Gia đình xã hội

Rượu bia gia tăng bạo lực gấp 6 lần ở giới trẻ

11:04, 26/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trẻ bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực cao gấp 6 lần so với người sau 21 tuổi mới uống.

Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.

Rượu, bia không phải là đồ uống thông thường, mà là loại đồ uống nguy hiểm, khi sử dụng ở mức có hại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Rượu bia cũng là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật, tử vong trên toàn cầu.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn các số liệu của WHO cho thấy, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.

Ngoài ra, rượu, bia còn ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành và phát triển của não. Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác động này. Ở trẻ em, rượu, bia có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã - vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập.

Cụ thể, rượu, bia làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ do chất rượu cồn đã gây nhiễu loạn hoạt động truyền tải glutamate (hóa chất chuyên chở tín hiệu giữa các tế bào thần kinh) của các cảm thụ quan trong vùng đồi hải mã, gây rối loạn hóa học và sinh lý học thần kinh ở vùng đồi hải mã.

Bên cạnh đó, uống rượu, bia còn gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên như: Quan hệ tình dục không an toàn; tai nạn giao thông; chấn thương khi đang điều khiển phương tiện, máy móc; bạo lực... từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy lâu dài ảnh hưởng tới xã hội.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, trong liên tiếp 2 thập kỷ gần đây, Việt Nam đang trở thành một trong các quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn tăng rất nhanh qua các năm. Tình hình tiêu thụ rượu, bia của thanh thiếu niên Việt Nam cũng gia tăng ở mức đáng báo động.

Cụ thể, theo một nghiên cứu vào năm 2008, có khoảng 80% nam và 37% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 sử dụng rượu bia, tăng 10% (nam) và 8% (nữ) sau 5 năm, trong đó, có 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say.

Đối với riêng nhóm tuổi 13-17, một cuộc điều tra học sinh lớp 8-12 trên toàn quốc năm 2013 cho thấy, có tới 33% học sinh nam và 18% học sinh nữ đã từng uống ít nhất một đơn vị cồn (10g cồn, tương đương với 30ml  rượu 40 độ, 100ml rượu vang 13,5 độ, 330ml bia) trong 30 ngày vừa qua. Trong số đó, 49% học sinh nam và 38% nữ uống cốc đầu tiên khi chưa đến 14 tuổi, 31% học sinh nam và 15% học sinh nữ đã từng uống đến mức say ít nhất một lần.

Kết quả của Điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam năm 2009 cũng cho thấy, 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu, bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ một tuần trở lên.

Quảng cáo làm tăng mức tiêu thụ rượu, bia, nhất là ở giới trẻ

Cục Y tế dự phòng dẫn kết quả các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu, bia ở thanh thiếu niên, có một phần quan trọng là do tác động của quảng cáo, khuyến mại về rượu bia đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Người dưới 21 tuổi tiếp xúc càng nhiều với quảng cáo rượu, bia thì có mức độ tiêu thụ đồ uống này càng lớn. Cụ thể, mỗi lần tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia làm tăng 1% lượng tiêu thụ rượu, bia.

Thanh thiếu niên ở các thị trường có mức đầu tư cho quảng cáo rượu, bia cao thì tiêu thụ rượu, bia càng nhiều.

Hiện nay, tại Việt Nam, Luật Quảng cáo mới dừng lại ở mức cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên. Bên cạnh đó, còn một số thương hiệu đang được quảng bá với hình ảnh rượu mạnh một cách tinh vi với sự xuất hiện của các ngôi sao thể thao, ca nhạc nổi tiếng. Điều này đang góp phần ảnh hưởng đến mức tiêu thụ rượu, bia ở người Việt trẻ.

Chính vì vậy, quy định rõ về độ tuổi được phép mua, sử dụng rượu, bia và quy định nhằm kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu, bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng là các giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống tác hại của sử dụng đồ uống này đối với thanh thiếu niên Việt Nam.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác