Gia đình xã hội

Gia đình bị 'lãng quên' gần 20 năm trong rừng

10:12, 04/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bình Chuẩn là xã vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An cách trung tâm huyện hơn 40 km. Năm 2013, nơi đây mới có điện lưới quốc gia, một số đoạn đường được xây dựng tạo điều kiện để bà con thông thương với bên ngoài. Tuy nhiên, hiện tại xã có một trường hợp rất đặc biệt, đó là gia đình chị Lô Thị Hòe, bị “lãng quên” gần 20 năm nay trong rừng với 5 không: Không hộ khẩu, không giấy khai sinh, không điện thắp sáng, con không đi học, không hòa nhập với cộng đồng; vì vậy cuộc sống vô cùng khó khăn.

Chị Lô Thị Hòe (SN 1975) là người dân tộc Thái ở bản Nà Cọ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Năm 1996, chị kết hôn với anh Sầm Văn Nhượng ở xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Do gia đình hai bên nội ngoại nghèo khó, lại ở vùng có khí hậu không thuận lợi, ruộng quanh năm thiếu nước, gạo không đủ ăn nên anh Nhượng và chị Hoè quyết định vào rừng dựng căn lều ven suối để sinh sống, tách biệt với xã hội bên ngoài. Đó là vùng đất giáp ranh giữa xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An và bản Pù Lãn cũ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Gia đình chị Hoè sống lay lắt trong mái lều lụp xụp
Gia đình chị Hoè sống lay lắt trong mái lều lụp xụp

Cuộc sống của anh chị ở nơi ở mới cũng gặp không ít khó khăn. Hàng ngày, chồng lên rừng săn bắn, đốn củi để đổi gạo, còn chị ở nhà chăm con, làm một mảnh ruộng nhỏ ở ven bờ suối. Nếu bản ngoài có ai vào thuê, anh chị đều nhận làm để đổi gạo ăn qua ngày. Những đứa con lớn lên trong cảnh thiếu thốn, quần áo không đủ mặc, nhất là vào mùa đông, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bếp củi trong căn lều nhỏ.

Vì sống tách biệt gần 20 năm trong rừng nên anh chị không nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm với cộng đồng, cũng như không nhận được bất kỳ sự quan tâm, hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương, một phần là do không có sự phân định rạch ròi về ranh giới, địa phận giữa hai huyện.

Chính vì nguyên nhân trên, chị Hòe và anh Nhượng phải chịu nhiều thiệt thòi như không được tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là pháp lệnh kế hoạch hóa gia đình. Gia cảnh vốn đã nghèo khó, anh chị lại sinh 5 đứa con, đứa lớn nhất sinh năm 1997, con út sinh năm 2007, đều lớn lên giữa núi rừng nên không có đứa nào được đi học, thậm chí lúc ốm đau cũng không chữa trị tại bệnh viện. Cuộc sống của 7 người trong một gia đình chỉ bó hẹp trong túp lều nhỏ ven rừng.

Đến thời điểm này, mặc dù hai xã đều đã có điện lưới quốc gia, bà con bản Pù Lãn cũ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã di dời về khu tái định cư mới với sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước nhưng những đứa con của anh chị vẫn phải sống trong cảnh leo lét ánh lửa mỗi khi đêm về.

Trong túp lều nhỏ của anh chị chỉ có một ít quần áo đã cũ, vài chiếc nồi nhôm, đĩa bát sứt mẻ mà chẳng có thứ gì đáng giá. Cháu Linh, đứa con thứ 3 trong gia đình mới bị bỏng nặng, vết bỏng loang lổ và bị nhiễm trùng nhưng không được đi chữa trị tại bệnh viện mà chỉ chữa bằng lá rừng. Bữa tối, cả gia đình phải ăn quả cà rừng thay cơm, có bữa mấy đứa nhỏ phải lặn lội vào rừng bắt nhộng ong về làm thức ăn.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Hòe, UBND xã Bình Chuẩn đã bổ sung một phần đất ở Khu tái định cư Pù Lãn mới cho gia đình, đồng thời vận động gia đình ra nơi ở mới. Ngày 23/6/2015, UBND xã Bình Chuẩn đã làm hộ khẩu cho gia đình, anh em họ hàng cũng vay mượn để dựng cho anh chị căn nhà tạm ở bản mới nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa thể dọn ra chỗ ở mới vì thiếu đất sản xuất cũng như vốn liếng làm ăn.
 

Nói về trường hợp cá biệt này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi đã đi khảo sát, mời gia đình chị Hoè đến để làm việc, với mục đích cấp cho gia đình một phần đất và làm hộ khẩu. Vì không nằm trong diện quản lý của xã nên chúng tôi nghĩ rằng, gia đình chị Hoè ở xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, chúng tôi cũng không nhận được phản ánh của gia đình và thôn bản cũ về các chế độ chính sách. Khi quản lý các hộ cũng không thấy thống kê gia đình chị Hoè”.

Nguyên nhân của việc gia đình này bị “lãng quên” gần 20 năm nay không phải chỉ do hạn chế về nhận thức của gia đình. Đó còn là do tắc trách trong việc phân biệt ranh giới địa chính của chính quyền hai xã, từ đó ảnh hưởng đến sự cụ thể, minh bạch của việc quản lý hộ khẩu, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình đối với địa phương.

Trao đổi về vấn đề di dân, ông Nguyễn Đình Thành, Trưởng phòng Dự án phát triển kinh tế miền núi huyện Con Cuông cho biết: “Vừa rồi, thực hiện dự án di dân theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã hỗ trợ cho 50 hộ dân sống trong rừng ra nơi ở mới, như hỗ trợ tiền xây dựng nhà, đất sản xuất và một số công trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, khu tái định cư hiện chỉ có 57 hộ, những hộ sau này bổ sung thêm không nằm trong dự án vì hiện nay, dự án không cấp thêm kinh phí mà chỉ do xã bình xét hộ dân ra ở thêm. Còn trường hợp gia đình chị Hòe không thuộc 50 hộ trong dự án”.

Mong rằng, các cấp, ngành cần tạo mọi điều kiện để gia đình chị Hòe có thể nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, để những đứa trẻ sớm được đến trường và có cuộc sống no đủ, hạnh phúc hơn.

Trần Lê

Các tin khác