Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201509/de-nguoi-chet-len-tieng-633755/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201509/de-nguoi-chet-len-tieng-633755/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Để người chết 'lên tiếng' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 01/09/2015, 14:44 [GMT+7]

Để người chết 'lên tiếng'

(Congannghean.vn)-Có thể nói, trong những chiến công thầm lặng của lực lượng CAND suốt thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm công tác giám định pháp y. Nhiều năm nay, họ đã “thay” người chết lần tìm manh mối, vạch mặt hung thủ, trả lại công bằng cho xã hội. Với đặc thù nghề nghiệp, ít ai biết được rằng, nếu không có họ thì thân nhân của những người đã khuất sẽ phải ôm nỗi oan ức mà chưa biết đến khi nào mới được làm sáng tỏ và tận thấy kẻ thủ ác phải trả giá trước pháp luật.

Lần tìm manh mối trên tử thi

Khi có ý định tìm hiểu về công việc của những cán bộ pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh, phải qua nhiều cuộc hẹn, tôi mới gặp được họ. Khi đang trò chuyện với tôi thì Bác sĩ - Đại úy Trần Văn Hải, phụ trách Đội Pháp y nhận được lệnh cùng đồng đội lên đường tới huyện Nam Đàn ngay trong buổi chiều để khám nghiệm tử thi một nạn nhân chết chưa rõ nguyên nhân. Được sự đồng ý của anh, tôi chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp để theo chân các anh trong Đội Pháp y đi Nam Giang, Nam Đàn. Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, thi thể một cụ bà đã được vớt lên bờ, ngay cạnh cầu Mượu.

Đội Pháp y, Phòng Kỹ thuật  Hình sự cùng lực lượng chức năng vượt núi vào khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ thảm sát 4 người tại bản Phồng,                                            xã Tam Hợp, huyện Tương Dương
Đội Pháp y, Phòng Kỹ thuật Hình sự cùng lực lượng chức năng vượt núi vào khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ thảm sát 4 người tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương

Công tác khám nghiệm nhanh chóng được tiến hành khi thi thể nạn nhân đã bắt đầu bốc mùi. Rất đông người dân hiếu kỳ có mặt nhưng chỉ đứng từ xa quan sát. Sau khi chuẩn bị găng tay, khẩu trang và các đồ nghề khác, anh Hải cùng đồng nghiệp tiến hành kiểm tra thi thể nạn nhân để tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà cụ, do tự tử hay bị tác động bởi ngoại lực…? Quá trình khám nghiệm tưởng chừng như đơn giản nhưng khi được nghe các anh kể về quá trình lần tìm manh mối tội phạm trên tử thi, tôi mới hiểu thêm phần nào về những vất vả, khó khăn mà những người làm nghề pháp y phải trải qua.

Anh Hải kể, có những vụ án, khi phát hiện ra thì tử thi đã bắt đầu phân hủy. Rồi có cả trường hợp dù nạn nhân đã được chôn cất nhưng bắt buộc phải tiến hành khai quật để phục vụ công tác điều tra, phá án… Lần tìm manh mối trên tử thi, tiến hành giải phẫu nạn nhân để xác định nguyên nhân dẫn tới cái chết cũng như hành vi mà kẻ thủ ác đã gây ra là nhiệm vụ của các bác sỹ là giám định viên pháp y.

Giám định viên pháp y khám nghiệm tử thi                                                          một vụ chết người tại huyện Nam Đàn
Giám định viên pháp y khám nghiệm tử thi một vụ chết người tại huyện Nam Đàn

Công việc đặc thù đòi hỏi tính chịu khó, tỉ mẩn, tập trung và chính xác cao độ. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các anh phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trở ngại. Bởi có không ít trường hợp gặp phải sự  cản trở của người nhà nạn nhân, không muốn tiến hành việc giải phẫu tử thi vì theo quan niệm Á Đông, họ muốn người thân của mình được nguyên vẹn về thân xác khi chôn cất. Vì vậy, phải thuyết phục, phân tích để thân nhân nạn nhân hiểu thì các anh mới hoàn thành được các thủ tục cần thiết để tiến hành giám định người đã chết, tìm ra nguyên nhân sự việc.

Có những trường hợp nạn nhân chết tưởng chừng chỉ là một vụ tự tử, nhưng khi khám nghiệm xong thì vụ việc lại hoàn toàn khác so với nhận định ban đầu. “Khó nhất là các trường hợp truy tìm đầu đạn trên cơ thể nạn nhân. Nếu như loại đạn chùm thì rất dễ nhưng với loại đạn thông thường, phải mất nhiều thời gian, giải phẫu hàng giờ liên tục, thậm chí cả ngày nhưng vẫn chưa xong.

