Gia đình xã hội

Hệ lụy từ 'lỗ hổng' xuất khẩu lao động (Kỳ cuối)

13:55, 05/04/2016 (GMT+7)

Kỳ I: "Vỡ mộng" giấc mơ xuất ngoại làm giàu

Kỳ II: Lao động Việt ở năm châu

TIN LIÊN QUAN

Kỳ cuối: Đi tìm căn nguyên

(Congannghean.vn)-Hiện nay, một số công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) chui mặc dù đã bị rút giấy phép nhưng vẫn lén lút đưa người đi làm việc ở nước ngoài hoặc người lao động tự ý vượt biên trái phép để tìm kiếm cơ hội đổi đời… là những kẽ hở trong XKLĐ hiện nay. Hệ lụy từ thực tế trên do người lao động gánh chịu: Người thì bị bắt giữ nơi trời Âu, kẻ phải bỏ mạng nơi xứ người, những người khác may mắn hơn giữ lại được mạng sống thì bị cảnh sát sở tại bắt giữ, trục xuất hoặc đưa vào các trại tị nạn. Theo đó, giấc mộng làm giàu nơi xa xứ cũng sụp đổ.

Hoàng Thị Đào, “nữ quái” lừa đảo XKLĐ bị bắt sau 3 năm lẩn trốn tại Tây Nguyên
Hoàng Thị Đào, “nữ quái” lừa đảo XKLĐ bị bắt sau 3 năm lẩn trốn tại Tây Nguyên

Về bản chất, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là con đường để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và được khuyến khích. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do không tìm hiểu kỹ, nhiều người đã sập “bẫy lừa” của một số cá nhân, tổ chức mạo danh đưa người ra nước ngoài làm việc để trục lợi, dẫn đến không thể xuất ngoại hoặc nếu đi được thì cũng bị bỏ rơi ở nước ngoài. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều thảm cảnh đau lòng xảy ra trong thời gian qua.

Mạnh tay xử lý sai phạm trong lĩnh vực XKLĐ

Vừa qua, sự việc Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom - Vietcom Human tại TP Hồ Chí Minh lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của 150 người lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo hình thức “chui” đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Hệ quả là các lao động đã mất tiền nộp cho Công ty nhưng chỉ được đi “máy bay giấy” và Công ty này đã bị phạt số tiền 212,5 triệu đồng.

Trên địa bàn Nghệ An, sau vụ việc Ngô Thu Lý (SN 1983) và Giáp Văn Trung (SN 1978), cùng trú tại tỉnh Bắc Giang có hành vi mạo danh cán bộ Thanh tra Chính phủ, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 7 tỉ đồng của hàng trăm người dân nghèo ở 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu bị phanh phui.

Mới đây, dư luận lại “nóng” lên khi vào ngày 27/2/2016, “nữ quái” Hoàng Thị Đào (SN 1965) trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh đã sa lưới pháp luật sau hơn 3 năm lẩn trốn và được di lý từ Buôn Mê Thuột về Nghệ An bàn giao cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An để tiếp tục điều tra, hoàn tất hồ sơ vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Trước đó, vào năm 2002, Đào đã liên hệ với các đối tác tuyển người đi XKLĐ “chui”. Đến đầu tháng 6/2012, Đào báo cho những người trong đường dây đưa người đi XKLĐ có đơn hàng tại nhà máy chế biến thực phẩm Hoá Đông (Đài Bắc), chuyên sản xuất bánh kẹo và đóng cơm hộp với phí xuất khẩu 120 triệu đồng.

Tin lời Đào, khoảng 35 lao động ở huyện Quỳnh Lưu được Trần Thị Đức trú tại phường Trường Thi, TP Vinh và Nguyễn Chiêu Dương trú tại Quỳnh Lưu môi giới, thu khoảng 350 triệu đồng nộp lại cho Đào.

Ngoài ra, Đào còn tung tin tại Hà Lan có đơn hàng hơn 50 người với công việc trồng cỏ nuôi bò mức lương từ 1.000 - 1.500 USD/tháng/người. Nhiều nông dân nghèo tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Quỳnh Lưu đã vay tiền đưa cho Đào để “xuất ngoại”. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người lao động, Đào đã cao chạy xa bay khiến hàng chục lao động ở Quỳnh Lưu nhiều lần kéo nhau vào TP Vinh đòi lại tiền nhưng thị đã trốn vào Đắk Lắk.

Người lao động cần tỉnh táo

Trên địa bàn Nghệ An, thời gian vừa qua, hoạt động cung ứng XKLĐ của các doanh nghiệp cũng liên tiếp bị “tuýt còi”. Mới đây nhất, trong số 39 công ty bị rút giấy phép hoạt động, tại Nghệ An có hai đơn vị. Lý do mà Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa ra là các doanh nghiệp này thu phí của người lao động quá cao.

Doanh nghiệp không có giấy phép hoặc hết phép XKLĐ vẫn hoạt động dẫn đến quyền lợi của người lao động tại các nước sở tại không được đảm bảo. Trong đó, hệ lụy dễ thấy nhất là làm việc nặng nhọc, điều kiện làm việc không đảm bảo, không được hưởng bảo hiểm, không được trả lương thỏa đáng và không được pháp luật bảo vệ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt giữ, trục xuất và không có cơ hội quay trở lại làm việc.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI, nghị trường “nóng” lên xung quanh vấn đề XKLĐ và sau kỳ họp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã mạnh tay trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý sai phạm của các doanh nghiệp và đã báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước thu hồi giấy phép hoạt động, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Công an tỉnh điều tra, xử lý một số doanh nghiệp XKLĐ có dấu hiệu vi phạm là Công ty CP Thương mại đầu tư Cửu Long, Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế Ninh Bình (NIBELC).

Theo khuyến cáo của các chuyên gia và người lao động, nhiều công ty bị thu hồi giấy phép nhưng vẫn lén lút hoạt động và dùng chiêu trò tung tin với người lao động rằng, thực chất của việc rút giấy phép là trả lại giấy phép để đổi tên thành công ty mới và vẫn tiếp tục tư vấn, thu tiền môi giới xuất ngoại. Trên thực tế, nhiều người do không tìm hiểu kỹ đã dính bẫy lừa và phải mang họa nơi xứ người.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, đã có hơn 100 lượt doanh nghiệp bị xử phạt do tuyển dụng qua trung gian, bắt tay với môi giới thu phí cao quá quy định và 39 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.

Trong thời gian tới,  Bộ LĐ-TB&XH sẽ xử lý nghiêm vi phạm và phạt nặng với các hành vi tái diễn. Trong đó, doanh nghiệp nào giao nhiệm vụ cho quá 3 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố hoặc để xảy ra sai phạm ở các chi nhánh sẽ bị phạt từ 150 - 180 triệu đồng và cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép, mức phạt tiền từ 180 - 200 triệu đồng. Các doanh nghiệp phải khống chế tỉ lệ lao động bỏ trốn, nếu để số lao động bỏ trốn quá cao, Bộ sẽ tạm dừng hoặc rút giấy phép hoạt động XKLĐ.

Thiên Thảo

Các tin khác