(Congannghean.vn)-Tự tin kết hôn với người chồng nhiễm H, rồi liều lĩnh có con và giờ trở thành tiếp cận viên tích cực, giúp đỡ nhiều người phòng tránh căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Chị là Lê Thị Hồng (tên nhân vật đã được thay đổi, SN 1980) trú tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh, một trong những người đầu tiên sáng lập nhóm “Vòng tay bè bạn” - nơi những người đồng cảnh như chị Hồng đã tìm thấy hình hài của hạnh phúc…
Khi chúng tôi hẹn gặp để tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động của các tiếp cận viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, cũng là lúc chị vừa “hoàn thành nhiệm vụ” tuyên truyền thành công cho 1 người bị nghiện ma túy nặng trên địa bàn huyện Nam Đàn.
“Việc này chẳng đơn giản chút nào, có những người đồng ý tham gia nhưng lại chưa nói với người thân trong gia đình. Lúc chúng tôi gặp để tuyên truyền, một số người vẫn chưa có thái độ hợp tác, thậm chí xua đuổi. Với mỗi tiếp cận viên, những chuyến đi không thành như thế, đã trở thành “chuyện cơm bữa”, chị Hồng chia sẻ.
Chị Hồng trong một lần tiếp cận với người nghiện ma túy trên địa bàn TP Vinh |
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng nhiều năm qua, chưa có một lời than phiền nào từ 10 thành viên của nhóm. Bởi lẽ, với những người đã trải qua quá nhiều biến cố trong cuộc đời như chị Hồng, được là một thành viên của dự án phòng, chống HIV/AIDS, trở thành người có ích cho xã hội, như là một hạnh phúc muộn màng.
Nhiều người vẫn quan niệm, HIV chỉ liên quan đến các tệ nạn xã hội và những đối tượng vi phạm pháp luật. Chính quan niệm đó là nguyên nhân khiến thái độ kỳ thị, xa lánh với những người bị H trong xã hội chưa có sự chuyển biến thật sự. Vì nhiều nguyên nhân, họ không biết rằng, có rất nhiều người “vô tình” bị lây nhiễm HIV từ chồng, bạn tình và người thân trong gia đình, như trường hợp chị Hồng…
Là chị cả trong gia đình có 3 anh chị em, chị được học hành đến nơi đến chốn. Cuộc đời chị sẽ êm ả như vậy nếu không gặp anh Nguyễn Thọ Tình, chồng chị sau này. Sinh ra trong gia đình có điều kiện, gia giáo nên khi quen anh Tình, bố mẹ chị phản đối kịch liệt.
Điều khiến bố mẹ lo lắng không phải vì bệnh tật (khi đó và cả sau này, người thân của chị vẫn chưa biết chuyện chồng chị bị H) mà là vì hoàn cảnh xuất thân của anh. Mẹ anh mất sớm, một mình bố anh chèo chống nuôi 5 người con. Là con trai cả, anh Tình phải có trách nhiệm cùng bố nuôi dưỡng 4 đứa em đang ở tuổi ăn, tuổi học. Rồi, cũng vì không làm chủ được bản thân trước lời rủ rê của bạn bè và trước cám dỗ cuộc đời, anh bị nhiễm HIV. Mặc cảm vì thân phận, bệnh tật, anh tìm mọi cách từ chối chị.
Tuy nhiên, linh cảm của một người phụ nữ khiến chị không tin vào lời giải thích của anh. Gặng mãi, sau nhiều lần, anh mới nói hết sự thật. Đến giờ, chị vẫn nhớ như in cái cảm giác bàng hoàng, lo lắng, xót xa cho số phận của cả 2 anh chị khi anh thông báo điều đó. Thế rồi, tình yêu chân thành và trái tim bao dung của người phụ nữ đã thôi thúc chị đưa ra quyết định lập gia đình với anh. Tháng 12/2006, anh kết hôn với chị trong bộn bề lo lắng, vất vả.
Cưới nhau xong, để có thêm thu nhập nuôi các em trong gia đình, chị mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay tại nhà; còn anh, ai thuê gì làm nấy. Khi kết hôn chị cũng xác định hai người bên nhau là hạnh phúc rồi, chuyện con cái chẳng thể nào toại nguyện. Thế nhưng, bản năng làm mẹ mãnh liệt cứ thôi thúc chị hàng đêm, chị băn khoăn đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Sức khỏe anh ngày một yếu đi, chẳng may anh ra đi, nếu không có con, chị chẳng có ai song hành trong cuộc đời đằng đẵng phía trước. Còn nếu có con, liệu hai mẹ con chị có đủ sức mạnh để vượt qua bao giông tố? Lần này, cũng như lần chị chọn ở lại bên anh, bản năng người phụ nữ lại chiến thắng.
Hơn 1 năm trước khi chồng mất, chị có thai. Liều lĩnh có con nên khi nghe bác sĩ thông báo mình bị H sau khi tiến hành hàng loạt xét nghiệm, chị đã xác định được phần nào tinh thần. Chị tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ của bác sĩ trong điều trị dự phòng trẻ phơi nhiễm HIV. Ngày chị nhận kết quả con trai đầu lòng âm tính với virut HIV, chị như được hồi sinh một lần nữa.
Sau khi chồng mất, chị về ngoại, vừa bươn chải nuôi con, vừa hỗ trợ các em ăn học khi gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong một lần tham gia tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, chị biết đến hoạt động của các dự án phi Chính phủ trong tiếp cận cộng đồng.
Từng trải qua những khó khăn khi người thân bị H, chị nhen nhóm ý định thành lập “một địa chỉ” làm chỗ dựa cho những người có người thân nhiễm HIV. Rồi phát triển hơn nữa là tiếp cận các đối tượng nghiện ma túy để nâng cao hiệu quả phòng tránh HIV/AIDS trong cộng đồng. Nhóm “Vòng tay bè bạn” được thành lập vào tháng 10/2014, hiện nay có 10 thành viên, trong đó có 7 người bị H.
Cũng như các nhóm dựa vào cộng đồng (CBO), hoạt động chủ yếu của các thành viên là phát bơm kim tiêm, bao cao su, tư vấn truyền thông, giới thiệu người nghiện tham gia điều trị methadone… Số tiền từ việc tham gia dự án khoảng 1 triệu đồng/tháng cũng hỗ trợ chị phần nào trong việc chăm sóc cậu con trai đang học tiểu học.
Điều mà chị và các thành viên trong nhóm lo lắng là từ năm 2017, nếu muốn điều trị, các bệnh nhân HIV sẽ phải tự bỏ tiền mua thuốc. Việc tham gia bảo hiểm dành cho người bị H sẽ giải quyết phần nào khó khăn về kinh phí nhưng đa phần, người bị HIV đều không có công việc ổn định, việc đóng bảo hiểm gặp nhiều rào cản.
“Lo lắng lắm vì những người như mình, phần lớn đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong khi xã hội vẫn có cái nhìn kỳ thị nên chuyện xin việc, có chỗ làm ổn định cũng khó lắm. Chỉ mong mọi người cởi mở hơn với những người bị H, chia sẻ để chúng tôi vượt qua trong cuộc đấu tranh với căn bệnh thế kỷ”, chị Hồng ngậm ngùi.