Gia đình xã hội

Nỗi buồn hủ tục 'bắt vợ, bắt chồng'

14:31, 29/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Vài năm trở lại đây, tại “thung lũng vàng” Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, rộ lên tình trạng tảo hôn, do hủ tục “bắt vợ, bắt chồng” của đồng bào dân tộc thiếu số địa phương. Nhiều cô gái tuổi mới 13, 14 đã làm vợ, làm mẹ, và con đường đến với con chữ của họ cũng đứt gánh từ đó...

Xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, nằm heo hút giữa núi rừng trùng điệp, cách thị trấn Khâm Đức gần 50 cây số. Để vào được địa phương này phải qua nhiều đồi dốc, trong đó có Đồi Chim. Trên đường vượt qua Đồi Chim, chúng tôi cảm giác sự cách trở của Phước Thành không chỉ về địa lý, mà còn cả trong nhận thức quá nhiều hạn chế của người Giẻ Triêng sinh sống ở nơi này…

Trong căn nhà dựng tạm bợ, em Hồ Thị Hý (14 tuổi, trú thôn 2, xã Phước Thành) ẵm đứa con 6 tháng tuổi hết đi ra rồi lại đi vào nhưng đứa trẻ cứ quẫy đạp, khóc thét không ngừng. Hý rơm rớm nước mắt cho biết, khi tuổi mới 13, đang học lớp 8, em thương người con trai cùng làng tên Hồ Văn Song (21 tuổi) nên cả hai đã đồng thuận thực hiện tục “bắt vợ, bắt chồng”, sau đó lễ cưới được hai gia đình tổ chức. Vậy là từ đó em bỏ học theo chồng, rồi ở nhà chăm con. Có con, Song phải đi chăn bò thuê cho các hộ khác trong làng để kiếm miếng ăn cho cả gia đình…

Theo lời kể, chị của Hý là Hồ Thị Hít (20 tuổi) cũng lấy chồng khi tuổi đời còn rất trẻ, và đến nay dù mới 20 tuổi nhưng Hít đã có đứa con 5 tuổi. Ở xã vùng cao Phước Thành này, tục “bắt vợ, bắt chồng” của đồng bào Giẻ Triêng đã khiến cho những cô gái chưa thành niên phải làm vợ, làm mẹ.

Cuộc sống đầy rẫy khó khăn của những em gái là nạn nhân hủ tục “bắt vợ, bắt chồng”.
Cuộc sống đầy rẫy khó khăn của những em gái là nạn nhân hủ tục “bắt vợ, bắt chồng”.

Một cán bộ xã cho hay, tục “bắt vợ, bắt chồng” đã có từ nhiều đời nay trong cộng đồng người dân nơi đây. Dù địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ hủ tục này, song vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả… Tại xã Phước Thành còn nhiều trường hợp như chị em Hý, Hít, mà khi nghe vị cán bộ xã kể gia cảnh từng người, chúng tôi không khỏi xót xa. Đó là Hồ Thị Thảo (14 tuổi, trú thôn 1A, Phước Thành), Hồ Thị Hương (14 tuổi, trú thôn 4B, Phước Thành) đều lập gia đình khi tuổi đời chỉ mới 13, 14...

Lãnh đạo xã Phước Thành cho biết, diện tích đất tự nhiên của xã hơn 6.245ha, nhưng đất nông nghiệp chỉ chiếm gần 600ha (trong đó đất canh tác lúa nước chỉ có 45ha). Địa hình phức tạp, phần lớn là đồi núi bao quanh, chia cách các thôn bản, dân cư thưa thớt phân bố không đồng đều. Toàn xã có 6 thôn, 416 hộ, với 1.647 nhân khẩu; trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng - Bhong chiếm 97%.

Về giao thông, đường sá đi lại cách trở; nơi định cư chưa đảm bảo do địa hình rừng núi hiểm trở; đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng lúa nước và làm nương rẫy. Đặc biệt, trình độ nhận thức người dân còn quá thấp, phong tục tập quán lạc hậu còn phổ biến, theo đó tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, 77,88%. Thêm vào, một số thôn bản đến nay vẫn chưa có điện và chưa có đường giao thông liên thôn, tới trung tâm xã...

Cô giáo Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, cho biết, trường là nơi học tập của 350 học sinh, thuộc 10 đồng bào dân tộc khác nhau trên địa bàn, ngoài người Giẻ Triêng, còn có người Ca Dong, Cơ Tu... Các em học sinh học tập ở trường, sinh hoạt theo hình thức khép kín, mỗi tháng chỉ được về nhà một lần. Hằng ngày, nhà trường chỉ dành cho các em 1 tiếng đồng hồ từ 17-18 giờ để ra ngoài phạm vi của trường vui chơi.

Từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, nhà trường đã ghi nhận đến 6 trường hợp nữ học sinh bỏ học để lấy chồng. “Trước tình trạng học sinh bỏ học nhiều để lập gia đình, nhà trường đã thành lập Ban Vận động học sinh ra lớp. Nếu học sinh nào nghỉ học một buổi thôi thì các giáo viên được phân công phải đến ngay nhà của học sinh đó để tìm hiểu, vận động gia đình cho con ra lại lớp học. Đặc biệt, nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức từ 5-7 buổi giáo dục về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh. Ngoài ra, còn đưa vào dạy lồng ghép trong các tiết học Giáo dục công dân, Sinh học nhằm nâng cao nhận thức của các em về tình trạng tảo hôn”, cô Thứ chia sẻ.

Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phước Sơn, nói rằng, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến vấn đề tảo hôn trên địa bàn nên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ hủ tục lạc hậu này. Tuy nhiên, trên thực tế, để thay đổi nhận thức của người dân không thể làm một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian dài...

Chia tay “thung lũng vàng” Phước Sơn trong một chiều đầy nắng, chúng tôi như vẫn còn ám ảnh hình ảnh em Hý bồng đứa con nhỏ đang quẫy khóc, đôi mắt rơm rớm, buồn bã đứng trong căn nhà tạm bợ nhìn ra núi rừng Trường Sơn xanh thẳm. Một không gian mênh mông, vô định như cuộc đời nổi trôi của bao cô gái trẻ miền sơn cước “lấy chồng sớm” như em…

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác