Phản cảm, xấu hổ, rẻ tiền... là những từ được sử dụng nhiều nhất mà cư dân mạng dành cho những bức hình chụp các cô gái mặc bikini để tiếp thị bia trong một nhà hàng ở quận Cầu Giấy và các cô gái đứng giới thiệu sản phẩm điện máy trong một siêu thị tại Hà Nội cách đây vài ngày.
Kẻ dại khi không mặc gì, hẳn nhiên là được thông cảm, nhưng còn người khôn, họ chẳng có lý do gì trút bỏ quần áo để khoác lên người những mảnh vải chỉ thích hợp ở bãi biển hay chốn riêng tư. Tôi đã đọc được rất nhiều comment (bình luận) dung tục, bên dưới các bức ảnh hở hang, những gã đàn ông tỏ vẻ "thích thú" (kiểu thích thú của giống đực trước vẻ khiêu khích của giống cái).
Những người phụ nữ thì lắc đầu, ngán ngẩm lên án. Một số khác tỏ ra bi quan... Nhưng cơ bản là khó ai chấp nhận được những hình ảnh "mát mẻ" giữa chốn lao xao này.
Cô gái mặc bikini bán hàng tại siêu thị Trần Anh. |
Các cô gái làm nghề PR (được các ông chủ thuê), tất nhiên là vô cảm trước những hỉ nộ ái ố của vô số ánh mắt đang chăm chú nhìn các cô (vì nếu có một chút cảm giác nào đó, ví như là ngượng ngùng, e dè, hoặc quý nữa là biết xấu hổ, hẳn các cô đã không vui vẻ nhận lời làm việc này).
Tôi không biết bản thân các cô nghĩ gì, nhưng với góc độ đơn giản nhất của một người phụ nữ, tôi thấy xấu hổ và thương thay cho các cô. Sự "thương" ở đây nhất định phải được hiểu trong dấu ngoặc kép. Đó là cảm giác xót xa, nhức nhối khi bỗng dưng tôi liên tưởng các cô là em gái, là cháu, là con của tôi. Cái cảm giác xót xa khi một phần da thịt của mình bị phơi bày, bị đối xử như một món hàng.
Nhưng còn đáng ngại hơn là thái độ của các cô, có vẻ như họ nhẫn nại hoặc cố tình nhẫn nại để thực hiện đúng nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất. Xét trong một chừng mực nào đó, đó là thái độ làm việc chuyên nghiệp, nhưng với con mắt giản đơn của những bà, những chị, những cô, những người đang cực kỳ lo ngại chồng, con họ la cà ở những chốn này, thì các cô và phường bán da thịt để lấy tiền là cùng một giuộc, đều đáng lên án.
Nếu bỏ qua góc độ văn hoá, đạo đức, thì việc thuê một dàn chân dài mặc bikini đứng tiếp thị sản phẩm ở siêu thị điện máy hoặc rót bia tại nhà hàng, đều vi phạm pháp luật. Thực tế là ông chủ của siêu thị Trần Anh đã phải nhận cái án phạt 40 triệu đồng, còn nhà hàng nọ cũng đang đối mặt với sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng. Họ biết vi phạm nhưng vẫn làm?
Hay họ đơn giản chỉ là thiếu hiểu biết pháp luật. Tôi cho rằng, không có sự thiếu hiểu biết pháp luật nào ở đây cả, bằng chứng là chỉ sau khi Trần Anh bị cơ quan chức năng xử phạt khoảng 1 tuần, thì nhà hàng TB tiếp tục vi phạm với cái lỗi y chang của Trần Anh. Nghĩa là với một số ông chủ, pháp luật không là gì đối với họ, họ tự cho mình cái quyền sống trên pháp luật. Theo kiểu sai thì sửa, chửa thì đẻ.
Và cái án 40 triệu đồng chỉ là "con tép đậu trên mép con mèo", chỉ khiến các ông chủ cười khẩy so với những lợi nhuận mà nhờ vụ bikini bán hàng, các ông chủ này thu lại được có phải không? Các thương hiệu muốn thành công, muốn đứng được trong lòng khách hàng, phải mất nhiều năm để xây dựng.
Nhưng có vẻ như chỉ cần một phút, với chiêu hở da thịt, các ông chủ của siêu thị hay nhà hàng nọ tự dưng được nổi tiếng mà không cần phải trả bất cứ chi phí truyền thông nào. Thế nên, họ bất chấp các quy định của pháp luật là vì lý do này chăng?