Gia đình xã hội

Làng nướng cá

15:22, 08/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Không có người làm nghề đi biển nhưng xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu lại nổi tiếng với nghề nướng cá biển. Món cá nướng đã nuôi lớn bao thế hệ người con nơi đây. Và, như một sự trả nghĩa với biển khơi, người dân bao đời vẫn kiên trì, cẩn thận lật trở từng con cá để mưu sinh…

Thời điểm bắt đầu mùa hè cũng là lúc nghề nướng cá ở xã Diễn Vạn vào chính vụ: Những giàn cá phơi kín sân, lấn ra hai bên đường làng. Dáng các mẹ, các chị chấp chới nón lá rửa, phơi, nướng cá cùng tiếng nói cười nhộn nhịp khắp làng trên xóm dưới. Chúng tôi ghé vào lò cá của gia đình chị Lê Thị Hương ở xóm Trung Phú, mùi cá nướng tỏa ra thơm phức. Những con cá được người dân cẩn thận lật trở như nâng niu món quà vô giá của biển khơi.

Chị Hoàng Thị Tâm làm nghề nướng cá hơn 10 năm nay
Chị Hoàng Thị Tâm làm nghề nướng cá hơn 10 năm nay

Chị Hoàng Thị Tâm (40 tuổi) chia sẻ: “Nghề nướng cá thuê vất vả lắm, đòi hỏi sự chịu khó, kiên trì. Tôi theo nghề này đã  hơn 10 năm. Sáng sớm tinh mơ, tôi phải dậy sửa soạn, vội ăn bát cơm nguội, sau đó sang lò xếp cá, rửa cá rồi phơi cho ráo nước, thường thì giai đoạn này từ 6 - 9 giờ, sau đó bắt tay vào nướng cá. Khoảng 18 - 19 giờ, công việc mới xong xuôi. Mùa hè, cá phơi được nắng, thơm ngon hơn nhưng thợ nướng cá thì cực lắm. Nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 40 độ C, chị em chúng tôi vẫn ngồi bên bếp than để nướng hàng tấn cá. Đó là chưa kể, việc thường xuyên tiếp xúc với khói và bụi than, đêm về nằm ho sặc sụa”.

Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay, cá càng thơm ngon. Ai học nhanh cũng mất cả năm trời mới quen nghề. Mỗi ngày, các chị được chủ lò trả từ 100.000 - 150.000 đồng.

Người làm thuê đã vất vả, chủ lò còn cực nhọc hơn. Chị Lê Thị Hương cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi nướng khoảng 1 tấn cá, thuê khoảng chục công nhân. Nếu nướng xong hàng, bán hết thì lãi ròng khoảng 500.000 đồng/ngày, hàng bán không được thì chịu lỗ. Nghề này cũng bấp bênh lắm, nếu không có khách quen thì không tồn tại được.

Nhiều lúc muốn bỏ nghề nhưng ngẫm lại ngoài nghề này, không còn nghề nào để làm nữa, đất chật người đông, ruộng đồng lại không có, đành phải chấp nhận. Hàng ngày, chồng và con trai tôi phải thức dậy từ lúc 2 - 3 giờ, đi đến các bến cá dọc bãi biển ở các huyện để gom hàng.  Khoảng 21 - 22 giờ lại vận chuyển cá nướng đến nơi tiêu thụ”.

Xã Diễn Vạn có khoảng 35 gia đình làm nghề nướng cá, tập trung chủ yếu tại các xóm: Yên Đồng, Trung Phú, Trung Hậu và Đồng Én. Nghề này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày, xã xuất đi khoảng hơn 30 tấn cá các loại, thị trường chủ yếu là các huyện trong tỉnh và một số tỉnh ở Lào.

Người dân ở Diễn Châu buôn bán ở Lào nhiều, mỗi lần về quê, các thương lái mua hàng tạ cá nướng đem sang Lào để bán. Cá nướng đã trở thành đặc sản của người dân Diễn Vạn, được khắp nơi ưa chuộng.

Hiện nay, xã Diễn Vạn vẫn chưa có địa điểm để quy hoạch làng nghề nướng cá. Các chủ lò chỉ tận dụng khoảng đất trống trước nhà hoặc ven sông để mở lò, gây ảnh hưởng tới môi trường. Bà Hồ Thị Tâm, chủ một lò cá nướng cho biết: “Trở ngại nhất là chưa có sự quy hoạch làng nghề hiện đại, vì vậy chúng tôi thiếu đất làm. Hiện tại, chúng tôi chỉ nướng cá theo cách thủ công, chưa có hệ thống khoa học kỹ thuật nào để áp dụng nên tai nạn nghề nghiệp thường xảy ra”.

Nguyễn Lê

Các tin khác