Gia đình xã hội
Tình yêu cổ tích của người thương binh mù
(Congannghean.vn)-40 năm qua, dẫu có lúc vui, lúc buồn, có thời điểm khó khăn, tưởng chừng như gục ngã, nhưng tình cảm yêu thương của ông bà vẫn vẹn nguyên như ngày đầu… Đó là câu chuyện tình cảm động của người thương binh mù Nguyễn Văn Thiềng (SN 1949) và bà Hồ Thị Thắng (SN 1953) ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Vợ chồng ông Thiềng, bà Thắng kể về câu chuyện đời mình |
Nhắc về những kỷ niệm, ông Thiềng, bà Thắng không khỏi xúc động. Lần dở từng cuốn sổ đã ố vàng, những lá thư gửi lời yêu thương cho người con gái mình yêu, ông Thiềng nhớ lại: Học xong cấp 3, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Là lính đặc công thuộc quân số của Tiểu đoàn 31, Quân khu IV, tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên. Đến năm 1972, tôi vào khu vực Tây Nam Bộ. Trong khoảng thời gian ấy, tôi được về phép mấy lần. Những lần về quê, gặp bà Thắng, hai người nảy sinh tình cảm với nhau. Rồi hai bên gia đình đi lại và hai người chờ ngày hòa bình sẽ cưới.
Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của chiến tranh không ai nói trước được điều gì. Năm 1972, trong một trận đánh vào căn cứ địch ở Hiệp Hòa, tỉnh Long An, ông Thiềng bị thương nặng vào đầu, mắt dính hơi cay, không kịp rút quân cùng đồng đội, ông bị địch bắt. Bị liệt vào thành phần nguy hiểm nhốt vào xà lim, ông Thiềng bị hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man. Vết thương cũ chưa lành thì ông phải gánh chịu những vết thương mới khiến đôi mắt mờ dần không thể nhìn thấy.
Ở quê nhà nghe tin người yêu bị địch bắt, bà Thắng ruột đau như cắt, những lá thư gửi về cho bà mỗi lúc một thưa dần. “Mọi người bảo ông bị địch bắt rứa là mất tích, là hy sinh rồi. Nhưng vẫn chưa có giấy báo của đơn vị nên tôi vẫn hy vọng và trông ngóng từng ngày”, bà Thắng chia sẻ.
Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, trao trả tù binh, ông Nguyễn Văn Thiềng được chuyển về căn cứ của miền rồi chuyển ra Quân khu Việt Bắc an dưỡng. Lần về phép thăm nhà đầu tiên kể từ ngày bị thương, ông bị mù cả hai mắt, sức khỏe mất 95%. Gặp lại bà, không muốn là gánh nặng cho người yêu, ông bảo: “Lấy anh thì em khổ cả đời”. Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, sự mặc cảm của người yêu, bà Thắng vẫn một mực đến với ông bằng tình yêu chân thành và sự sẻ chia sâu sắc. Với bà, chiến tranh ác liệt, đã có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, ông trở về đã là may mắn lắm rồi.
Yêu thương chân thành, tháng 8/1975, đám cưới của ông bà được tổ chức trước sự động viên, chúc phúc của hai gia đình. Lúc bấy giờ, cuộc sống mới của hai vợ chồng với muôn vàn khó khăn, vất vả. Ông Thiềng vì vết thương tái phát phải trở lại viện điều dưỡng, một mình bà Thắng lo toan, gánh vác công việc 2 bên gia đình, nuôi 5 người con trưởng thành mà không một lời than thở. Chia sẻ với người vợ tần tảo, giàu đức hy sinh, mọi vui buồn trong cuộc sống ông đều viết thành thơ. Những vần thơ đong đầy yêu thương, những vần thơ trấn an tinh thần đi qua năm tháng, để giữ cho mình một mái ấm hạnh phúc gia đình.
Ngày đầu Xuân, trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Thiềng luôn ngập tràn tiếng nói cười của các con, các cháu. Sau những lo toan, tất bật của cuộc sống, được sum vầy đoàn tụ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm suốt hơn 40 năm qua, với ông Thiềng, bà Thắng còn có hạnh phúc nào hơn thế!
Phan Tuyết