Gia đình xã hội
Lặng thầm nghề thầy thuốc trại giam
09:20, 27/02/2017 (GMT+7)
Những ngày này, tiết trời đang lạnh đến thấu da thịt nhưng trên các giường bệnh của Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh đóng tại xã Nghi Kim, TP Vinh luôn duy trì từ 20 - 22 bệnh nhân là can phạm nhân. Chứng kiến sự vất vả, tận tụy của những người thầy thuốc Công an, chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của họ ở “môi trường đặc biệt”. Nghề y ở trại giam cũng là một nghề đầy nguy hiểm, bởi tỉ lệ can phạm nhân mắc các bệnh xã hội, bệnh mãn tính như HIV/AIDS, lao, đái tháo đường chiếm tỉ lệ khá cao.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh cho biết: Hiện, Bệnh xá có 8 cán bộ, nhân viên y tế đảm đương nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc, điều trị ở 15 giường bệnh cho 170 CBCS, công nhân viên và gần 1.100 can phạm nhân tại 4 khu nhà giam. Trung bình mỗi ngày, tập thể y, bác sĩ phải tiến hành khám và cấp thuốc cho khoảng 150 can phạm nhân. Theo thông báo của Cục Y tế, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật về kế hoạch giường bệnh giai đoạn 2016 - 2021, trong điều kiện chung của ngành y tế tỉnh Nghệ An, thực tế hiện nay tại Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh, các phòng, ban liên quan và Ban Giám thị Trại Tạm giam, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây đã vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại đơn vị.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại Tạm giam Công an Nghệ An chăm sóc, điều trị cho can phạm nhân |
Do đặc thù của môi trường công tác, các y tá, bác sĩ ở Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh thường phải “kiêm” rất nhiều việc, từ ốm đau vặt đến gửi mẫu xét nghiệm HIV, điều trị bệnh nhân lao... Ngoài khối lượng công việc nhiều, một ngày làm việc bình thường của người thầy thuốc nơi đây cũng khác với đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện thông thường. CBCS là thầy thuốc Công an luôn duy trì chế độ trực 24/24 giờ, hễ có bệnh nhân đau ốm là họ có mặt kịp thời, đến từng phòng can phạm nhân để kiểm tra sức khỏe nhằm tránh các bệnh lây nhiễm bùng phát. Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng với tinh thần "Lương y như từ mẫu", đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá Trại Tạm giam luôn cố gắng vượt qua khó khăn để chữa trị cho các phạm nhân - bệnh nhân có đủ sức khỏe, cải tạo tốt để có cơ hội trở về cộng đồng, xã hội.
Chứng kiến những việc làm của CBCS mang trên mình chiếc báo bluse trắng, chúng tôi hiểu được rằng, ngoài trị bệnh cứu người, các thầy thuốc Công an ở Trại Tạm giam Công an tỉnh còn kiêm vai trò của những "kỹ sư tâm hồn". Bằng tình yêu thương, họ đã cảm hóa, giáo dục, giúp can phạm nhân biết trân trọng cuộc sống, cải tạo tốt. Đó chính là món quà giá trị được đền đáp để họ luôn giữ ý chí vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc trại giam, tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an nhân dân, góp phần trong công tác hướng thiện, giúp những mảnh đời lầm lỡ có cơ hội trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Xuân Thống