Gia đình xã hội
Hệ lụy từ 'lỗ hổng' xuất khẩu lao động (kì 2)
Kỳ I: "Vỡ mộng" giấc mơ xuất ngoại làm giàu
Kỳ II: Lao động Việt ở năm châu
(Congannghean.vn)-Hiện nay, một số công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) chui mặc dù đã bị rút giấy phép nhưng vẫn lén lút đưa người đi làm việc ở nước ngoài hoặc người lao động tự ý vượt biên trái phép để tìm kiếm cơ hội đổi đời… là những kẽ hở trong XKLĐ hiện nay. Hệ lụy từ thực tế trên do người lao động gánh chịu: Người thì bị bắt giữ nơi trời Âu, kẻ phải bỏ mạng nơi xứ người, những người khác may mắn hơn giữ lại được mạng sống thì bị cảnh sát sở tại bắt giữ, trục xuất hoặc đưa vào các trại tị nạn. Theo đó, giấc mộng làm giàu nơi xa xứ cũng sụp đổ.
Hiện nay, Nghệ An và Hà Tĩnh được biết đến là 2 địa phương có số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhiều nhất trong cả nước, với khoảng 20.000 lao động đang làm việc khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, đi liền với “thành tích” đó là những mặt trái phía sau giấc mộng đổi đời nơi xứ người, khi liên tiếp xảy ra nhiều bê bối do người lao động gây ra như trộm cắp, đánh nhau, bỏ trốn, bài bạc, thậm chí là mại dâm.
Anh Nguyễn Doãn Phương, lao động Việt tử nạn tại Nhật Bản hôm 17/3 |
Thư kêu cứu từ Nhật Bản
Với lao động Việt từ trước đến nay, Nhật Bản luôn là điểm đến mơ ước của nhiều người. Bởi so với nhiều thị trường lao động trên thế giới hiện nay, đất nước mặt trời mọc được ví là xứ sở thần tiên, công việc không quá vất vả nhưng thu nhập hàng tháng lại cao ngất ngưởng, dù chi phí để sang Nhật làm việc luôn ở mức cao. Thế nhưng, theo phản ánh của những người Việt đang làm ăn, sinh sống tại đây, thị trường lao động ở Nhật cũng có nhiều rủi ro, đi kèm với những mặt trái.
Mới đây nhất, vào ngày 16/3, việc 43 lao động làm việc tại Nhật Bản thông qua chi nhánh của Công ty Freesia House Corporation (Tokyo) gửi đơn kêu cứu vì bị ngược đãi đã phần nào vén “bức màn” về cuộc sống thật của những người XKLĐ sang đất nước này.
Cụ thể, theo phản ánh của người lao động, tại Việt Nam, Công ty này quảng cáo tuyển kỹ sư làm việc ở Tokyo với mức lương từ 30 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế sang Nhật, các lao động bị điều chuyển xuống làm việc tại tỉnh Iwate cho Công ty Seinan.
Hàng tháng, mỗi lao động phải trả 47.000 yên (khoảng 9,4 triệu đồng), bao gồm 39.000 yên tiền thuê nhà và 8.000 yên tiền điện, nước trong khi điều kiện sinh hoạt hết sức tồi tàn, 9 người phải sống trong một phòng trọ chỉ gần 25 m2, nhà vệ sinh bẩn thỉu, hôi hám.
Ngoài ra, chế độ ăn cũng không đảm bảo sức khỏe, 43 người chỉ được ăn 4 kg gạo lứt/bữa; thức ăn chỉ có rau xanh; cấm ăn thịt, cá, trứng. Họ phải làm việc từ 7 giờ đến 19 giờ trong môi trường độc hại, nhưng không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động. Khi người lao động thắc mắc thì lập tức bị Công ty thông báo chấm dứt hợp đồng.
