Gia đình xã hội
Để chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hiệu quả
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người chấp hành xong án phạt tù (gọi chung là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương) đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, việc tiếp cận và nhận thức về các chương trình này của nhiều đối tượng thuộc diện nói trên còn nhiều hạn chế, trở ngại.
Phạm nhân Trại giam số 6 được đào tạo nghề để tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt - Ảnh: Thiên Thảo |
Nhiều chương trình “tiếp sức”
Nhằm “tiếp sức” cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc ban hành nhiều chương trình, chính sách mang tính “trao cần câu” cho họ.
Một trong số đó là Quyết định 29 ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương, hiện đang được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh triển khai rộng rãi. Chương trình được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An, với mức cho vay tối đa 20 triệu đồng/cá nhân và 30 triệu đồng/hộ.
Theo đó, số vốn vay chủ yếu được sử dụng vào mục đích chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để kinh doanh buôn bán nhỏ, cắt tóc gội đầu, học nghề... Thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho nhóm đối tượng này là một công cụ hữu hiệu giúp họ tự tạo việc làm phù hợp với điều kiện, năng lực thực tế của bản thân; đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để họ từng bước tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm thiểu khả năng tổn thương về kinh tế và nguy cơ tái nghiện, lây nhiễm HIV và tái phạm tội.
Riêng với những người chấp hành xong án phạt tù trở về sinh sống trên địa bàn cả nước, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Thông tư 44/2016/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/2/2017 về việc hỗ trợ nhóm đối tượng này trong quá trình tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Cụ thể, nếu tham gia đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, sẽ được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hưởng chính sách nội trú. Nếu đào tạo trình độ sơ cấp dưới 3 tháng, người học được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại. Ngoài ra, nhóm đối tượng này còn được Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm.
Để chính sách phát huy hiệu quả
Không thể phủ nhận hiệu quả to lớn mà các chương trình, chính sách trên mang lại trong việc tạo dựng cuộc sống mới cho nhóm đối tượng nói trên, đồng thời góp phần làm giảm gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận với những chiếc “cần câu” đó nhiều lúc, nhiều nơi còn gặp trở ngại nhất định.
Bên cạnh đó, chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế, dẫn tới sự lúng túng trong việc hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người vay. Tại nhiều địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tuyên truyền còn eo hẹp nên chính sách này chưa “phủ sóng” tới nhiều người dân...
Xuất phát từ thực tế trên, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với NHCSXH tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho phòng giao dịch NHCSXH huyện, Phòng LĐ-TB&XH và UBND phường, xã, thị trấn về trình tự thủ tục vay vốn cho 4 nhóm đối tượng được vay vốn.
Cũng trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chế độ chính sách theo Quyết định 29. Song song với đó, việc kết nối với các tổ chức xã hội, các nhóm đồng đẳng, tự lực, câu lạc bộ địa phương... nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ để họ sản xuất, kinh doanh, buôn bán có hiệu quả, giảm rủi ro cũng cần được triển khai sâu rộng. Nếu thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp trên, các chương trình tín dụng ưu đãi sẽ thật sự trở thành giải pháp thiết thực hỗ trợ hộ gia đình và đối tượng dễ bị tổn thương tái hòa nhập cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Thùy Dương