Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201605/mai-nha-chung-cua-tinh-dong-doi-677623/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201605/mai-nha-chung-cua-tinh-dong-doi-677623/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mái nhà chung của tình đồng đội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 17/05/2016, 09:29 [GMT+7]

Mái nhà chung của tình đồng đội

(Congannghean.vn)-Gần nửa thế kỷ qua, Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An đã trở thành mái nhà chung của nhiều thương bệnh binh (TBB) một thời từng vào sinh ra tử nơi chiến trường. Ngày trở về, mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng khi vào Trung tâm, họ đã vơi đi phần nào nỗi đau thể xác và sống dựa vào nhau trong phần đời còn lại…

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An đóng tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc vào một ngày giữa tháng 5. Đây là nơi sinh sống của những người con anh dũng đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc.

Ngày đất nước thống nhất, họ “đoàn tụ” về đây để điều trị vết thương và nghỉ dưỡng. Trong số đó, có những người khi trở về không còn người thân nên suốt phần đời còn lại phải nương tựa vào Trung tâm; cũng có không ít trường hợp đều là thương binh từ chiến trường trở về Trung tâm và đã nên duyên vợ chồng tại đây.

CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Nghệ An thăm hỏi, tặng quà cho TBB tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An
CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Nghệ An thăm hỏi, tặng quà cho TBB tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An

Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An được xây dựng từ năm 1974, có nhiệm vụ, chức năng nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho TBB nặng của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Trong hơn 40 năm qua, đơn vị đã điều trị, chăm sóc cho các TTB trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế. Có thời điểm, Trung tâm tiếp nhận hơn 1.000 TBB về điều trị. Nơi đây có tới 70% thương binh nặng như cụt 2 tay, 2 chân, mù 2 mắt… cần phải có người thường xuyên chăm sóc, theo dõi. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, điều dưỡng 72 TBB nặng.

Ông Nguyễn Thiếu Lâm, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An cho biết: “Ở đây, hầu hết là các TBB nặng nên cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Một số TBB tuổi cao, sức yếu, lúc trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát nên phải có người túc trực 24/24 giờ.

72 TBB nhưng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Một số người còn có người thân vào đón đưa, chăm sóc nhưng cũng không ít người khi trở về chẳng còn ai... Vì vậy, chúng tôi tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hết sức để các bác, các chú xem Trung tâm như ngôi nhà của mình”.

Trong thời gian điều trị tại Trung tâm, các TTB đều được đội ngũ y bác sỹ, cán bộ chăm sóc, điều trị hết sức tận tình. Họ xem các TBB như chính người thân ruột thịt của mình. Có những người ra đi đột ngột tại Trung tâm trong khi không có người thân, đơn vị đã làm các thủ tục an táng cho họ. Những ngày lễ, Tết, ngoài việc chăm sóc cho các TBB thì việc hương khói cho những người đã khuất cũng được các y bác sĩ nơi đây lo chu tất, vẹn toàn.

“Trong số các TBB, có nhiều người gắn bó cả cuộc đời còn lại với Trung tâm. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều TTB ở lại Trung tâm cùng nhau đón Xuân nên chúng tôi cũng thay phiên trực, cùng chung vui, sẻ chia với các TBB. Ở đây, việc chăm lo bữa ăn hàng ngày của các TBB phải chu đáo, đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ cho họ. Đặc biệt, những lúc thời tiết chuyển mùa, vết thương cũ tái phát nên thuốc thang cũng phải kịp thời, đầy đủ”, chị Thái Thị Thu Hà, cán bộ của Trung tâm chia sẻ.

Được biết, TBB cao tuổi nhất hiện đang sống tại Trung tâm đã 84 tuổi và người ít tuổi nhất là 45 tuổi. Đặc biệt, trong số 72 TBB đang được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm thì có tới 13 đồng chí không lập gia đình; 41 người ngoài những vết thương chiến tranh để lại còn mang trên mình nỗi đau da cam với các chứng bệnh nan y có di chứng nặng nề. Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc, điều trị cho các TBB, đòi hỏi các y bác sĩ phải hết sức tận tâm, chu đáo.

Trong những năm qua, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp cũng như các tổ chức chính trị xã hội. Tuổi trẻ Công an tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên các TBB trong những dịp lễ, Tết. Ngoài ra, Trung tâm còn được xem là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, hệ thống phòng ở, tiện nghi sinh hoạt dành cho các TBB đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Công tác giải quyết chế độ chính sách của TBB đã được thực hiện kịp thời, giúp họ yên tâm ổn định cuộc sống tinh thần. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm, để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của TBB đang được chăm sóc, điều trị ở đây, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chức năng. Đó chính là động lực để những người từng vào sinh ra tử nơi chiến trường sống vui vẻ trong mái nhà ấm tình đồng đội.

.

Ngọc Thái

.