưa được bao lâu, nhưng tất cả các hạng mục bao gồm nhà ở, nhà bếp và nhà vệ sinh, được Hội đồng bồi thường, GPMB tái định cư huyện Tương Dương định giá với số tiền 250 triệu đồng, trong đó ngôi nhà thuộc diện di dời được đền bù 75 triệu đồng. Ngoài số tiền này, gia đình ông còn được hỗ trợ tiền di chuyển 3 triệu đồng, hỗ trợ tiền tự tìm chỗ ở mới 7 triệu đồng. Khi được hỏi về số tiền hỗ trợ di dời nhà cửa (hệ số K), ông Hào cho rằng mình không hề hay biết, trong hồ sơ cũng không thể hiện điều này.
Qua tìm hiểu, được biết theo quy định, nhà cửa đã xây dựng kiên cố, khi di chuyển sẽ được đền bù, hỗ trợ tiền vận chuyển vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép). Cụ thể, tại Phụ lục 2 của Quyết định số 69/2008/QĐ-UBND ngày 17/10/2008 của UBND tỉnh ban hành về đơn giá xây dựng nhà và vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An quy định: “Đơn giá xây dựng mới các loại nhà (trừ nhà sàn) áp dụng đối với các khu vực bằng mức giá (đã quy định) nhân với hệ số K, trong đó đối với các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông thì tính hệ số K= 1,1”.
Đối chiếu với hồ sơ kiểm đếm Thủy điện Khe Bố, thời điểm tiến hành kiểm đếm là năm 2008 và thời điểm ra quyết định là năm 2010, nghĩa là vẫn trong thời gian Quyết định 69 còn có hiệu lực. Tuy vậy, tại hồ sơ của hơn 500 hộ dân thuộc diện phải di dời nhà cửa, vật kiến trúc mà Ban bồi thường, GPMB và tái định cư huyện Tương Dương kiểm đếm cho bà con, không có bất cứ hồ sơ nào thể hiện điều này. Việc bỏ qua việc áp dụng đền bù hệ số vận chuyển vật liệu, gây thiệt thòi rất lớn cho hàng nghìn hộ dân trong lòng hồ thủy điện Khe Bố. Qua tìm hiểu, được biết một số dựa án trên địa bàn huyện Tương Dương như cầu bản Côi, nâng cấp mở rộng QL7A cùng triển khai năm 2005 nhưng đã áp dụng hệ số K, thậm chí đến thời điểm hiện nay, hệ số này vẫn đang có hiệu lực.
Bất cập khi không áp giá đền bù đất cộng đồng
Cũng liên quan đến đền bù tại Dự án Thủy điện Khe Bố, bản Đình Tiến, xã Tam Đình (Tương Dương), trước đây được biết đến với cánh đồng trồng rau cải nổi tiếng ven sông Lam. Thế nhưng, từ sau khi xây dựng thủy điện, người dân buộc phải di dời, bãi bồi ven sông này cũng ngập nước, song điều người dân bức xúc là họ không được hỗ trợ, đền bù về đất, mặc dù đất này nhân dân đã sản xuất hàng chục năm qua, không xảy ra tranh chấp, cũng chưa từng được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tại bản Tân Hợp, xã Xá Lượng, chúng tôi được rất nhiều người dân bức xúc khi cho rằng, số đất rừng họ khai hoang hợp pháp, sử dụng ổn định hàng chục năm qua, không có bất cứ tranh chấp nào nhưng khi kiểm đếm, Ban bồi thường, GPMB và tái định cư chỉ hỗ trợ, bồi thường hoa màu, cây cối trên đất nhưng không bồi thường về đất.
Qua tìm hiểu tại địa phương, chúng tôi được biết, phần đất này được liệt vào loại đất cộng đồng (trồng tre mét, trồng hoa màu ven sông). Nghị định của Chính phủ số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, phần đất này được giao cho các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Cựu chiến binh. Tuy nhiên, khi giao cho các tổ chức này, chỉ giao trên giấy tờ, người dân không hề hay biết, vẫn tổ chức sản xuất bình thường cho đến khi bị ngập nước. Thậm chí, khi tìm hiểu qua các tổ chức này, nhiều tổ chức cũng không biết rằng mình được giao đất. Thực tế, phần đất này đã được nhân dân khai hoang hàng chục năm trước, không xảy ra tranh chấp, lấn chiếm, sản xuất ổn định từ đời này sang đời khác. Do đó, việc căn cứ vào bản đồ thể hiện đây là đất cộng đồng để không đền bù là thiệt thòi cho người dân.
“Đất cộng đồng” không được đền bù dù người dân đã sử dụng ổn định hàng chục năm nay |
Cũng vấn đề này, liên hệ với dự án thủy điện khác trên địa bàn là Thủy điện Bản Vẽ, ngày 8/10/2009, sau khi có ý kiến của UBND huyện Tương Dương tại Văn bản số 183, Sở TN-MT Nghệ An đã có Công văn 3101 gửi UBND tỉnh đề xuất phương án giải quyết những tồn tại, vướng mắc xung quanh đền bù, GPMB Thủy điện Bản Vẽ, trong đó đề xuất phương án giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, làng bản, cộng đồng, dân cư đã được giao theo Nghị định 163/CP của Chính phủ. Cụ thể, UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT.
Theo đó, đất thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất, được giao trước thời điểm quy hoạch rừng (ngày 23/3/2001) thì được bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Thậm chí, diện tích đất sử dụng sau ngày 23/3/2001, đến trước ngày 19/6/2003 vẫn được bồi thường, nhưng theo tiêu chí của đất lâm nghiệp. Như vậy, cùng một địa bàn, 2 dự án thủy điện được triển khai cùng một thời điểm, song Dự án Thủy điện Bản Vẽ được bồi thường, hỗ trợ về đất lâm nghiệp nhưng Dự án Thủy điện Khe Bố, UBND huyện Tương Dương không có bất cứ văn bản nào để xin ý kiến đền bù cho người dân. Với việc Ban bồi thường, GPMB huyện Tương Dương đã xin giá đền bù đất trong lòng hồ Thủy điện Khe Bố là 6 triệu đồng/m2, thì với hàng trăm ha đất cộng đồng, số tiền đền bù nếu được áp giá là hàng chục tỉ đồng. Được biết, năm 2005 triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng QL7A, đất cộng đồng cũng đã được đưa vào áp giá, đền bù cho nhân dân.
(Còn nữa)
.