Gia đình xã hội

Sử dụng thuốc Đông y tùy tiện: Coi chừng nguy hiểm tính mạng

08:30, 03/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bên cạnh Tây y, thuốc Đông y (tên gọi chung cả thuốc nam và thuốc bắc) vẫn được người dân quen dùng để điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa tỉnh đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân bị ngộc độc, thậm chí tử vong do sử dụng thuốc Đông y sai cách. Việc sử dụng tùy tiện, cẩu thả thuốc Đông y đã gây những tai biến nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Mới đây, trên địa bàn xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên đã có nạn nhân tử vong do sử dụng thuốc nam khi điều trị bệnh dại. Nạn nhân là chị Hoàng Thị Hảo (SN 1978) trú tại xóm 2. Trước đó, vào trung tuần tháng 7, chị Hảo đi mua phế liệu ở đầu xóm thì bị chó mắc bệnh dại cắn ở chân. Sau khi được nhân viên y tế xóm sơ cứu, do sợ ảnh hưởng đến con đang bú nên chị đã không tiêm phòng vắc xin dại. Nghe theo một số người thân quen, chị đã nhờ người đi bốc thuốc nam về điều trị. Qua thời gian, triệu chứng bệnh vẫn không có chiều hướng thuyên giảm. Đến ngày 26/9/2016, chị Hảo tiếp tục phát bệnh dại. Lúc này, gia đình mới đưa chị đến bệnh viện nhưng đã quá muộn. Điều đáng nói, chị Hảo không phải là trường hợp duy nhất trong xã đã tin tưởng sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại.

Người dân nên đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời                                                          khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe
Người dân nên đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Trong thời gian qua, Khoa đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị bệnh dại. Những bệnh nhân này đều có đặc điểm chung là nhập viện quá muộn. Sau thời gian dài sử dụng thuốc nam nhưng không hiệu quả, bệnh nhân mới tới cơ sở y tế để chữa trị. Khác với những bệnh lý khác, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh dại. Cách duy nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại. Sử dụng thuốc nam tùy tiện để điều trị chỉ khiến bệnh tình nặng thêm và gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân”.

Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 39 người tử vong do bệnh dại. Tất cả các nạn nhân tử vong đều không tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại mà tin tưởng vào tay nghề các thầy lang và sử dụng thuốc lá.

Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2016, Khoa Hồi sức Tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân bị suy gan cấp do dùng thuốc nam chữa bệnh, trong đó có 2 trường hợp diễn biến hôn mê và tử vong. Cách đây 4 tháng, bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. (26 tuổi) trú tại TX Hoàng Mai xuất hiện triệu chứng phù nề chân, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, khó đi lại, lao động. Qua khám bệnh tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, bệnh nhân Đ. được xác định bị xơ gan kết hợp bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, vào cuối tháng 8, qua giới thiệu truyền miệng của họ hàng về thầy lang bắt mạch, bốc thuốc chữa xơ gan giỏi, với hy vọng sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, người bệnh đã lấy 12 thang thuốc về sắc uống. Ngoài ra, còn kết hợp sử dụng cả thuốc cỏ dân tộc. Sau thời gian uống liên tục 2 loại thuốc trên, người bệnh thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải, bụng chướng, da vàng, mắt vàng nhiều, đi ngoài liên tục nên phải nhập viện điều trị. Với chẩn đoán đợt cấp của bệnh lý xơ gan mãn, theo dõi ngộ độc dẫn đến suy gan do dùng thuốc nam, kết hợp bệnh lý về máu; hiện tại, bệnh nhân phải thăm khám thường xuyên và điều trị tích cực. Sau thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện tỉnh và tuyến Trung ương, bệnh tình của chị Đ. đã thuyên giảm và sức khỏe tốt hơn.

Theo các chuyên gia y tế, dù là thuốc Đông y hay thuốc Tây y đều có chung tác dụng là điều hòa các rối loạn chức năng và trị bệnh. Thuốc Tây y là dạng được tổng hợp từ các hoạt chất, hóa dược theo công nghệ hiện đại, hiệu quả tập trung, tác dụng nhanh. Còn mỗi bài thuốc Đông y có hàng chục vị với rất nhiều dược chất khác nhau. Nếu người thầy thuốc hiểu biết rộng, có kinh nghiệm, biết cách kết hợp và điều chỉnh các vị thuốc hợp lý thì thuốc Đông y sẽ có tác dụng tốt. Còn ngược lại, có thể gây dị ứng, nhiễm độc... và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Một điểm đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân không phải bị dị ứng, nhiễm độc do các hoạt chất trong dược liệu Đông y mà do hậu quả của những hóa chất dùng trong quá trình bảo quản các kho thuốc để chống ẩm, chống nấm mốc.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thuốc Đông y trong việc hỗ trợ cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng, đồng thời giúp điều trị bệnh tật. Trước đây, thuốc Đông y Việt Nam thường ít sử dụng hóa chất để bảo quản. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng thuốc Trung Quốc nhập vào thị trường Việt Nam nên người dùng dễ bị phản ứng phụ nguy hiểm. Ngoài ra, thuốc Đông y của Trung Quốc thường có tồn dư chất bảo vệ thực vật cao và chứa hàm lượng kim loại nặng rất lớn, dễ gây ra các loại bệnh nguy hiểm như suy gan, suy thận và các biến chứng bệnh tim mạch…

Vì thế, khi có ý định sử dụng thuốc Đông y trong điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở có uy tín; không tuỳ tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời. Đặc biệt, không kết hợp tùy tiện thuốc Đông y, Tây y; cần kiểm tra chất lượng, điều kiện bảo quản trước khi sử dụng.

Mai Hậu

Các tin khác