(Congannghean.vn)-Nước sông Lam có khi đầy, khi cạn. Nhưng những phận đời của người vạn chài thì vẫn vậy, năm này qua năm khác phải lênh đênh trên sông nước để mưu sinh nhưng cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng.
Mưu sinh trên sông nước
Có những gia đình với nhiều thế hệ phải sống chung trên một con thuyền hoặc một “ngôi nhà nổi” trong không gian chật hẹp. Chen chúc, chật chội đã đành, mỗi ngày, vợ chồng, con cái phải thay nhau chèo thuyền, thả lưới thì mới đủ ăn. Tôm, cá trên sông ít dần đi, cuộc sống bấp bênh, bữa đói, bữa no giờ trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người dân vạn chài.
Người dân vạn chài vất vả mưu sinh trên sông Lam |
Anh Nguyễn Văn Nam (SN 1983), một người dân chài trên sông Lam cho biết: “Nghề chài lưới đã gắn bó với người dân vạn chài bao đời nay. Nghề này bấp bênh nên cuộc sống cũng khó khăn, chỉ đủ ăn. Chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ phải nhịn đói và không được đi học”.
Trên dòng sông Lam, ngoài gia đình anh Nam còn có hàng trăm hộ dân vạn chài sinh sống. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết những người này đều ít học hoặc thất học. Đặc thù sông nước và phương thức mưu sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sự học của họ.
Trong tâm thức của người dân vạn chài, họ chỉ nghĩ cách làm sao để đánh bắt cá thật giỏi để đổi lấy gạo, mua đồ dùng sinh hoạt, còn việc học hành là điều rất xa vời. Khi một đứa trẻ ra đời và lớn lên, điều đầu tiên chúng được bố, mẹ dạy là cách đánh bắt cá.
Ông Trần Văn Tiến (SN 1950), một người dân sống trên sông Lam cho biết: “Cả nhà tôi có tới 6 miệng ăn, chủ yếu trông vào con tôm, con cá. Chúng tôi phải đánh cá cả ngày đêm mới đủ ăn nên không có thời gian và tiền để lên bờ đi học. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng muốn đi học thì phải sinh sống cố định một chỗ, trong khi dân chài chúng tôi phải lênh đênh sông nước để đánh bắt cá”. Lời bộc bạch của ông Tiến cũng là suy nghĩ chung của hầu hết người dân vạn chài trên sông Lam.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho biết: “Nhà nước đã quan tâm và tạo mọi điều kiện cho người dân nghề chài lưới. Nhưng do đặc thù của dân chài là nay đây, mai đó nên không có điều kiện cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn nên hầu như họ đều ít học hoặc thất học, mù chữ. Cũng có không ít thanh niên lên bờ xin đi làm thuê hay làm công nhân nhưng do không được học hành nên không được nhận, cuối cùng lại quay về với cuộc sống lênh đênh trên sông nước”.
Không mặn mà lên bờ
Lênh đênh theo tháng ngày, trải qua mưa gió bão bùng, những “ngôi nhà nổi” của người dân vạn chài không đủ sức để chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai.
Trước tình hình trên, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ những người dân chài lưới trên sông nước, trong đó có chính sách xây dựng các khu tái định cư. Thế nhưng, họ vẫn không mặn mà với những ngôi nhà bằng xi măng, gạch, ngói..., bởi họ đã quen với cuộc sống mưu sinh từ cá, tôm, ăn uống trên thuyền, tắm giặt trên sông.
Anh Trần Văn Hưng (SN 1985) cho biết: “Sau nhiều năm cố gắng, gia đình tôi đã xây dựng được một ngôi nhà trên bờ, với hy vọng cho con đi học để thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, chúng tôi không biết làm gì để kiếm sống trên bờ, vì bao đời nay đã quen với nghề chài lưới”.
Ông Hồ Viết Sơn cho biết thêm: “Toàn xã có khoảng hơn 10 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt tôm cá trên dòng sông Lam thì hầu hết đã có đất và nhà ở trên bờ. Tuy nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, lại mù chữ nên dù đã có nhà trên bờ, họ vẫn quay lại sông nước để hành nghề chài lưới nên cuộc sống vô cùng bấp bênh. Cứ mỗi dịp lễ, Tết, chính quyền và các đoàn thể phải vận động, hỗ trợ người dân chài lên bờ sinh sống và để họ không bị đói trong những ngày này”.