Gia đình xã hội
Người thổi hồn vào gỗ
(Congannghean.vn)-Dù chưa từng trải qua bất cứ trường lớp nào, song ông Thái Văn Hùng (SN 1965) trú tại xóm 2, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã bỏ ra hàng năm trời để tạc tượng các bậc tiền nhân - những người mà mình tôn kính. Không những thế, ông còn thồi hồn vào những gốc gỗ vô tri vô giá, tạo thành nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng phần lớn chỉ để trưng bày tại gia.
Ông Hùng bên tác phẩm “Thông điệp hòa bình” tham gia triển lãm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội |
Ông Thái Văn Hùng được biết đến bởi những việc làm “chẳng giống ai”, ông tạc tượng để thỏa niềm đam mê chứ không đặt lợi ích kinh tế như cách nhiều người vẫn thường làm. Hiện ông là hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện Tân Kỳ, từng có sản phẩm trưng bày tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Những ngày này, nếu có dịp đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đoạn qua xã Kỳ Tân, nơi cách Cột mốc số O khoảng 3 km về phía Bắc, chúng ta sẽ thấy quần thể gồm 4 bức tượng tọa lạc trên một con thuyền, phía dưới là đài sen. Trong đó, nổi bật hơn cả là hình tượng Bác Hồ, xung quanh là tượng các bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả của quần thể này không ai khác chính là ông Thái Văn Hùng.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Hùng tạc tượng mà trước đó, nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, ông đã ngẫu hứng nghĩ và tạc nên bức tượng có tên gọi “Dáng hình Đất nước”. Trên bức tượng này, ông đã tạo hình bóng hình cây tre tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc. Cạnh đó là đóa sen tượng trưng cho đức tính thanh cao, ngôi sao năm cánh tượng trưng cho đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến - thủ đô của cả nước, ngôi nhà rông -biểu tượng của văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên và tháp Chàm - niềm tự hào của nền văn hóa Chăm. Ông Hùng chia sẻ, tạc tượng chỉ là ngẫu hứng bất chợt, còn nghề chính của ông vẫn là tạo hình, thổi hồn vào những súc gỗ vô tri, vô giác.
Ông Hùng cho biết, bản thân ông chưa từng được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào. Do thừa hưởng năng khiếu từ bố nên ông đã tự mày mò, tìm hiểu nghề tạc tượng. Ban đầu, ông chỉ làm các đồ dùng trong gia đình, về sau tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến đưa mẫu vật nhờ ông tạc tượng. Theo thời gian, ông được củng cố tay nghề và sáng tạo ra những tác phẩm “để đời”, được mọi người ghi nhận.
Hàng chục năm miệt mài với nghề nhưng căn nhà cấp 4 nép mình bên sườn núi của gia đình ông vẫn tuềnh toàng, không có gì đáng giá ngoài những bức phù điêu, tượng gỗ do một tay ông tạc nên. Có những bức tượng rất đẹp, được ông đặt bằng nhiều tên gọi khác nhau. Điển hình là bức tượng gỗ “Thông điệp hòa bình” được chọn để triển lãm tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được ông thực hiện trong thời gian 2 năm.
Trong bức tượng này, ông đã tỉ mẩn tạc hình tượng Bác Hồ đang khoan thai ngồi làm việc, xung quanh hội tụ đầy đủ “tứ linh” long, ly, quy, phượng. Tại triển lãm, bức tượng bằng gỗ lim này đã được định giá 3.000 USD, sau đó có người trả giá gần 100 triệu đồng nhưng ông không bán mà mang về làm kỷ niệm.
Ông Hùng chia sẻ, tạc tượng là để thỏa mãn đam mê và lưu giữ làm kỷ niệm chứ hoàn toàn không vì mục đích thương mại. Đã có nhiều người chơi đồ gỗ nổi tiếng tìm đến, hỏi mua các sản phẩm nhưng ông kiên quyết từ chối. Được biết, hiện ông còn có một số bức tranh gỗ rất độc đáo và mang giá trị điêu khắc tinh xảo.
Như Phương