Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201504/kho-khan-viec-dua-nguoi-nghien-vao-co-so-cai-bat-buoc-602475/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201504/kho-khan-viec-dua-nguoi-nghien-vao-co-so-cai-bat-buoc-602475/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khó khăn việc đưa người nghiện vào cơ sở cai bắt buộc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 19/04/2015, 09:29 [GMT+7]

Khó khăn việc đưa người nghiện vào cơ sở cai bắt buộc

(Congannghean.vn)-Đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp hạn chế tái nghiện ở cộng đồng. Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Nghị định, việc áp dụng các văn bản liên quan đến công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp phải nhiều vướng mắc do các quy định của pháp luật chưa cụ thể, đồng bộ và thiếu khả thi so với thực tế. 

Các học viên tham gia lao động tại Trung tâm GDLĐXH huyện Tương Dương
Các học viên tham gia lao động tại Trung tâm GDLĐXH huyện Tương Dương
Theo số liệu thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 7.279 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó có 849 người được phát hiện mới, 1.967 người tái nghiện, 5.884 người có mặt tại cộng đồng, 1.163 người đang cai nghiện tại các trung tâm giáo dục, lao động xã hội (GDLĐXH) và 232 người đang ở trại giam; 21/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh có người nghiện ma túy; 376/480 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, chiếm 78,3%. 
 
Trong đó, có 141 xã, phường, thị trấn được xác định là trọng điểm ma túy, chiếm 38%. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 66 tụ điểm, hơn 340 “điểm nóng” bán lẻ ma túy. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người nghiện ma túy có thể lớn hơn nhiều so với thống kê. Một vấn đề đáng quan tâm hơn nữa là người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, ma tuý đá ngày càng tăng, tập trung vào đối tượng trẻ tuổi. 
 
Thời gian qua, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Hệ thống văn bản hướng dẫn cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 221/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã có hiệu lực. Tuy nhiên, việc thiếu văn bản hướng dẫn của cấp trên đã khiến các địa phương gặp khó khăn trong công tác triển khai. Năm 2014, toàn tỉnh mới chỉ lập hồ sơ cho 159 đối tượng vào diện cai nghiện bắt buộc (đạt 29%) theo chỉ tiêu năm 2014.
 
Nghị định 221/NĐ-CP năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2014, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện vì liên quan đến nhiều thủ tục. Cụ thể, muốn đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc thì phải xác định được tình trạng nghiện rồi tiến hành xử phạt hành chính, sau đó đưa về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nếu tái nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc. Việc xác định tình trạng nghiện cũng khó thực hiện vì Nghị định 221/NĐ-CP yêu cầu thẩm quyền xét nghiệm là y sĩ, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn về cai nghiện tại cộng đồng, trong khi phần lớn y sĩ, bác sĩ không đáp ứng được yêu cầu này.
 
Do vậy, việc xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy để đưa đi cai chưa thể thực hiện. Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay cũng phải qua nhiều cơ quan như Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, TAND cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian đưa ra được quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất là 1 tháng. Trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng là rất khó.
 
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Theo chỉ tiêu thì năm 2015, toàn tỉnh phải lập hồ sơ và đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện 600 đối tượng. Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong công tác lập hồ sơ theo Nghị định 221.
 
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ động đề ra các nội dung, biện pháp phù hợp với tình hình cai nghiện như: Đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị; tăng dần việc điều trị tự nguyện, giảm dần điều trị bắt buộc; thực hiện công khai, minh bạch, thuận tiện, dễ tiếp cận các dịch vụ điều trị nghiện ma túy; đảm bảo quyền công dân, quyền con người và trật tự xã hội. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tổ chức hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Chỉ đạo Trung tâm GDLĐXH lập cơ sở xã hội tiếp nhận và điều trị cắt cơn cho người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ. Thành lập khu điều trị tự nguyện, tổ chức dạy nghề cho học viên tại Trung tâm GDLĐXH và người sau cai nghiện tại nơi cư trú. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở và gia đình động viên, giúp đỡ, hỗ trợ tìm việc làm ổn định cho người sau cai nghiện để tránh tái nghiện. 
.

Cao Loan

.