Gia đình xã hội

Tục đám cưới nhà gái không nhận tiền mừng

09:56, 21/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc tổ chức lễ cưới và phong bì mừng cưới là gánh nặng đối với không ít gia đình. Làm thế nào để có một tiệc cưới gọn nhẹ nhưng vẫn mang lại niềm vui trọn vẹn cho cả gia chủ và khách mời đang là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Tại một vùng quê ven biển huyện Diễn Châu, tục đám cưới nhà gái không nhận tiền mừng tưởng chừng như một “nét văn hóa” lại gây ra dư luận trái chiều.

Trường hợp mà chúng tôi nhắc đến ở trên là gia đình bà Nguyễn Thị Lương ở xóm Bắc Liên, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu. Vợ chồng bà Lương năm nay đã ngoài 60 tuổi, kinh tế gia đình còn khó khăn. Ông bà sinh được 7 người con (3 trai, 4 gái).

Quang cảnh bình yên ở xã Diễn Kim
Quang cảnh bình yên ở xã Diễn Kim

Nói đến tục đám cưới con gái mà gia chủ không được nhận tiền mừng, bà Lương thở dài: “Cũng vì phong tục lạ lùng này mà nhà tôi nợ nần chồng chất. 4 đứa con gái lần lượt đi lấy chồng là 4 lượt tôi làm đơn vay tiền ngân hàng. Nợ tiền đám cưới chị chưa trả hết thì vợ chồng tôi lại phải đi vay để tổ chức cưới cho đứa em. Dù gia đình còn nghèo đói nhưng mâm cỗ vẫn phải đầy đủ. Nhà nào sinh nhiều con gái cũng rơi vào tình cảnh như vậy chứ không riêng gì nhà tôi”.

Năm 2012, khi cô gái út đi lấy chồng, bà Lương phải vay 10 triệu đồng để lo mâm cỗ. Nợ mới, nợ cũ chồng chất, không biết đến bao giờ ông bà mới trả hết để được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già?

Lý giải về phong tục đặc biệt của làng, ông Hoàng Đình Thước trú tại xóm Phú Thành, xã Diễn Kim chia sẻ: "Tục này đã có từ lâu đời. Ngày xưa, mỗi khi tổ chức đám cưới cho con cái, dù là nam hay nữ, người dân xã Diễn Kim đều không nhận quà mừng. Những người đến tham dự hôn lễ thường mang theo đồ uống để chung vui với gia đình, tuyệt đối không mang theo tiền bạc hay quà cáp có giá trị. Đến khoảng đầu những năm 80, do chi phí mâm cỗ cao nên làng cho phép nhà trai được nhận quà mừng cưới, còn nhà gái tuyệt đối không nhận bất cứ món quà nào".

Cũng theo ông Thước, dân làng quan niệm, con gái lấy chồng là "lộc, duyên con gái" nên trong ngày cưới, họ chỉ mời một số anh em, bà con thân thích đến uống chén rượu mừng. Nhớ lại đám cưới của mình, vợ ông Thước trầm ngâm: "Thời tôi lấy chồng, cha mẹ chỉ dọn dăm mâm đơn giản để mời anh em, hàng xóm nhưng bây giờ “mâm cao cỗ đầy”, bia rượu linh đình, tốn kém lắm”.

 Bà Thước nhớ lại đám cưới “đơn giản mà vui” của mình
Bà Thước nhớ lại đám cưới “đơn giản mà vui” của mình

Những năm gần đây, nhận thấy phong tục này gây ra gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình có đông con gái, một số người đã kiến nghị bãi bỏ hoặc thay đổi tục lệ để phù hợp với tình hình thực tế hơn. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền nên tổ chức lễ cưới đơn giản, gọn nhẹ và cho phép gia đình nhà gái nhận tiền mừng để giảm bớt gánh nặng.

Trên thực tế, tại một số xã như Diễn Vạn, Diễn Bích, gia chủ tổ chức đám cưới đã nhận tiền mừng. Riêng xã Diễn Kim, sau một số cuộc họp, đã có một vài trường hợp nhà gái lấy tiền mừng cưới nhưng đều bị hàng xóm xì xào: “Ngày trước đi uống rượu không mừng, giờ lại lấy tiền mừng của người khác”. Những gia đình “lỡ” nhận tiền mừng đành phải mang trả lại và... thông cảm. Từ đó, không gia đình nào dám nhận tiền mừng nữa.

Dù trong thâm tâm, ai cũng biết việc tổ chức tiệc cưới linh đình gây tốn kém, lãng phí, nhưng do quan niệm đời người chỉ cưới một lần nên nhiều gia đình dù hoàn cảnh khó khăn cũng “cắn răng” làm tiệc lớn để con cái không tủi thân, xấu hổ với làng xóm.

Anh Bùi Văn Cương, Trưởng ban Văn hóa xã Diễn Kim cho biết: “Phong tục đám cưới nhà gái không nhận tiền mừng đã khiến nhiều gia đình nghèo, có đông con gái thêm phần khó khăn. Dù không chủ ý nhưng tục lệ này cũng tạo nên tâm lý phân biệt nam nữ. Những năm gần đây, chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền người dân thực hiện mô hình đám cưới nếp sống mới, không tổ chức tiệc mặn và không nhận quà mừng. Nhưng do phong tục tập quán ăn sâu, bám rễ vào đời sống nên việc thực hiện còn nhiều khó khăn, không thể thay đổi trong một sớm một chiều".

Thiết nghĩ, thay vì cố gắng vay mượn để tổ chức tiệc cưới linh đình, các gia đình nên tổ chức lễ cưới đơn giản, không làm tiệc mặn, không nhận tiền mừng theo nếp sống mới thì khi đó niềm vui trong lễ vu quy sẽ trọn vẹn hơn.

Nguyễn Lê

Các tin khác