(Congannghean.vn)-Xác định phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều tổ chức, ngành, đoàn thể; năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo xây dựng mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người" tại các xã Đôn Phục, huyện Con Cuông; xã Yên Hòa, huyện Tương Dương; xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong và xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu.
Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực nhận biết, kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Qua thực tế cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu việc làm, chênh lệch về thu nhập, mức sống.
Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của nhân dân còn hạn chế, phần lớn nạn nhân chưa được cung cấp đầy đủ thông tin khi tìm kiếm việc làm nên dẫn đến bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Hội Phụ nữ và Công an huyện Kỳ Sơn tăng cường xuống cơ sở, tuyên truyền bà con cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm mua bán người |
Ngoài ra, công tác nắm tình hình của lực lượng Công an tuy đã có nhiều chuyển biến nhất định song do tội phạm còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nên nạn mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” rõ rệt. Vì thế, mô hình trên ra đời đã thực sự trở thành địa chỉ sinh hoạt bổ ích, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng, giúp các chị em hội viên phụ nữ chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đồng thời trở thành những tuyên truyền viên pháp luật tích cực trong cộng đồng dân cư.
Điểm nổi bật của mô hình này là công tác truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; với các hình thức truyền thông phong phú, nội dung đa dạng như: Sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, cung cấp tài liệu, tờ gấp, sổ tay, sách hỏi đáp, băng rôn, khẩu hiệu...
Song song với đó, đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống loa phát thanh của xã, xóm, bản về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng ứng phó trong trường hợp có dấu hiệu về việc mua bán người, cách phát hiện, tố giác tội phạm; trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và bản thân trong chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Ngoài ra, Hội LHPN các huyện còn phối hợp với lực lượng Công an, Phòng Tư pháp huyện tổ chức tập huấn, cung cấp những thông tin về tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em trong nước và quốc tế; truyền dạy kỹ năng phòng ngừa các loại tội phạm; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến nội dung các Luật: Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới, Phòng, chống mua bán người… Những cách thức, nội dung truyền thông này đã phát huy hiệu quả tích cực trong cộng đồng, hướng cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Quá trình hoạt động, Ban chủ nhiệm CLB đã tổ chức cho các thành viên tham gia phát tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền về kiến thức pháp luật; biểu diễn văn nghệ, đóng kịch có nội dung tuyên dương, ca ngợi gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; phê phán, lên án những hành vi lừa đảo, mua bán người… tại các khu dân cư. Qua đó góp phần thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống nạn mua bán phụ nữ và trẻ em.
Để làm tốt công tác phòng, chống mua bán người, Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm mua bán người; trong đó chú trọng tới các nhóm đối tượng có nguy cơ bị mua bán cao. Hội đã chỉ đạo các chi hội duy trì sinh hoạt định kỳ, đưa công tác tuyên truyền về nội dung trên lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, hội họp của thôn, bản.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ hội viên Hội Phụ nữ xã Đôn Phục, huyện Con Cuông đã trực tiếp đến 7/7 thôn, bản tuyên truyền, vận động thành lập 3 CLB "Lá chắn" với 2.578 thành viên tham gia. Việc làm này đã mang lại hiệu quả rõ nét, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ và nhân dân. Cách làm này cũng đã được Hội Phụ nữ huyện Quế Phong áp dụng tại xã Hạnh Dịch; Hội Phụ nữ huyện Tương Dương áp dụng tại xã Yên Hòa và Hội Phụ nữ Quỳ Châu áp dụng tại xã Châu Bính…, đồng thời hiện đang tiếp tục nhân rộng ra các xã khác.
Với những nạn nhân trở về địa phương, các cấp hội đã chủ động gặp gỡ, động viên, giúp họ ổn định tinh thần; đồng thời, thực hiện công tác hỗ trợ khám sức khỏe, hỗ trợ pháp lý để họ yên tâm cư trú, sinh sống và học tập. Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng tư vấn, tạo điều kiện về vốn, giới thiệu việc làm cho các nạn nhân, giúp họ dần xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Với những gia đình hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân…, Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện để họ được vay vốn ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Hội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho chị em… Qua đó, nhiều chị em được tạo điều kiện vay vốn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và cảnh giác trước những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ của tội phạm mua bán người.