Gia đình xã hội
Đảng viên Khơ Mú đầu tiên ở Keng Đu
(Congannghean.vn)-Là người đầu tiên của đồng bào Khơ Mú ở xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông đã phát huy tính xung kích, sáng tạo trên mặt trận kinh tế, nuôi dạy con ăn học nên người. Đến nay, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã. Đó là Cụt Phò Lan (SN 1940) trú tại bản Huồi Khuôn 1, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Ông Cụt Phò Lan năm nay 76 tuổi nhưng đã có “thâm niên” 53 năm tuổi Đảng, là người giữ kỷ lục nhiều tuổi Đảng nhất của đồng bào Khơ Mú ở Keng Đu hiện nay. Với bà con dân bản, ông như cây cổ thụ của buôn làng, là người đi đầu, định hướng cho mọi người trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Ông Cụt Phò Lan |
Ông Lan chia sẻ, ông sinh ra trong gia đình nghèo nhưng sớm được giác ngộ cách mạng. Sau một thời gian hoạt động cách mạng tích cực tại địa phương, ngày 3/9/1963, ông được kết nạp Đảng và sau đó vào ngành Công an, công tác tại Công an huyện Kỳ Sơn.
Trong thời gian gần 10 năm cống hiến trong lực lượng CAND, với vai trò là cán bộ Đội Phụ trách xã, ông đã vận động hàng trăm lượt bà con từ bỏ các hủ tục lạc hậu, một lòng đi theo cách mạng.
Cũng trong thời gian này, hoạt động của thổ phỉ trên địa bàn Kỳ Sơn diễn biến rất phức tạp. Trước tình hình đó, bản thân ông đã nhiều lần trực tiếp cầm súng chiến đấu, tiêu diệt rất nhiều tên thổ phỉ, góp phần đẩy lùi nạn thổ phỉ hoành hành trên địa bàn huyện trong những năm giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
Năm 1972, bố mẹ ông Lan đột ngột qua đời. Vì không có ai chăm sóc các em còn nhỏ dại, ông xin ra khỏi ngành Công an, với quân hàm Trung úy để trở về nhà, cùng vợ là bà Cụt Mẹ Lan phụ trách cửa hàng thương nghiệp huyện Kỳ Sơn.
Hai ông bà sinh được 7 người con, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông bà luôn cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Nỗ lực của hai vợ chồng đã được đền đáp xứng đáng khi 4 trong số 7 người con đã có bằng đại học, là đảng viên và hiện đang công tác tại các cơ quan Nhà nước.
Ông Cụt Phò Lan cho biết: Năm 1983, ông bà về nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, các con còn tuổi ăn tuổi học, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Để trang trải cuộc sống và quyết tâm không để các con thất học, ông Lan ngày đêm trăn trở về hướng phát triển kinh tế.
Trên địa bàn Keng Đu nói riêng và cả huyện Kỳ Sơn nói chung lúc bấy giờ chưa có mô hình kinh tế nào, hoạt động sản xuất còn manh mún, chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên rất bấp bênh. Sau một thời gian suy nghĩ, ông Lan đã mạnh dạn nuôi trâu bò, lợn gà kết hợp trồng cây trên khu vực đất rừng được giao khoán theo mô hình trang trại.
Ông cũng là người tiên phong trong việc ngăn suối, “bắt” con nước chảy ngược để trồng lúa nước theo mô hình ruộng bậc thang. Thời gian đầu, sản phẩm làm ra không chỉ đảm bảo đủ ăn trong mùa giáp hạt mà còn phục vụ nhu cầu của bà con thôn bản.
Theo thời gian, mô hình trang trại của vợ chồng ông Lan ngày càng được mở rộng. Trong nhiều năm, gia đình ông được đánh giá là hộ tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, được công nhận là gia đình văn hóa. Dù tuổi đã cao nhưng ông Lan vẫn được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã. Trước đó, trong nhiều năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân, ông cũng đã có nhiều đóng góp trong việc giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thông qua các mô hình phát huy hiệu quả thiết thực.
Ông Lô May Mằn, Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu cho biết: Gia đình ông Lan là gia đình văn hóa tiêu biểu trong nhiều năm. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, ông Lan còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác trong bản Huồi Khuôn 1 thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Lan cũng là điển hình tiên tiến của xã Keng Đu được huyện Kỳ Sơn nhiều lần tuyên dương, khen thưởng.
Thiện Thành