Gia đình xã hội

Trở thành ông chủ nhờ dám nghĩ, dám làm

10:38, 26/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với chiến lược kinh doanh đúng đắn cộng với nghị lực vượt khó, từ người làm thuê, anh Thái Đình Dũng (SN 1976) trú tại xóm 2, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành đã trở thành ông chủ, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Vượt qua quãng đường dài gồ ghề, chúng tôi tìm về xóm 2, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành vào một ngày đầu thu. Vừa tới cổng làng, hỏi thăm xưởng may của gia đình anh Dũng, bà con nơi đây ai ai cũng biết. Nhìn nhà xưởng khang trang với hàng chục đầu máy may công nghiệp, chúng tôi khá ngạc nhiên khi biết rằng, cơ ngơi này được gây dựng bởi một người đàn ông nhỏ bé nơi xóm làng heo hút này.

Anh Dũng kiểm tra sản phẩm và hướng dẫn công nhân
Anh Dũng kiểm tra sản phẩm và hướng dẫn công nhân

Anh Dũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó nhưng bố mẹ vẫn cố gắng cho anh học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp THPT, thương bố mẹ quanh năm lam lũ với đồng ruộng, anh quyết định không thi đại học mà ở nhà đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Tuy vậy, số tiền công mang về không đáng là bao. Vào thời gian đó, trong làng rộ lên “phong trào” đi xuất khẩu lao động. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh Dũng quyết định xin phép bố mẹ cho đi lao động ở nước ngoài. Ở nơi đất khách quê người, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh Dũng vẫn cố gắng làm việc với hy vọng thoát nghèo. Thế nhưng, sau 18 năm làm việc cực nhọc nơi xứ người, bươn chải với đủ thứ nghề từ phụ hồ, thợ xây dựng đến công nhân các nhà máy may đồ gia công, anh trở về quê hương gần như với hai bàn tay trắng.

Trở về quê, nhận thấy thế mạnh về nguồn lao động tại địa phương cũng như nhu cầu lớn về hàng gia công xuất khẩu, đặc biệt là bao tay giữ ấm ở các nước có khí hậu lạnh, anh nảy sinh ý tưởng thành lập công ty may gia công tại chính quê hương mình. “Thấy người dân địa phương phải đi khắp nơi tìm kiếm việc làm, xuất phát từ mong muốn giúp đỡ họ, tôi đã mạnh dạn mở công ty may, nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp cho một bộ phận người dân”, anh Dũng chia sẻ.

Với số tiền tích cóp được, anh lên đường đi tìm đối tác rồi trở về bàn bạc với gia đình dành hơn 500 m2 đất vườn nhà để xây dựng xưởng. Đồng thời, anh vay tiền đầu tư mua máy may công nghiệp và tuyển công nhân để mở tổ hợp may đồ gia công xuất khẩu. Thời gian đầu, kế hoạch của anh Dũng gặp không ít khó khăn do sự phản đối của gia đình và trong việc gây dựng lòng tin với các đối tác. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của bản thân và được sự giúp đỡ, động viên của Đảng ủy, UBND xã, anh đã gặt hái được nhiều thành công.

Đầu năm 2013, anh thành lập Công ty TNHH May Dũng Thủy. Với 80 đầu máy may công nghiệp hoạt động liên tục, xưởng may của anh đã tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương, thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng, chưa kể làm thêm giờ. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ tiền xăng xe 100.000 - 150.000 đồng/tháng. Mặt hàng gia công chủ yếu của Công ty Dũng Thủy là bao tay, mỗi tháng xuất hàng một lần với khoảng 40.000 đôi. Thị trường anh hướng tới chủ yếu là các nước Châu Âu, mỗi đơn hàng trị giá từ 300 - 400 triệu đồng.

Theo anh Dũng, khó khăn nhất ngày đầu mới thành lập công ty là việc đào tạo nghề cho công nhân, bởi nghề này còn khá mới lạ ở các vùng quê. Bên cạnh đó, vì đã có thời gian làm công nhân tại các nhà xưởng may gia công ở nước ngoài nên trước khi xuất xưởng, sản phẩm bao tay phải được anh kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng vì như vậy mới tạo được niềm tin với bạn hàng.

Đặng Duyên

Các tin khác