(Congannghean.vn)-Với tâm lý “cửa nhà mình phải sạch nhưng rác ở lề đường, góc phố là chuyện của thiên hạ”, nhiều người vô tư vứt rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định, điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống và đặc biệt là sức khỏe con người. Mặc dù nhiều nơi đã có biển báo “Cấm đổ rác”, kèm theo mức phạt tiền nếu bị phát hiện, song gần như các biển báo này vẫn chưa phát huy được tác dụng.
Dù có biển “Cấm đổ rác” kèm theo mức xử phạt nhưng người dân vẫn không chấp hành |
Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các vùng miền ngày càng một nâng cao, kéo theo đó mức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng lên hàng ngày và lượng rác thải sinh hoạt cũng tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, việc thu gom, xử lý rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng những năm qua dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, song vẫn chưa thể đảm bảo được một cách tuyệt đối.
Việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định đang phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Tuy nhiên, với tâm lý “cha chung không ai khóc”, nhiều người vẫn dửng dưng vứt rác thải bừa bãi theo kiểu tiện đâu vứt đó, miễn rằng bãi rác không phải nơi mình ở! Tất cả những điều đó dần hình thành những bãi tập kết rác thải “bất đắc dĩ”, bãi rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến Quốc lộ 46B nối từ TX Cửa Lò lên huyện Nam Đàn là tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong giao thương, phát triển du lịch và thương mại của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trên tuyến đường này đang hình thành một số điểm vứt rác thải tự phát rất phản cảm, gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều người bức xúc. Cụ thể, tại đoạn đường qua xóm 2, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, mặc dù đã có tấm biển “Cấm đổ rác” ngay bên cạnh nhưng không vì thế mà tình trạng vứt rác tự phát của người dân được cải thiện, ngược lại, hàng ngày lượng rác thải ở đây vẫn gia tăng…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một điểm tập kết rác tự phát, người dân đi qua rồi tiện tay vứt rác xuống đường. Qua quan sát, dù là bãi tập kết rác “tự phát”, song rác thải tại đây rất đa dạng, không chỉ rác sinh hoạt thông thường mà có cả xác động vật, nhiều bao tải rác vương vãi tràn ra cả mặt đường… bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, điểm tập kết rác tự phát này không chỉ gây cản trở giao thông mà quan trọng hơn là tình trạng ô nhiễm môi trường bởi mùi hôi thối, khiến nhiều người bức xúc.
Hay như tuyến đường chạy dọc đê Tả Lam kéo dài từ huyện Nam Đàn đi qua huyện Hưng Nguyên, TP Vinh xuống đến TX Cửa Lò, thời gian qua cũng thường xuyên hình thành những điểm vứt rác thải tự phát. Không chỉ rác thải sinh hoạt thông thường mà còn có cả rác thải công nghiệp cũng bị đổ trộm trên thân đê và tại các ngã ba, ngã tư…
Trên tuyến Tỉnh lộ 8B (từ cầu Cửa Tiền - Hưng Xuân), mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện qua lại. Mặc dù trên tuyến đường này đã được địa phương xây dựng nhiều hố chứa rác tạm thời, thế nhưng nhiều hôm đơn vị thu gom chưa kịp gom đi xử lý, rác vẫn tràn ra ngoài đường, bốc mùi hôi thối...
Tình trạng vứt rác bừa bãi không chỉ ở nông thôn, ngay khu vực thành thị như TP Vinh cũng khiến nhiều người phải ngao ngán. Tiêu biểu nhất là bãi rác thải tự phát nằm đầu cầu Tùng Binh thuộc địa phận khối Tân Hòa và Cộng Hòa (phường Vinh Tân, TP Vinh). Tại đây, UBND phường Vinh Tân đã cho cắm biển báo “Cấm đổ rác” to đùng, kèm theo mức xử phạt từ 500.000 - 2.000.000 đồng nếu phát hiện người vi phạm nhưng vẫn không thể ngăn cản việc người dân đổ trộm rác. Tại đây tập kết đủ loại rác thải gồm rác thải sinh hoạt thông thường kèm theo rác thải công nghiệp và có cả rác thải nguy hại như gương, kính…
Để chấn chỉnh tình trạng vứt rác bừa bãi, ngoài việc đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống cho mỗi người dân thì các địa phương cần quy hoạch các điểm tập kết rác hợp lý, đảm bảo khoảng cách giữa các điểm. Bên cạnh đó, cần phải xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm mang tính răn đe, giáo dục.