Gia đình xã hội
Giúp người lầm lỗi hoàn lương
(Congannghean.vn)-Những người lầm lỗi, khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti; thậm chí còn phải chịu sự kỳ thị của những người xung quanh khiến việc tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Hiểu được điều đó, mô hình “Chung tay đánh bắt và chế biến hải sản” và đề án hỗ trợ người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã mang lại ý nghĩa tích cực trong việc giúp những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Với tội danh cố ý gây thương tích, anh Thái Bá Hưng (SN 1977) trú tại xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị tuyên phạt 7 năm tù giam. Do cải tạo tốt, sau hơn 5 năm chấp hành án phạt tù, anh được giảm án, ra tù và trở về địa phương sinh sống.
Quá trình tái hòa nhập cộng đồng với bộn bề khó khăn, nhưng được sự động viên của người thân, hàng xóm và các ban, ngành, đoàn thể, anh Hưng quyết tâm làm lại từ đầu. Anh vay mượn mua được đôi thuyền công suất 48CV để vươn khơi, phát triển kinh tế. Đến nay, không chỉ ổn định đời sống của gia đình, anh còn tạo việc làm cho hai lao động với mức thu nhập trên 5 triệu đồng mỗi tháng.
Lực lượng Công an, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng |
Với đặc thù là xã vùng biển, năm 2009, xã Diễn Ngọc xây dựng được mô hình “Chung tay đánh bắt và chế biến hải sản” để hỗ trợ, động viên, khuyến khích những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, mạnh dạn vay vốn làm ăn, sắm tàu thuyền lớn để vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, để làm được điều này lại không hề đơn giản. Bởi vì, hầu hết các chủ tàu cũng như các đơn vị, doanh nghiệp luôn có tâm lý dè dặt, e ngại khi tiếp nhận những người chấp hành án phạt tù trở về.
Để mô hình phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, động viên các chủ tàu, thuyền tiếp nhận lao động là người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ có thu nhập ổn định. Qua công tác vận động, toàn xã có 4 chủ tàu, 1 cơ sở chế biến hải sản nhận 20 người mãn hạn tù vào làm việc với mức thu nhập trung bình từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hiện có 95 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Để hạn chế các tệ nạn xã hội, năm 2013, xã đã xây dựng đề án hỗ trợ người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, bước đầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người chấp hành xong án phạt tù trở về sinh sống tại địa bàn; đồng thời huy động các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân cùng chung tay xóa bỏ mặc cảm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần, giúp người lầm lỗi tích cực lao động sản xuất.
Các thành viên câu lạc bộ thường xuyên gặp gỡ, động viên những người đã từng vi phạm pháp luật để giáo dục, thuyết phục và tổ chức cho họ ký cam kết không tái phạm. Ngoài ra, chủ động báo cáo UBND xã làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích đối với những trường hợp có tiến bộ rõ rệt và lập nhiều thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ANTT.
Đoàn Thanh niên lồng ghép câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” để hỗ trợ đối tượng đoàn viên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huy động các đối tượng vào sinh hoạt trong tổ chức hội và gắn với các phong trào hỗ trợ phát triển kinh tế. Xã còn đảm nhận vai trò là tổ chức tín chấp cho các đối tượng vay vốn đầu tư để sản xuất, kinh doanh. Sau 2 năm triển khai mô hình, đến nay, xã Diễn Ngọc có 80% người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Nguyễn Ngọc Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Sau khi các đối tượng lầm lỗi trở về, địa phương có trách nhiệm giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng, nhất là trong thực hiện mô hình vận chuyển, sản xuất, chế biến thuỷ hải sản của địa phương. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, họ đã nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng, tích cực lao động sản xuất, tạo thu nhập ổn định.
Hoàn lương là ý nguyện của hầu hết những người chấp hành xong án phạt tù, tuy nhiên, để làm được điều đó, rất cần sự cảm thông, chia sẻ của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Mô hình giúp đỡ người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng của xã Diễn Ngọc đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phòng chống tội phạm và TNXH, đảm bảo ANTT, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và hơn hết, là nền tảng để ý nguyện hoàn lương của những người từng lầm lỗi sớm trở thành hiện thực.
Cao Loan