Gia đình xã hội

Gia tăng đột biến tỷ lệ người dân 'lót tay' khi làm sổ đỏ

09:42, 13/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Thực tế nói trên đã góp phần khiến người dân hạ điểm đánh giá với các lĩnh vực “công khai, minh bạch” và “kiểm soát tham nhũng” ở địa phương - theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 vừa được công bố sáng 12/4 tại Hà Nội.

Dựa trên kết quả khảo sát gần 14.000 người dân từ 63 địa phương, Báo cáo PAPI 2015 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp xây dựng.

TS Đặng Hoàng Giang cho biết các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục đã có sự tiến bộ khá lớn thời gian qua
TS Đặng Hoàng Giang cho biết các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục đã có sự tiến bộ khá lớn thời gian qua

PAPI đánh giá 6 chỉ số thành phần, gồm: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công.

44% “lót tay” khi làm sổ đỏ

Điểm đáng chú ý trong báo cáo là chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm 3% điểm so với năm 2014. Tham nhũng cũng là một trong ba nhóm vấn đề khiến người dân quan ngại nhất trong năm 2015, bên cạnh lo lắng về điều kiện kinh tế (như nghèo đói, việc làm, thu nhập) và giao thông, đường sá.

Một ví dụ điển hình được nhắc tới tỷ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tăng đột biến. Ứớc tính trong năm 2015, có khoảng 44% số người làm thủ tục này phải đưa chi phí không chính thức mới làm xong được, gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính năm 2014 (24%).

Trên toàn quốc, chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.

Tuy nhiên, cũng ở lĩnh vực chống tham nhũng, điều đáng khích lệ là sau 5 năm, điểm trung bình của các địa phương đã tăng từ 5,69 lên 5,82. Và hơn 1/3 số địa phương có mức độ cải thiện đáng kể, với điểm trung bình tăng từ 5% trở lên so với năm 2011.

Nổi bật là điểm số của Trà Vinh tăng 47% và  đạt điểm cao nhất cả nước trong năm 2015, Cao Bằng cũng tăng tới 33%.  Một điểm sáng khác được nhắc tới là Nam Định, đạt điểm cao nhất ở nội dung “quyết tâm chống tham nhũng” của chính quyền và người dân.

Báo cáo đánh giá rằng kiểm soát tham nhũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhưng xu thế giảm điểm ở chỉ số này cho thấy quyết tâm đó chưa được chuyển hóa nhiều vào thực tiễn.

“Điều cần thiết hiện nay là những kế hoạch hành động cụ thể, cách làm mới mang tính hiệu quả cao bên cạnh quyết tâm vào cuộc thực sự của đội ngũ cán bộ, công chức ở tất cả các cấp chính quyền trong việc đẩy lùi tham nhũng”, báo cáo viết.

Người dân hài lòng với các dịch vụ xã hội cơ bản

Mức sụt giảm điểm đáng chú ý nhất là ở chỉ số nội dung “công khai, minh bạch” với kết quả năm 2015 giảm hơn 7% so với năm trước. Chẳng hạn, chỉ có 12% số người được hỏi biết kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES, đây rõ là nguồn gốc của tham nhũng. Hơn nữa, trong số những người có thông tin về quy hoạch, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3%, có cơ hội đóng góp ý kiến trước khi quy hoạch được ban hành.

“Việc công khai không tốn kém, vấn đề là chính quyền địa phương có muốn hay không. Không có lý do gì chúng ta thông báo được cho người dân về số liệu hộ nghèo mà lại không thông báo được tới người dân về kế hoạch sử dụng đất”, ông Giang nói.

Trong bối cảnh chung như vậy, lĩnh vực “cung ứng dịch vụ công” trở thành điểm sáng. Khảo sát cho thấy người dân trên phạm vi tòan quốc tương đối hài lòng với 4 dịch vụ được khảo sát.

“Báo chí vẫn tiếp tục kêu về các dịch vụ công căn bản như y tế, giáo dục, giao thông và bảo đảm an ninh trật tự, thế nhưng khảo sát cho thấy người dân vẫn rất công bằng. Rõ ràng là các dịch vụ công này đã có sự tiến bộ khá lớn, tăng khá mạnh trong thời gian qua. Đây là một trong những điểm sáng trong nhiệm kỳ 5 năm qua”, ông Giang nhận định.

Một chỉ số khác, mức độ hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ hành chính công cấp tỉnh hầu như không đổi qua các năm. Ở lĩnh vực rất được quan tâm là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 57% người dân nói nhận được giấy chứng nhận sau 30 ngày, theo đúng quy định, nhưng cũng có tới 22% số người phải chờ từ 100 ngày trở lên. Khoảng 6% vẫn phải đi qua “cò” để xong thủ tục.

Cũng có tới 96% số người được hỏi cho biết họ hài lòng khi đi làm thủ tục hành chính ở cấp xã, phường, họ không phải đi qua nhiều cửa mới làm xong giấy tờ.

“Phiền nhiễu ai cũng than, nhưng chưa đủ”

Các ý kiến tại lễ công bố đều nhận xét, PAPI là sự  đo lường khách quan và đã trở thành một công cụ hữu ích phản ánh sự nhìn nhận, đánh giá của đông đảo người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá rằng những kết quả chỉ số PAPI đã hỗ trợ tích cực cho Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương trong việc giám sát hiệu quả chính sách kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.

“Bức xúc với hành chính phiền nhiễu, ai cũng than. Song kêu ca chưa đủ, chúng ta cần chỉ rõ nền hành chính còn phiền nhiễu ở đâu và trong các lĩnh vực cụ thể nào. Người dân mong đợi, và chính quyền các địa phương đang cải cách quyết liệt. PAPI chính là một bộ chỉ số đo lường cảm nhận của người dân, giúp chính quyền các tỉnh nhìn lại sức khỏe nền hành chính của tỉnh mình”, PGS. TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định thẳng thắn.

Riêng về lĩnh vực chống tham nhũng, ông Nguyễn Tuấn Anh Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng,  để chống tham nhũng có hiệu quả thì không thể thiếu thông tin về đo lường một cách chính xác, khách quan và toàn diện. Kể từ khi được chính thức công bố từ năm 2010, PAPI Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng vào nỗ lực hướng tới xây dựng hệ thống thông tin đó, góp phần xây dựng một nền hành chính nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh và thân thiện với người dân.

Kết quả khảo sát qua các năm cho thấy Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An đã luôn đứng trong nhóm dẫn đầu về chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh trong suốt giai đoạn 2011-2015.

Ngoài ra, Thái Bình cũng là địa phương có tên trong nhóm dẫn đầu trong 4 năm liên tiếp từ 2012. Ngược lại, Lai Châu luôn đứng trong nhóm điểm thấp nhất từ 2011, còn Ninh Thuận có mặt trong nhóm này liên tục từ năm 2012.

Về mức độ cải thiện, Bắc Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Ninh Bình, Tây Ninh, Phú Thọ và Hà Tĩnh đã tăng điểm đáng kể với mức tăng từ 9-11%. Trong khi điểm tổng hợp của Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu giảm mạnh nhất.

 

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác