Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/dieu-tri-tre-phoi-nhiem-hiv-dau-dau-nhung-noi-niem-692401/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/dieu-tri-tre-phoi-nhiem-hiv-dau-dau-nhung-noi-niem-692401/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đau đáu những nỗi niềm… - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 06/08/2016, 09:22 [GMT+7]
Điều trị trẻ phơi nhiễm HIV

Đau đáu những nỗi niềm…

(Congannghean.vn)-Mẹ cho con bú sữa người bị nhiễm HIV rồi con vô tình bị lây truyền, hoặc nhiều mẹ không biết mình bị HIV, không điều trị rồi cho bé bú sữa ngay sau khi sinh khiến con trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ… là những trường hợp đau lòng mà bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An chia sẻ với chúng tôi.

Anh cho biết: Để điều trị phơi nhiễm thành công cho một bé là cả quá trình kiên trì, bền bỉ và không ít chông gai của tập thể y, bác sĩ và gia đình. Và để rồi, từ những vất vả, xót xa và cả đau đớn, may mắn đã mỉm cười với những số phận éo le.

Bác sĩ kiểm tra thuốc trước khi cấp phát cho bệnh nhân HIV.
Bác sĩ kiểm tra thuốc trước khi cấp phát cho bệnh nhân HIV.

Khi số phận may mắn mỉm cười

Ngày 26/1/2016, chị Nguyễn Thị Ph. ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An hồi hộp bồng đứa con 3 tháng tuổi đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An xét nghiệm, sau gần 7 tháng chị và con thực hiện theo phác đồ điều trị của các bác sĩ. Với chị, đó là quãng thời gian dài nhất trong cuộc đời, là những tháng ngày trải qua ngàn vạn cung bậc cảm xúc.

Chị nhớ, chị đã vui mừng vỡ òa như thế nào khi biết một mầm sống hình thành, cựa quậy sau bao năm chờ đợi. Nhưng rồi, thế giới như sụp đổ trước mắt khi thực hiện xét nghiệm ở tháng thứ 3 thai kỳ, chị được thông báo, bản thân mang mầm mống “căn bệnh thế kỷ”. Làm sao để cứu lấy con? Hay cứ để mặc cho số phận đưa đẩy? Hàng trăm câu hỏi cứ bủa vây lấy chị khi màn đêm buông xuống.

Một lần, tình cờ đọc thông tin trên mạng về phương pháp điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, như “chết đuối vớ được cọc”, chị liên lạc với bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Không hiểu sao giọng nói trầm ấm, từ tốn, nhẹ nhàng phía bên kia điện thoại đã tiếp thêm cho chị nhiều hy vọng. Và rồi, chị tin vào đốm lửa nhỏ nhoi mà bác sĩ Sơn và cộng sự đã thắp lên trong mình. Đến ngày sinh, mẹ tròn con vuông, chị thấp thỏm chờ đợi kết quả xét nghiệm máu của con. Bác sĩ Sơn là người đầu tiên thông báo cho chị với một nụ cười hạnh phúc trên môi: “Âm tính em ạ!”. Chị khóc giàn dụa - như mình được sinh ra một lần nữa…

Con trai chị Ph., bé Nguyễn Anh Q. là một trong nhiều trẻ sơ sinh may mắn đáp ứng tốt với phác đồ điều trị trẻ phơi nhiễm HIV tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi của các y, bác sĩ và gia đình.

Trên toàn quốc, theo tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia y tế, phần lớn trẻ em dưới 5 tuổi sống chung với HIV là do nhiễm qua đường lây truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, chuyển dạ hoặc sau sinh. Nếu người mẹ nhiễm HIV cho con bú và không được điều trị thích hợp thì tỉ lệ lây truyền mẹ con có thể lên đến 20 - 45%. Tuy nhiên, nguy cơ lây truyền mẹ con có thể giảm xuống 2% nếu người phụ nữ được áp dụng những can thiệp thích hợp.

Nâng cao hiệu quả điều trị trẻ phơi nhiễm HIV

Đề tài đánh giá hiệu quả của quy trình theo dõi, chăm sóc và điều trị dự phòng cho trẻ phơi nhiễm HIV do bác sĩ Nguyễn Văn Sơn và cộng sự thực hiện nhằm giúp cho các bác sĩ sản nhi có cái nhìn đúng về dự phòng HIV cho trẻ bị phơi nhiễm; đồng thời tăng cường công tác tư vấn, phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV, theo dõi và chăm sóc trẻ phơi nhiễm.

171 trẻ phơi nhiễm đã và đang được theo dõi tại Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, trong đó có 17 trẻ không được dự phòng lây truyền mẹ con (mẹ không sử dụng ARV, con không sử dụng ARV, con bú mẹ) tự đến phòng khám ngoại trú (nhóm 1); 53 trẻ được dự phòng lây truyền mẹ con đầy đủ chuyển sang từ Khoa Sản, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An (nhóm 2). Nhóm 3 gồm 101 trẻ được dự phòng không đầy đủ.

Các can thiệp điều trị dự phòng cho trẻ phơi nhiễm HIV từ mẹ theo chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: ARV dự phòng cho bà mẹ nhiễm HIV từ khi mang thai (bao gồm cả ARV đã điều trị từ trước); ARV dự phòng cho bà mẹ nhiễm HIV uống lúc chuyển dạ đẻ; ARV dự phòng uống ngay sau sinh cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, không bú mẹ, cấp sữa thay thế).

Điều đáng chú ý, trong số gần 200 trẻ phơi nhiễm từ mẹ, có trên 80% trẻ phơi nhiễm được sinh ra ở nông thôn. Theo đó, 53 bà mẹ thực hiện nghiêm túc theo phác đồ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỉ lệ lây truyền mẹ con chỉ 2% (chiếm 31%); 69% (118/171 bà mẹ không được dự phòng hoặc dự phòng không đầy đủ có tỉ lệ lây truyền mẹ con 23,73%).

Những nghiên cứu của đề tài trên cùng các tài liệu của các chuyên gia y tế cho thấy, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm HIV cần được tư vấn xét nghiệm HIV và theo dõi khi sinh, có thể uống thuốc ARV cho mẹ và con theo phác đồ dự phòng lây truyền mẹ con. Và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được theo dõi, chăm sóc bởi đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn để giảm thiểu khả năng trẻ khỏi bị nhiễm HIV. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ trước đại dịch HIV/AIDS và cứu lấy số phận những đứa bé vốn đã kém may mắn hơn so với bạn bè.

.

Mai Hậu

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ đề tài nghiên cứu của Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cùng cộng sự).

.