Có khi phải đưa thi thể đi chụp X-quang mới xác định được vị trí của đầu đạn trên tử thi. Hay những trường hợp nạn nhân chết mà thời gian xảy ra quá lâu thì rất khó lần tìm dấu vết để chứng minh hành vi của tội phạm. Công việc của chúng tôi đòi hỏi độ chính xác, khách quan, toàn diện để phục vụ công tác điều tra, phá án. Nếu bỏ sót một chi tiết dù là nhỏ nhất trong lúc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi thì quá trình truy tìm hung thủ gặp rất nhiều khó khăn”, Bác sĩ - Đại úy Trần Văn Hải chia sẻ.

Với những vụ trọng án, công tác khám nghiệm tử thi được xem là một trong những giai đoạn đầu tiên để cơ quan chức năng xác lập hồ sơ, làm cơ sở tìm ra hung thủ. Có những vụ giết người, dấu vết hung thủ để lại gần như bị xóa sạch, khiến quá trình thu thập bằng chứng, lần tìm manh mối gặp không ít khó khăn. Làm thế nào để trả lại công lý cho người đã chết cũng như đòi công bằng cho người thân của họ là câu hỏi thường trực của các cán bộ làm công tác khám nghiệm tử thi và giám định pháp y.

Lặng thầm những hy sinh

Họ thường xuyên phải xa nhà để kịp thời có mặt tại hiện trường nơi xảy ra án mạng. Dù ngày nắng hay mưa, đêm đông giá rét, họ sẵn sàng nhận lệnh lên đường đến hiện trường để khám nghiệm tử thi. Vụ thảm sát ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, vụ phát hiện một đôi nam nữ chết trong căn nhà thuê trọ tại phường Vinh Tân, TP Vinh xảy ra thời gian gần đây làm rúng động dư luận…, các anh đều có mặt kịp thời để làm nhiệm vụ. Có những lúc, họ phải “chạy xô” từ địa phương này tới địa phương khác cách nhau hàng trăm km. Đó là chưa kể điều kiện, môi trường làm việc cực kỳ nguy hiểm, độc hại, phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh do trực tiếp giải phẫu tử thi.

“Trước khi đến với nghề pháp y, bản thân cũng phải chịu nhiều áp lực từ phía gia đình vì công việc thường xuyên phải tiếp xúc với người đã chết. Phải mất một thời gian, người thân mới dần hiểu và cảm thông với nghiệp mà mình đã chọn. Chẳng ai muốn con em phải làm công việc nặng nhọc, gian khổ này nhưng bản thân mình phải chấp nhận hy sinh để tìm lại công lý cho những nạn nhân đã chết, lấy lại công bằng cho xã hội. Có những tháng, tôi phải đi công tác liên tục nên bữa cơm gia đình lúc nào cũng vắng bóng người cha, người chồng. Đã gắn bó với nghề thì phải chấp nhận tất cả và đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu”.

Đó là tâm sự chung của Đại uý Hải và Trung úy Ngô Trí Quỳnh, 2 bác sĩ duy nhất của Đội Pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự. Với trình độ chuyên môn cao, các anh được rất nhiều bệnh viện chào đón nhưng vì đã gắn bó với nghề, với đơn vị, họ không nỡ “dứt áo ra đi”. Có những thời điểm, khi công tác khám nghiệm tử thi đã hoàn thành, các anh không thể về nhà ngay vì sợ ảnh hưởng tới vợ, con. Quần áo, tư trang bảo hộ của các anh luôn phải có nhiều bộ. Hoặc có những lần khi khám nghiệm tử thi ở những địa bàn xa, đến bữa cơm, khi tiếp xúc với các giám định viên pháp y, nhiều người có ý dè chừng, ngại bắt tay, ngồi gần họ.

Theo quy trình, khi khám nghiệm tử thi xong, các anh phải ghi lại những chi tiết được cho là manh mối của vụ án, sau đó mới tiến hành bàn giao cho cơ quan điều tra. Áp lực công việc là vậy nhưng số bác sĩ được chứng nhận là giám định viên pháp y biên chế lại chưa đáp ứng với tình hình thực tế công việc hiện nay. Tuy nhiên, chưa lúc nào họ bận tâm, kêu ca mà luôn lặng thầm nhận về mình những hy sinh, vất vả để giúp người đã chết tìm ra công lý, lấy lại công bằng cho xã hội. Có thể trong khuôn khổ bài viết này, vẫn chưa thể nói hết những gian lao, vất vả mà các anh đang từng ngày phải đối mặt nhưng với những hy sinh và chiến công thầm lặng của mình, tôi tin rằng, hành trình đi tìm công lý của các anh sẽ luôn được người dân ghi nhận và ủng hộ.

.

Ngọc Thái

.