Gia đình xã hội
3 anh em ruột chết thảm trong hầm vàng
(Congannghean.vn)-Vì cuốc sống mưu sinh, những người lao động nghèo đã chấp nhận đánh đổi số phận để tìm kiếm vận may từ nghề phu vàng. Cái chết luôn rình rập, ập đến bất cứ lúc nào, trong đó có không ít những cuộc trở về đẫm nước mắt. Vụ việc 3 phu vàng trong một gia đình ở xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn vừa thiệt mạng tại một mỏ vàng “chui” ở tỉnh Quảng Nam trong những ngày vừa qua là một ví dụ.
Ngạt khí, 4 phu vàng bỏ mạng
Vụ việc xảy ra lúc 17 giờ ngày 12/4, sau khi nổ mìn trong hầm để lấy đá làm vàng, 7 phu vàng, trong đó có 6 người cùng quê ở huyện Kỳ Sơn lần lượt vào hầm vàng được mở trái phép tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thì bị ngạt khí.
Cận cảnh hầm vàng trái phép và địa điểm 4 phu vàng thiệt mạng tại Quảng Nam |
Có 5 người bị kẹt trong hầm, trong đó 4 người tử vong tại chỗ, 2 người khác vào cứu nhưng bất thành và may mắn thoát chết vì chạy được ra bên ngoài, sau đó xuống núi báo cho người dân và chính quyền lên ứng cứu.
Xác định trong đường hầm bị thiếu ôxy nên lực lượng cứu nạn đã bơm ôxy vào bên trong nhưng khi tiếp cận được với các nạn nhân, chỉ duy nhất 1 người còn sống, 4 người còn lại đã tử vong.
Danh tính 4 phu vàng tử vong gồm: Cụt Văn Sơn (SN 1982); Cụt Văn Hiệu, còn gọi là Cụt Phò Pheng (SN 1989) và Cụt Văn Nam, còn gọi là Cụt Văn Ngọ (SN 1997), là 3 anh em ruột, cùng trú tại bản Xao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và Nguyễn Kim Vui (SN 1989) trú tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, 1 người bị thương là Cụt Văn Dung, 2 người may mắn thoát chết là Cụt Văn Hoành và Và Bá Nhia, cùng trú tại huyện Kỳ Sơn.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 5 triệu đồng đối với mỗi trường hợp tử vong và 3 triệu đồng đối với người bị thương. Do gia đình các nạn nhân ở Nghệ An quá nghèo khó, không thể vào để đưa thi thể con mình về nên huyện Nam Giang cũng đã hỗ trợ 40 triệu đồng làm kinh phí đưa thi thể các nạn nhân về quê, đồng thời hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng.
Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xác định là do ngạt khí hầm lò, bởi trước đó, những người này nổ mìn trước khi xuống hầm khiến ôxy bên trong không còn, dẫn đến ngạt khí. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc bất chấp mạng sống để theo đuổi giấc mơ giàu lên nhanh chóng từ vàng. Chính sự buông lỏng của chính quyền địa phương cũng đã vô tình “tiếp tay” cho sự việc đáng tiếc này.
Tang thương bản nghèo
Một ngày sau khi xảy ra vụ việc sập hầm vàng tại Quảng Nam, tin dữ được báo về bản Xao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn. Người dân chẳng ai bảo ai, bỏ hết công việc ruộng nương, tập trung đến ngôi nhà xiêu vẹo của ông Cụt Phò Quyên, bố của 3 anh em thiệt mạng trong vụ việc để chia sẻ với nỗi đau, sự mất mát quá lớn.
Ông Cụt Phò Quyên cùng cháu nhỏ với nỗi đau mất 3 đứa con ruột |
Ôm đứa cháu nhỏ mồ côi bố trên tay, ông Quyên thẫn thờ cho biết: “Cũng vì nghèo khổ mà phải tha phương mưu sinh. Không ngờ kết cục quá bi thảm, chỉ thương mấy đứa cháu nội, bỗng chốc thành trẻ mồ côi”.
