Gia đình xã hội

Hướng thiện cho người từng lầm lỗi

15:06, 02/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Giúp người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định, mở rộng lối về hoàn lương hướng thiện là chủ trương đang được các cấp, ngành quan tâm trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, việc hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề… để những người đã từng tù tội có thêm “cần câu”, mở ra nhiều cơ hội cho họ vươn lên trong cuộc sống.

Đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người từng lầm lỗi có việc làm đang được các cấp, ngành quan tâm (ảnh minh hoạ)
Đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người từng lầm lỗi có việc làm đang được các cấp, ngành quan tâm (ảnh minh hoạ)

Khó khăn nẻo về

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 20.000 người đã chấp hành xong án phạt tù. Riêng năm 2016, đã có trên 2.600 người chấp hành xong án phạt tù trở về với gia đình, xã hội. Với đầy đủ các tội danh khác nhau, nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù vẫn gặp không ít khó khăn trong hành trình tìm kiếm việc làm. Đây cũng là khó khăn lớn trong việc định hướng, tạo điều kiện cho họ tìm về nẻo thiện.

Ngoài ra, phần lớn người chấp hành xong án phạt tù có trình độ văn hoá, tay nghề thấp nên khi hoà nhập cộng đồng, họ chưa thể tự tin vào bản thân để tự lập vươn lên. Tâm lý tự ti, mặc cảm với bản thân vì quá khứ lầm lỗi vẫn còn nên nhiều người chưa thể sớm hoà nhập cộng đồng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp, công ty với tâm lý còn kỳ thị nên đã rất hạn chế tuyển dụng người đã từng tù tội vào làm việc cho đơn vị mình. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, chung tay giúp đỡ để người từng tù tội có việc làm cũng chưa được đồng bộ, hiệu quả nên nẻo về hướng thiện của họ gặp rất nhiều khó khăn.

“Ngày mới ra tù, bản thân tôi rất mặc cảm với cộng đồng vì lo sợ nhiều thứ. Không có việc làm, bị mọi người người xa lánh, ái ngại khi tiếp xúc. Hầu hết họ cứ nói với nhau rằng, người đã từng tù tội thì không thể tin tưởng được. Những lúc như vậy, tôi rất tuyệt vọng. Mãi đến khi, Ban giám hiệu Trường THPT Tây Hiếu tiếp nhận vào làm bảo vệ cũng là thời điểm giúp tôi có cơ hội làm lại cuộc đời”, anh Cáp Văn Quang, một người đã từng lầm lỗi ở xã Tây Hiếu, TX Thái Hòa chia sẻ.

Thầy Phan Bá Nguyện, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hiếu cho biết: “Lúc đầu, khi đưa trường hợp anh Cáp Văn Quang ra Ban giám hiệu để bàn bạc, đưa vào làm bảo vệ của trường, ai cũng không đồng tình. Vì vậy, tôi phải thuyết phục mãi, mọi người mới hiểu và đồng ý. Nếu mình xa lánh, không tin tưởng những người như anh Quang thì họ sẽ chẳng có lối về nào cả. Cái quan trọng là mình phải tạo cho họ cơ hội được làm lại cuộc đời, chuộc lại những lỗi lầm của quá khứ”.

Mở lối hướng thiện

Thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều chương trình hành động để tạo điều kiện cho người từng lầm lỗi trở về tái hoà nhập cộng đồng có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã xây dựng được trên 20 mô hình tái hoà nhập cộng đồng để người chấp hành xong án phạt tù có môi trường sinh hoạt lành mạnh. Các CLB như “Lá chắn”, “Bạn giúp bạn”, “Xoá bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi”, “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi”… ở các địa phương đã phần nào mở lối hướng thiện cho người từng một thời lầm lỗi trở về với gia đình, xã hội. Nhiều mô hình đã huy động cộng đồng giúp đỡ, tạo nguồn vốn với số tiền hàng trăm triệu đồng để họ vay phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên trong cuộc sống.

Cũng trong thời gian qua, thông qua các CLB, mô hình giúp đỡ người lầm lỗi, nhiều cá nhân đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương cho những người cùng cảnh ngộ học tập.

Ngoài ra, để mở lối hoàn lương, hướng thiện, nhiều chính sách dành cho người từng lầm lỗi đã được các cấp ban hành. Đặc biệt, mới đây nhất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 44/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và các văn bản hướng dẫn; được hưởng chính sách nội trú theo quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng và các văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn đào tạo nghề nghiệp được vay vốn theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn, tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ, tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn… nhằm tạo lối mở hướng thiện dành cho người từng lẫm lỗi trở về với gia đình, xã hội.

Ngọc Thái

Các tin khác