(Congannghean.vn)-Lạm dụng bia rượu trong các cuộc liên hoan, hội hè, lễ Tết… để chúc tụng, ép nhau uống là thực trạng đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Kéo theo đó, việc gia tăng tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông (TNGT) đang khiến không ít gia đình phải gánh chịu những hậu quả buồn do bia rượu mang lại…
Người dân tham gia buổi tuyên truyền bằng hình ảnh về hậu quả của TNGT |
Có thể nhận thấy, chưa bao giờ tình trạng bia rượu lại trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Việt Nam cũng là quốc gia được tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá có tỉ lệ người sử dụng, tiêu thụ bia rượu lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chính tình trạng này đã kéo theo nhiều hệ luỵ đáng buồn mà nhiều gia đình đang phải gánh chịu.
Bia rượu đã khiến không ít người phải nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Chưa kể, bia rượu cũng là thủ phạm gián tiếp gây ra không ít vụ TNGT thương tâm trong thời gian qua. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, số vụ TNGT, tệ nạn xã hội… có xu hướng gia tăng xảy ra cũng do bia rượu gây nên. Nhiều gia đình đã phải chịu cảnh mất người thân, rơi vào cảnh tù tội cũng do quá lạm dụng bia rượu.
Qua thống kê của Uỷ ban ATGT quốc gia cho thấy, tỉ lệ TNGT liên quan đến rượu bia chiếm khoảng 40%, trong đó có 11% người chết vì vấn nạn này. Trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước đã xảy ra gần 400 vụ TNGT, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 50 vụ với số người chết là 29 người/ngày. Đặc biệt, số ca cấp cứu TNGT tại các bệnh viện phần lớn là thanh, thiếu niên với nồng độ cồn trong máu khá cao.
Theo Cục CSGT (Bộ Công an) thì dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tình trạng TNGT trên địa bàn toàn quốc có nhiều diễn biến phức tạp và tăng cả 3 tiêu chí so với Tết Bính Thân 2016. Cụ thể, tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5%), tăng 142 bị thương (48%) so với năm 2016. Đáng lưu ý là ở vùng nông thôn, miền núi, tỉ lệ số vụ TNGT dẫn đến số người chết và bị thương liên quan đến bia rượu chiếm phần lớn.
Theo báo cáo của Sở Y tế thì trong 7 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 29 đến mồng 6 Tết Đinh Dậu 2017), trên địa bàn Nghệ An đã có 1.143 người phải nhập viện do TNGT. Điều đáng nói là trong tổng số ca phải nhập viện dịp trong Tết, nguyên nhân dẫn đến TNGT được xác định là sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông rất cao. Nhiều nạn nhân tử vong và thương tật suốt cả cuộc đời cũng do “ma men” gây ra. Số nạn nhân tử vong do bia rượu chủ yếu nằm ở lứa tuổi thanh niên đến trung niên.
Riêng đối với tình trạng lạm dụng bia rượu khi tham gia giao thông, ngày 25/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP về nâng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người điều khiển ôtô lên tới 18 triệu đồng, tước GPLX 4 - 6 tháng nếu sử dụng bia rượu vượt quá 0,4 mg/lít khí thở nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại. Riêng đối với người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt tối đa từ 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng. Trong trường hợp chạy xe khi say rượu và gây tai nạn hoặc gây tai nạn rồi bỏ trốn thì sẽ bị xử phạt mức 3 - 10 năm tù theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. |
Ngoài ra, do sử dụng quá nhiều lượng bia rượu trong dịp Tết nên nhiều người đã không làm chủ được hành vi của mình gây ra các vụ đánh nhau, huỷ hoại tài sản, làm mất ANTT. Đơn cử như trường hợp Ngân Văn Hăng (SN 1988) ở bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, sau khi uống rượu bia về đã tức giận bố mẹ vì không cho mượn xe máy đi chơi nên đã châm lửa thiêu rụi ngôi nhà của bố mẹ đẻ vào đêm mùng 4 Tết vừa qua. Sự việc xảy ra khiến dư luận bất bình, cơ quan chức năng cũng nhanh chóng vào cuộc để xử lý hành vi của Ngân Văn Hăng theo quy định của pháp luật.
Cũng do sử dụng bia rượu vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông (0,37 mg/lít khí thở) mà tài xế Phạm Văn Lai trú tại TP Vinh điều khiển xe ôtô tải BKS 37C-062.02 khi lưu thông trên cầu Rộ bắc qua sông Lam thuộc địa phận huyện Thanh Chương vào chiều 1/2 (tức mồng 5 Tết) vừa qua đã gây ra vụ tai nạn thương tâm cho 1 gia đình.
Cụ thể, theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, ngoài việc sử dụng bia, rượu, tài xế ôtô tải nói trên còn chạy lấn làn rồi va chạm với xe máy khiến vợ chồng anh Võ Văn Tĩnh, chị Vi Thị Huệ trú tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương cùng bà Nguyễn Thị Xuân (mẹ anh Tĩnh) và cháu Võ Hùng Huy (con trai vợ chồng anh Tĩnh) bay qua lan can cầu Rộ, rơi từ độ cao khoảng 15 m xuống đất. Hậu quả, khiến chị Huệ, bà Xuân và cháu Huy tử vong, riêng anh Tĩnh phải cắt bỏ 1 phần chân trái với đa vết thương trên người.
Đó mới chỉ là 2 trong tổng số hàng nghìn vụ việc nảy sinh tệ nạn xã hội và TNGT liên quan đến bia rượu gây ra trong thời gian qua. Mặc dù, công tác tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng bia rượu trong các dịp lễ, Tết, hội hè được các cơ quan chức năng thực hiện sâu rộng trong những năm qua nhưng tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng giảm. Ý thức chấp hành các văn bản quy định về việc cấm lạm dụng bia rượu của người dân và một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước vẫn chưa nghiêm.
Trước tình trạng nói trên, ngoài việc xử lý nghiêm minh, tăng chế tài xử phạt những trường hợp lợi dụng bia rượu làm ảnh hưởng đến ANTT và trật tự ATGT thì công tác tuyên truyền nếp sống văn minh, hạn chế bia rượu trong khu dân cư vào dịp lễ, Tết cần được nâng cao hơn nữa. Đặc biệt, người dân cần nhận thức được rằng, đã uống bia rượu thì không tham gia giao thông nhằm tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, để lại hậu quả buồn cho gia đình, xã hội.