Gia đình xã hội

Đường về của tên cướp khét tiếng

09:07, 28/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chúng tôi đến chợ Quỳnh Long, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để tìm gặp ông Trần Văn Nhu (SN 1958) - người một thời là giang hồ khét tiếng với biệt danh Hiền “Mèo Trắng”, nay hoàn lương trở về trông coi chợ tại địa phương. Khi chúng tôi hỏi thăm ông Nhu, mọi người đều vui vẻ chỉ về phía cuối chợ, nơi có người đàn ông đang lầm lũi quét rác. Thoạt nhìn, không ai nghĩ người đàn ông có dáng người nhỏ thó, nước da cháy sạm đó đã từng một thời vùng vẫy giang hồ...

 Ông Trần Văn Nhu trải lòng với phóng viên
Ông Trần Văn Nhu trải lòng với phóng viên

Phiêu bạt giang hồ

Ông Trần Văn Nhu sinh ra trong một gia đình có 8 anh em. Là con trai cả nên khi người bố qua đời, ông trở thành trụ cột chính trong gia đình. Hàng ngày, ông đi bốc vác thuê và theo thuyền ra khơi đánh cá, dù làm việc quần quật ngày đêm nhưng vẫn không đủ nuôi 9 miệng ăn.

Thấy cảnh gia đình ngày càng nghèo đói, Trần Văn Nhu trở nên chán nản và thay vì cố gắng lao động, Nhu bỏ bê gia đình, đi theo đám giang hồ. Tháng 12/1977, khi bước sang tuổi 19, Nhu bị bắt và phải nhận mức án 18 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Ra tù, Nhu không trở về nhà mà tiếp tục cuộc sống phiêu bạt. Khi cùng với các bạn tù lên huyện Đô Lương để làm ăn, Nhu gặp Trần Văn Thành (tức Côi, trú tại TP Vinh) là thành viên của băng cướp do Trương Hiền (tức Toọng) cầm đầu, lập tức Nhu xin gia nhập.

Ông Nhu chia sẻ: “Đó là khoảng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Biệt danh Hiền “Mèo Trắng” là do anh em giang hồ đặt, suốt mấy chục năm tôi sống với cái tên đó mà quên đi tên cha mẹ đặt cho mình. Với số lượng hơn 100 người nên băng cướp rất lộng hành, thường xuyên thực hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản...”.

Những năm đầu đất nước giải phóng, trên địa bàn TP Vinh có nhiều băng nhóm nổi lên và thường xuyên diễn ra cảnh móc túi, trấn lột, cướp bóc. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng (từ tháng 12/1978 - 5/1979), băng cướp do Trương Hiền cầm đầu đã gây ra hơn 40 vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản, 2 vụ trộm tài sản lớn tại Tổng kho Ngoại thương, bắn trọng thương 4 người, chiếm đoạt hơn 8 triệu đồng.   

Điển hình, ngày 16/4/1978, Hiền “Mèo Trắng” là 1 trong 6 đối tượng cầm đầu bắt xe ra ga Si (Diễn Châu) cùng đồng bọn cướp 12 khẩu súng của bộ đội và 1 bao tải chứa 50 kg bột mỳ. Sau khi bỏ chạy ra hướng ga Yên Lý, ổ nhóm này bị lực lượng Công an phát hiện, truy đuổi và lần lượt sa lưới pháp luật.

Năm 1980, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh đưa vụ án trên ra xét xử. Với 2 tội danh “Chống người thi hành công vụ”“Cướp đoạt tài sản xã hội”, Trần Văn Nhu bị tuyên án tử hình. Sau đó, Nhu có đơn kháng cáo và được tòa phúc thẩm giản án từ tử hình xuống chung thân. Tháng 4/2000, Nhu được trả tự do vì cải tạo tốt.

Phục thiện

Gần nửa đời người phiêu bạt giang hồ và 20 năm thụ án tại trại giam, ra tù trở về quê, Trần Văn Nhu bị xóm làng xa lánh, ngay cả mẹ đẻ và anh em ruột thịt cũng không muốn nhìn mặt. Tuy nhiên, ông không hề oán trách ai mà chỉ ân hận về những lỗi lầm mình gây ra và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Rồi một ngày, ông đưa ra quyết định khiến ai cũng bất ngờ, đó là hỏi cưới cô gái lỡ thì bị điên trong xã. Vợ ông là Tô Thị Định (SN 1972) vốn cao ráo, xinh xắn nhưng không may năm 18 tuổi bị bệnh và lên cơn điên dại. Quyết định của Nhu khiến ai cũng ngỡ ngàng. Họ không thể hiểu vì sao một người vừa ra tù, không có tài sản gì trong tay lại muốn gắn bó cuộc đời với một người phụ nữ điên.

“Với những người bình thường thì họ thấy khó hiểu, còn tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, kẻ gây ra bao tội ác như mình không thể đòi hỏi gì nữa. Phần vì thương Định, phần vì muốn trả nợ cho đời nên tôi quyết định chăm sóc cho cô ấy, mặc mọi người dè bỉu”, ông Nhu trải lòng.

Năm 2002, khi biết mình sắp được làm bố, ông như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Từ đó, ông càng chăm lo, vun vén cho gia đình.

“Khi mới sinh con được 2 ngày, vợ tôi lại lên cơn điên. Gửi con cho bà ngoại chăm sóc, tôi đưa vợ vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị. Con nhỏ ở nhà đói sữa nhưng không có tiền mua sữa ngoài, bà ngoại phải bế cháu đi khắp làng xin sữa. Tuy nhiên, những ngày tháng cơ cực đó lại là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi... Quần quật làm lụng cũng không đủ ăn, tôi đánh liều lên xã bày tỏ nguyện vọng của bản thân và may mắn được chính quyền tạo điều kiện cho trông chợ, dù tiền công không cao nhưng được gần nhà, tiện bề chăm sóc vợ con nên tôi rất vui”, ông Nhu nhớ về những ngày tháng khốn khó.

Gần 20 năm ra tù, giờ đây cái tên Hiền “Mèo Trắng” đã bị lãng quên. Từ một tên cướp khét tiếng, ông Nhu đã trở thành người chồng, người cha hiền lành, lam lũ và được mọi người tin yêu, quý mến. Ông chia sẻ rằng, sẽ không bao giờ quên những lần phiêu bạt giang hồ, vào tù ra tội bởi mỗi khi nghĩ về quãng thời gian đó, ông lại tự nhắc nhở bản thân phải nỗ lực thật nhiều trong những năm tháng còn lại của cuộc đời...

Như Phương

Các tin khác