Cũng tại Nhật Bản, trước đó, vào ngày 22/1, Cảnh sát đã bắt giữ 2 người Việt Nam vì làm việc bất hợp pháp. Trong thời gian chờ đợi, từ tháng 7 đến tháng 11/2015, hai người này làm visa tị nạn nhưng vẫn làm việc tại Công ty Thực phẩm Kitakyushu, bất luận thẻ ngoại kiều đã hết hạn.
Theo anh Nguyễn Văn Thành (32 tuổi) quê ở TX Thái Hòa, một người đang làm việc tại Nhật, áp lực công việc tại đây rất lớn. Lao động bị vắt kiệt sức lực trong khi điều kiện làm việc cũng không khả quan hơn so với nhiều nước khác trên thế giới. Điều chấp nhận được là thu nhập ở mức ổn định và cao hơn so với đi XKLĐ tại các nước khác, mặc dù trong quá trình làm việc cũng có những trường hợp tai nạn lao động hay tử nạn đáng tiếc.
Một nữ lao động Việt gặp nạn khi đang làm việc ở nước ngoài |
Ngày 17/3 vừa qua, anh Nguyễn Doãn Phương (SN 1985) trú tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đã tử nạn sau hơn 1 năm sang Nhật Bản làm việc. Cộng đồng người Việt tại đây đã phải kêu gọi, quyên góp ủng hộ để đưa thi thể anh này về nước.
Mặt trái của xuất khẩu lao động
Không riêng tại Nhật Bản, hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới có người Việt làm ăn, sinh sống, đặc biệt là các quốc gia chưa được Chính phủ ký hiệp định hợp tác về phái cử lao động, điều kiện làm việc của lao động khá khắc nghiệt và khó khăn. Anh Phan Minh Tình (36 tuổi) trú tại huyện Tân Kỳ sang Liên bang Nga làm việc đã khoảng 10 năm nay, ban đầu theo diện đi thăm người thân rồi tìm cách ở lại.
Anh cho biết, từ đó đến nay, dù là lao động tự do (bán quần áo) nhưng anh phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi phải thường xuyên đối phó với Cảnh sát nước sở tại. Thực tế, nhiều lần anh đã bị tịch thu hết hàng hóa, thậm chí bị đưa vào trại tị nạn nhưng vì mưu sinh nên phải tìm cách bám trụ. Cuộc sống ở trời Âu của anh Tình cũng là tình cảnh chung của lao động Việt Nam hiện nay ở các nước đang phát triển.
Ngoài điều kiện làm việc không như mong đợi và do lao động Việt ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đổi đời theo con đường không chính thống, hoặc thông qua các công ty không uy tín thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh trên là do chính bản thân họ.
Theo số liệu của Sở Ngoại vụ Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2015, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã phải can thiệp giúp đỡ và xử lý 17 vụ việc với 19 đối tượng là người Nghệ An bị bắt giữ tại nước ngoài, bị trục xuất do nhập cảnh trái phép hoặc gặp tai nạn, rủi ro tại các nước.
Số vụ việc người lao động vi phạm pháp luật tại nước sở tại ngày càng tăng. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với lao động đi XKLĐ, bởi trước đó, không chỉ ở nước ngoài mà nhiều công ty trong nước đã quay lưng, “nói không” với lao động Nghệ An và Hà Tĩnh. Không chỉ vi phạm pháp luật như có hành vi đánh bạc, trộm cắp, gây gổ đánh nhau, cư trú bất hợp pháp, ý thức kỷ luật lao động kém cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Tại Đài Loan và Hàn Quốc, rất nhiều lao động Việt Nam sau khi nhập cảnh thành công đã tìm cách bỏ trốn khỏi nghiệp đoàn để ra làm việc tự do bên ngoài chỉ vì mức lương cao hơn. Điều này dẫn đến hệ lụy là nước sở tại tăng cường siết chặt quản lý lao động ngoài nước, khiến hàng nghìn lao động Việt Nam mất cơ hội ra nước ngoài làm việc mỗi năm.
(Còn nữa)
Thiên Thảo