Theo lời kể của ông Quyên, vợ chồng ông sinh được 8 người con. Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, 4 trong 5 đứa con trai đã nghe theo lời dụ dỗ của một người lạ mặt vào Quảng Nam khai thác vàng. Trong thời gian này, các con ông rất ít khi liên lạc với gia đình, kể cả vợ con nên không ai biết họ làm việc ở nơi nào của tỉnh Quảng Nam.
Chỉ đến khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng báo tin vào nhận thi thể các con thì gia đình mới hay biết. Ông Cụt Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng cho biết: Gia đình ông Cụt Phò Quyên và các con thuộc diện nghèo nhất nhì ở bản miền biên giới này.
Trong số 3 người con thiệt mạng của ông Quyên, có 2 người đã có vợ con. Anh Cụt Văn Sơn có vợ là Cụt Mẹ Hải, hai người có 6 người con và anh Cụt Văn Hiệu có 4 người con với chị Cụt Mẹ Pheng sau 6 năm nên nghĩa vợ chồng.
Ông Ốc Phò Thắng, Trưởng Công an xã Bảo Thắng cung cấp thông tin, hiện nay, toàn xã có 36 người trong bản Xao Va rời địa phương đi lao động bất hợp pháp. Phần lớn trong số này vào Quảng Nam làm phu vàng hoặc làm thuê, bốc vác tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Theo thống kê của UBND xã Bảo Thắng, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xảy ra 6 vụ người dân đi lao động chui ở ngoài tỉnh gặp rủi ro, tai nạn lao động, trong đó có 5 người chết, 1 người bị thương nặng. Không phải đến bây giờ, khi sự việc xảy ra, nhiều người mới giật mình trước những cái chết tức tưởi khi nuôi giấc mơ làm giàu từ vàng.
Năm 2011, trên địa bàn huyện Tương Dương đã xảy ra vụ sập hầm vàng tại bản Đình Hương, xã Tam Đình khiến 5 người thiệt mạng. Một năm sau đó, cũng tại huyện Tương Dương, một vụ sập hầm vàng đã lấy đi mạng sống của 3 người dân nghèo và 7 người khác bị thương ở xã Nga My.
Phần lớn những người ra đi tìm kiếm cơ hội đổi đời đều là lao động chính trong gia đình, do gia cảnh quá nghèo nên đành “nhắm mắt đưa chân”. Mỗi năm, trên địa bàn Kỳ Sơn có hàng trăm người trở thành phu vàng, bán sức lao động cho các bưởng vàng, đi mà không lường trước được bất trắc, hoặc có thể lường trước rủi ro nhưng vẫn ra đi vì không còn lựa chọn nào khác. Trong số đó, nhiều người ra đi đã không thể trở về, hoặc trở về nhưng không toàn thây.
Anh Và Bá Nhia, một người may mắn sống sót trong vụ ngạt khí vừa rồi cho biết: Người lao động làm việc tại các bãi vàng vô cùng cơ cực vì bị ngược đãi, vắt kiệt sức lao động. Khốn cùng như vậy, nhưng vì ấp ủ giấc mơ làm giàu từ vàng nên tất cả đều cố chịu đựng. Thực tế, có nhiều phu vàng tuy may mắn không phải bỏ mạng thì khi trở về cũng thân tàn ma dại vì bị bóc lột, đánh đập, thậm chí bị tàn phế.
Liên quan đến vụ việc 3 anh em ruột tại xã Bảo Thắng tử vong tại Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các ban, ngành vào cuộc để giúp đỡ, hỗ trợ và kịp thời đến tận nhà các nạn nhân để động viên, an ủi, đồng thời hỗ trợ mai táng theo phong tục khi thi thể các nạn nhân xấu số được đưa về địa phương.
Thiên Thảo