Gia đình xã hội
Thiếu kinh phí chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với những số phận kém may mắn, thiệt thòi trong xã hội nhằm giúp đỡ, động viên họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Qua đó, người được bảo trợ xã hội (BTXH) trên phạm vi toàn quốc ngoài việc thụ hưởng hỗ trợ kinh phí hàng tháng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ giúp giáo dục, dạy nghề, lương thực… Tuy nhiên, tại Nghệ An, do nhiều vướng mắc từ các bộ, ngành Trung ương nên chính sách chi trả còn chậm, gây khó khăn cho người được BTXH.
Các đối tượng BTXH đang rất cần kinh phí để đảm bảo cuộc sống |
Ngày 21/1/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014.
Theo đó, Nghị định này quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; trợ giúp xã hội đột xuất; hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở BTXH và nhà xã hội.
Cụ thể, tại Điều 3, Nghị định 136/2013/NĐ-CP nêu rõ, chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện công bằng, công khai, kịp thời theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, nơi sinh sống. Và, khi Nghị định 136/2013/NĐ-CP đi vào thực tiễn, các địa phương đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch xác minh, rà soát để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chính sách hỗ trợ cho người thuộc diện BTXH.
Qua thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, hiện trên địa bàn Nghệ An có hơn 134.000 đối tượng BTXH được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, trong đó có khoảng hơn 50% người cao tuổi, còn lại 50.000 người khuyết tật, trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi…
Bên cạnh đó, còn rất nhiều hoàn cảnh, số phận không nơi nương tựa, thiếu ăn, thiếu mặc. Vì vậy, những người lang thang cơ nhỡ, người bị bệnh tâm thần, trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn hiện nay vẫn rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã huy động mọi nguồn lực xã hội hoá để quyên góp ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội. Thông qua các kênh khác nhau, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… cùng chung tay giúp đỡ bằng vật chất lẫn tinh thần. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giúp đỡ, chăm sóc đối tượng được BTXH cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả đến từng địa phương. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề vướng mắc từ các bộ, ngành Trung ương nên công tác giải quyết chính sách chi trả còn chậm.
Đơn cử như việc thực hiện chi trả kinh phí theo tinh thần Nghị định 136/2013/NĐ-CP trong thời gian qua đang rất chậm. Riêng ở Nghệ An, qua báo cáo chi thực tế, đầu năm 2016, Trung ương mới chỉ bố trí kinh phí theo dự toán của địa phương là 361.398 triệu đồng. Trong khi đó, nhu cầu chi cho cả năm của địa phương là 635.266 triệu đồng. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn kinh phí cấp bổ từ Trung ương về địa phương đang gặp nhiều vướng mắc.
Mặt khác, do công tác rà soát, bổ sung danh sách các đối tượng thuộc diện BTXH phải thực hiện từ xóm đến tỉnh nên việc tổng hợp báo cáo cụ thể còn phải chờ cơ quan thẩm định. Chính vì vậy, quá trình rà soát mức thụ hưởng cho từng đối tượng kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp nguồn kinh phí để tỉnh báo cáo Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH.
Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ năm 2015, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ Sở LĐ-TB&XH xây dựng phần mềm quản lý các đối tượng BTXH trên địa bàn nhằm kịp thời xây dựng dự toán báo cáo các bộ, ngành liên quan một cách chính xác, kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn còn phải trông chờ vào ngân sách của Trung ương để kịp thời bố trí nguồn ngân sách chi trả cho các đối tượng nằm trong diện được thụ hưởng.
Ngọc Thái