Gia đình xã hội
Người khuyết tật cần được 'tiếp sức' từ các nguồn vốn
(Congannghean.vn)-Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao mức sống cho người khuyết tật, từng bước giúp họ vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống là vấn đề đang được các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, người khuyết tật đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay.
Người khuyết tật rất cần nguồn vốn vay để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống |
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng trên 200.000 người khuyết tật. Qua tìm hiểu, trong số này, có khoảng hơn 70.000 người đang mong muốn tìm được việc làm để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Bởi mặc dù bị khiếm khuyết về hình thể nhưng họ vẫn có khả năng lao động ở những công việc đặc thù, phù hợp với khả năng của bản thân.
Đây cũng là những người đang được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao về tinh thần vượt khó “tàn nhưng không phế”. Nhiều người bại liệt 2 chân đã thành công bằng đôi tay của mình. Không ít người tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống trên những chiếc xe lăn… Để xoá đi mặc cảm, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, rất cần sự động viên, sẻ chia của cả cộng đồng.
Người dân sinh sống trên đường Lê Quý Đôn, xã Hưng Lộc, TP Vinh ai cũng biết đến anh Lê Bá Thành, giám đốc Công ty TNHH máy CNN Thành Vinh. Tuy bị liệt hai chân nhưng bằng ý chí, nghị lực, anh không chỉ vươn lên trong cuộc sống mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những người cùng hoàn cảnh.
Không chấp nhận số phận, từ nhiều năm nay, với sự động viên, giúp đỡ của gia đình, người thân, anh đã vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để thành lập Công ty TNHH máy CNN Thành Vinh với số vốn khởi nghiệp hơn 1 tỉ đồng. Hiện nay, không chỉ xây dựng được thương hiệu cho Công ty, anh còn tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động là những người khuyết tật.
Ông Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Nghệ An cho biết: Trên thực tế, việc quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật là chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước. Người khuyết tật hiện nay cũng đang được hưởng lợi từ nhiều dự án, chính sách xã hội. Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta vẫn chưa chú trọng tới việc để người khuyết tật tiếp cận được các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Trần Thị Hương, Phó phòng Kế hoạch tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An, nhu cầu vốn vay của người khuyết tật là rất lớn. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ mới được bố trí khoảng từ 4 - 6 tỉ đồng nguồn vốn vay dành cho người khuyết tật.
Thế nhưng, nguồn vốn vay này không phân định theo đối tượng cụ thể mà khi người khuyết tật có nhu cầu vay vốn cũng chỉ được trích theo Nghị định 61 của Chính phủ. So với nhu cầu vay vốn hiện nay, để người khuyết tật có việc làm ổn định, cần có gói vay lớn hơn nữa.
Mặt khác, việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại đòi hỏi đối tượng vay phải có trên 30% người khuyết tật làm việc; nếu có từ 10 người khuyết tật trở xuống thì được vay tối đa 500 triệu đồng, 20 người khuyết tật trở lên là 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ sở đáp ứng điều kiện này để được giải ngân đến vay gần như không thể thực hiện được.
Để người khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn vay nhằm ổn định cuộc sống hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Nhằm giải quyết tình trạng trên, cần giảm bớt thủ tục hành chính, giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay; qua đó tạo bước đệm để họ từng bước ổn định cuộc sống.
Ngọc Thái