Gia đình xã hội
Ứng cử Quốc hội khóa XIV: Giới trẻ nghĩ gì?
Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5 tới là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đáng chú ý, có rất nhiều người trẻ tuổi nộp đơn ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Điều này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ.
Cần phải nghiêm túc khi tham gia ứng cử
Cao Thiện Minh, sinh viên Đại học Văn hóa |
(Cao Thiện Minh, sinh viên Đại học Văn hóa): Trong những năm qua, nhiều quyết sách, chủ trương đổi mới đã được áp dụng và mang lại nhiều thành quả quan trọng. Đây là kết quả sự nỗ lực chung của các đại biểu Quốc hội, những cá nhân ưu tú được nhân dân tín nhiệm bầu ra, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nhờ những chủ trương, chính sách đó mà đất nước không ngừng phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện. Do vậy, theo tôi, người cán bộ đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai, vận mệnh của đất nước.
Nói về sự kiện bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp diễn ra, điều tôi quan tâm nhất chính là có nhiều gương mặt trẻ, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia ứng cử. Điều này rất đáng ủng hộ, bởi nó cho thấy giới trẻ đã và đang quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề lớn của đất nước, có trách nhiệm hơn đối với xã hội.
Tuy nhiên, việc tham gia ứng cử cần phải nghiêm túc. Luật quy định, ứng cử là quyền của công dân nếu họ đáp ứng được các yêu cầu cần thiết. Song, người trẻ khi ứng cử vào cơ quan đại diện của nhân dân cần hết sức nghiêm túc bởi đây là hoạt động chính trị và khi trúng cử, họ sẽ đại diện cho tiếng nói của nhân dân, tham gia thực thi các nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó.
(Bùi Thị Diệu, sinh viên Khoa Viết văn, ĐH Văn hóa): Cần những cán bộ lãnh đạo trẻ năng động để bảo đảm được tính kế thừa bền vững
Bùi Thị Diệu, sinh viên Khoa Viết văn, ĐH Văn hóa |
Một người tham gia điều hành đất nước trong vai trò là đại biểu Quốc hội thì phải đảm bảo có đức, có tài, có đủ khả năng và điều kiện để phục vụ quyền và lợi ích của nhân dân, của đất nước. Việc có nhiều gương mặt trẻ tham gia ứng cử trong lần bầu cử tới là một điều rất tốt. Bộ máy lãnh đạo rất cần những cán bộ trẻ năng động để bảo đảm được tính kế thừa bền vững. Do đó, theo tôi, người tự ứng cử phải xem xét mình có đủ tài năng, đạo đức và điều kiện để đại biểu cho nhân dân hay không? Hy vọng những người được lựa chọn trong lần bầu cử tới thực sự có năng lực và đầy nhiệt huyết để lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.
Điều tôi mong muốn ở các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới là sự hy sinh vì lợi ích chung. Người đại biểu Quốc hội cần luôn là người biết lắng nghe và sẵn sàng chấp nhận bỏ qua lợi ích cá nhân để phục vụ nhân dân, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của nhân dân. Quốc hội là cơ quan xây dựng pháp luật, chính sách. Pháp luật, chính sách đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân là nhờ từng thành viên của Quốc hội, tức là các đại biểu Quốc hội, biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân, hình dung được những tác động mà chính sách mình tham gia xây dựng đem lại.
Cân nhắc để có lựa chọn và quyết định đúng, có trách nhiệm
Nguyễn Quyết Thắng, sinh viên Khoa Đông phương, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội |
(Nguyễn Quyết Thắng, sinh viên Khoa Đông phương, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội): Tôi luôn băn khoăn câu hỏi: “Với tư cách là một sinh viên, bạn mong muốn gì ở các đại biểu Quốc hội và bạn sẽ sử dụng lá phiếu của mình như thế nào cho lần bầu cử tới?” Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Trong thời đại toàn cầu hoá, thời đại của hội nhập và công nghệ hiện đại, nước ta cần những bước bứt phá táo bạo, những nước đi vừa vững chắc lại vừa mang tính đột phá. Vì thế, nếu còn tồn tại những vấn đề tiêu cực, tham nhũng cùng những cán bộ thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực thì khó có thể hoàn thành những mục tiêu phát triển đất nước.
Lần bầu cử đại biểu sắp tới là lần đầu tiên tôi được cầm lá phiếu để thực hiện quyền và trách nhiệm của một công dân. Với tôi, lá phiếu chính là minh chứng cho niềm tin của mình vào chế độ chính trị, vào đường lối của Đảng và vào những người đại diện cho quyền, lợi ích của nhân dân. Đồng thời, lá phiếu bầu cử cũng thể hiện sự trưởng thành về suy nghĩ, quan điểm nhưng cũng đem đến một áp lực lớn về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước và với tất cả mọi người. Do vậy, không chỉ riêng bản thân tôi, mà tất cả các cử tri khác cần cân nhắc để có lựa chọn và quyết định đúng, có trách nhiệm.
(Cao Thị Sang, sinh viên ngành Khoa học quản lý, Đại học Lao động xã hội): Hãy là điểm tựa vững chắc cho nhân dân.
Cao Thị Sang, sinh viên ngành Khoa học quản lý, Đại học Lao động xã hội |
Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì thế các đại biểu Quốc hội phải là người đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân. Nhân dân luôn tín nhiệm, gửi gắm những ý kiến, nguyện vọng và cả những bức xúc mà họ gặp phải đến những đại biểu Quốc hội vì dân, chăm lo cho dân. Nhân dân kỳ vọng qua những người đại diện của mình, những vấn đề đó sẽ được phản ánh, trình bày trên diễn đàn Quốc hội để các đại biểu cùng thảo luận nhằm đề ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Đồng thời, chính những đại biểu Quốc hội này sẽ là những người đề ra các chính sách, pháp luật phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Như vậy, đại biểu Quốc hội chính là cầu nối giữa cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và nhân dân.
Để làm được điều này, tôi hy vọng rằng các đại biểu được nhân dân tin tưởng bầu chọn sẽ trở thành điểm tựa vững chắc để những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân đối với những vấn đề lớn của đất nước được đưa ra thảo luận và giải quyết. Nói cách khác, tinh thần đoàn kết và gần dân là điều mà bất cứ đại biểu Quốc hội nào cũng nên có và cần phải có. Mỗi ý kiến của họ trên diễn đàn đều cần mang đậm hơi thở cuộc sống, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu vì Nhân dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước…
Nguồn: Chinhphu.vn