Gia đình xã hội

Nỗi lo sông 'nuốt' đất

08:40, 25/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ năm 2009 đến nay, con sông Nậm Tôn chảy qua Bản Lè, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An liên tục thay đổi dòng chảy, mỗi mùa mưa lũ về lại cuốn trôi một phần diện tích đất sản xuất của bà con dân bản. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng sạt lở đất tại bản Lè diễn ra khá nghiêm trọng, toàn bản có hơn 5 ha đất sản xuất thì nay đã bị “nuốt trôi” hơn 3 ha, khiến người dân rất lo lắng.

Gia đình chị Trương Thị Ngân trú tại bản Lè, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An trước đây có 4 sào trồng lúa. Thế nhưng 3 qua năm, phần diện tích này của gia đình chị đã bị “xóa sổ”. Chị cho biết, bố mẹ chị cũng có 4 sào ruộng nhưng nay cũng bị sạt lở hết. Được biết, không chỉ riêng gia đình chị Ngân mà tình trạng sạt lở đất còn xảy ra nghiêm trọng tại phần diện tích đất sản xuất của hơn 30 hộ khác trong bản.

Gần chục năm nay, 42 hộ với 169 khẩu của bản Lè “đứng ngồi không yên” khi sông ngày càng “lấn” vào phần diện tích sản xuất. Con đường chính dẫn vào bản đã biến thành sông, suối từ năm 2013 đến nay nên người dân phải đi qua đường bản Yên Luốm.

Người dân bản Lè lo lắng trước thực trạng sông “nuốt” đất sản xuất
Người dân bản Lè lo lắng trước thực trạng sông “nuốt” đất sản xuất

Trước tình trạng sông “nuốt” đồng, lấn vào làng, cơ quan chức năng đã có kế hoạch di dời để người dân yên tâm sinh sống. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai kế hoạch lại không nhận được sự đồng thuận của người dân do chi phí hỗ trợ quá thấp và gặp khó khăn trong bố trí đất tái định cư.

Chị Trương Thị Ngân cho biết: “Hiện nay, 4 sào ruộng của gia đình đã bị sạt lở hết, nhà còn khoảng 4 m nữa là vào đến chuồng trâu nên thuộc diện di dời. Mỗi hộ dân nếu đã ký cam kết di dời thì được hỗ trợ 20 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ quá ít nên gia đình không thể di dời”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An do ảnh hưởng của sạt lở bờ sông Nậm Tôn và sông Dinh, có 94 hộ dân thuộc diện phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do khó khăn từ nhiều phía nên việc di dời đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, HĐND huyện, nhân dân bản Lè nói riêng và các địa phương khác như Châu Thành, Tam Hợp, Thọ Hợp, Nghĩa Xuân… đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Trưởng bản Lè cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng sạt lở lên cấp trên. Hàng năm, sau mỗi mùa mưa lũ, riêng đất thuộc Nghị định 64 chỉ còn một số hộ còn nữa thôi và đã mất hơn 2 phần. Vì vậy, nếu không có phương pháp hỗ trợ thì người dân bản Lè sẽ không có đất để ở. Vừa rồi, có 2 hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để di dời nhưng vì số tiền quá ít nên không thể di dời được”.

Trước thực trạng trên, chính quyền xã Châu Quang cũng đã vào cuộc, hàng năm huy động nhân dân đóng cọc tại các chỗ xung yếu. Nhưng vào mỗi mùa mưa lũ, nước dâng cao, chảy xiết thì mọi phương án chống sạt lở tạm thời đều không có tác dụng, thậm chí bị cuốn trôi.

Ông Võ Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang trao đổi với chúng tôi: “Tình trạng sạt lở tại bản Lè hàng năm khi mùa mưa lũ đến khiến chính quyền xã và nhân dân rất lo lắng. Đến thời điểm hiện tại, nếu cân đối đất sản xuất với lao động của bản Lè thì bình quân một hộ chỉ còn 100 m2 nữa. Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương cũng như ban cán sự xóm đã nhiều lần kiến nghị với các cấp nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục”.

Trong khi chính quyền các cấp đang gặp khó khăn về kinh phí triển khai phương án di dời, tái định cư cho các hộ dân thì người dân vẫn phải “sống chung” với tình trạng sạt lở. Đất sản xuất bị thu hẹp, đất ở bị đe dọa, hàng chục hộ dân đang trong tình trạng “đi không nỡ, ở không xong”. Đề nghị các ngành chức năng của huyện Quỳ Hợp và các ban, ngành cấp tỉnh quan tâm xem xét, đưa ra các phương án tối ưu nhất hỗ trợ người dân bản Lè để họ yên tâm làm ăn, sinh sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Hường

Các tin khác