Gia đình xã hội
Từ vụ 9 trẻ chết đuối: Làm sao để trẻ em sớm thoát họa 'thủy thần'?
Mỗi ngày, đâu đó ở địa phương này, địa phương khác lại xảy ra những chuyện đau lòng từ đuối nước đối với trẻ em do tắm sông, tắm biển.
Chỉ trong 2 ngày 15 và 16/4, liên tiếp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 12 trẻ em tử vong do đuối nước.
Nơi 9 em học sinh gặp nạn |
Ngày 15/4, cùng lúc 9 học sinh lớp 6 của trường THCS xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi chết tức tưởi sau vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên sông Trà Khúc ngày 15/4 khiến cho cả xã hội bàng hoàng, đau xót thì ngày 16/4, 2 cháu nhỏ 2 tuổi và 4 tuổi tử vong tại hố nước của công trình nhà ở đang thi công, và một học sinh lớp 12 bị chết đuối khi tắm suối.
Cơ quan hữu trách từ Trung ương đến địa phương đã từng đưa ra rất nhiều giải pháp để chống đuối nước ở trẻ em; ngành Giáo dục còn có “sáng kiến” dạy bơi trong trường học. Nhưng xem ra mọi hoạt động để “cứu” sinh mạng trẻ em thoát khỏi “thủy thần” vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Sinh mạng của 12 đứa trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, bỗng chốc ra đi, để lại bao đau xót cho gia đình, nhà trường, xã hội. Đây là sự mất mát quá lớn đối với các gia đình.
Lâu nay, đuối nước ở trẻ em đã trở thành nỗi lo lớn. Mỗi ngày, đâu đó ở địa phương này, địa phương khác lại xảy ra những chuyện đau lòng từ đuối nước đối với trẻ em do tắm sông, tắm biển. Nguyên nhân chính nhưng lại rất cũ lặp lại thường xuyên, đó là không biết bơi!
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Quảng Ngãi lên tiếng: “Qua việc này chúng tôi thấy trong công tác quản lý học sinh, sự phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình, xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Phải bổ sung thêm, trang bị những kỹ năng sống cho các em. Khi mà tai nạn đuối nước thì chính các em không biết bơi, không biết xử lý tình huống”.
Một thực tế hiện nay là ở các trường học, việc dạy bơi cho học sinh còn rất hạn chế. Trong khi đó, phụ huynh học sinh thì chưa thực sự quan tâm việc dạy bơi cho con mình. Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1408 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó lưu ý đến việc phòng chống đuối nước bằng việc tăng cường hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Thế nhưng, xem ra các địa phương, các hội, đoàn thể vẫn chưa thật sự quan tâm thực hiện.
Ông Trần Phước Hoà, ở xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, địa phương thường xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em, đề nghị: “Nên chăng các ngành, các cấp cần vào cuộc sớm trong công tác này. Trước hết nâng cao công tác tuyên truyền. Những điểm xung yếu hay xảy ra tai nạn thì nên có những biển báo để gia đình cũng như bản thân các em thấy được và phòng tránh, để khỏi xảy ra những tai nạn đáng tiếc vừa qua. Nếu như có được cái hồ bơi trong các khuôn viên nhà trường tập cho các cháu kỹ năng đó để khi rớt xuống nước thì các cháu tự cứu lấy mình”.
Thử hỏi trẻ em Việt Nam ở bậc tiểu học, THCS, THPT có được bao nhiêu em biết bơi lội? Nếu tính ra thì chắc chắn một điều rằng sẽ không thể vượt qua ngưỡng 50% học sinh biết bơi. Vậy, hỏi sao các em có thể thoát chết khi gặp bất trắc trên sông nước và sóng biển?
Theo con số mà Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế từng công bố cho thấy, tỷ lệ tai nạn chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chỉ đứng sau tử vong do tai nạn giao thông. Lo ngại hơn khi so với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam cao gấp 8 đến 10 lần. Con số trung bình hàng năm có khoảng 3.000 trẻ tử vong do đuối nước mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố mới đây cũng đủ làm mọi người giật mình và đau xót.
Chỉ trong 2 ngày, 12 trẻ em ở tỉnh Quảng Ngãi tử vong do đuối nước, trong đó có 10 học sinh đuối nước trong lúc tắm sông, suối và 2 cháu do sự bất cẩn của gia đình trong chăm sóc, quản lý. Ông Trần Hữu Tháp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Trong điều kiện chưa tổ chức dạy bơi cho học sinh thì cần trách nhiệm cộng đồng giữa gia đình, nhà trường và cả xã hội trong chăm lo, giáo dục, giám sát các hoạt động của các em một cách thường xuyên mới có thể tránh tai nạn thương tích ở học sinh.
“Cần giáo dục cho học sinh ý thức nâng cao cảnh giác trong những lúc đi tham quan dã ngoại hoặc vui chơi. Tránh xa những nơi, những nguồn nước nguy hiểm, nguồn nước cao hơn đầu của mình. Tất cả cái đó phải thường xuyên nhắc nhở. Đi tham quan, dã ngoại thì cần phải có tổ chức Đoàn, tổ chức Đội cần phải có người phụ trách. Cha mẹ phải thường xuyên giám sát được các hoạt động của con em mình hàng ngày. Phải hướng dẫn, nhắc nhở học sinh một cách thường xuyên” - ông Trần Hữu Tháp khuyến cáo.
Chống đuối nước ở trẻ em không thể tiếp tục “chậm” được nữa, phải xem chống đuối nước ở trẻ em là chuyện cấp bách. Hãy hành động ngay, đừng chậm trễ!.
Nguồn: VOV