(Congannghean.vn)-Huyện Tân Kỳ - mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với lớp lớp những người con ưu tú của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, đã có biết bao người con Tân Kỳ không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở lại, nhiều người suốt đời phải mang những thương tật do chiến tranh. Mất mát, đau đớn nhất là những người mẹ mất con, người vợ mất chồng.
Mẹ Nguyễn Thị Điểm năm nay đã 88 tuổi, sống khỏe mạnh cùng con trai |
Không người phụ nữ nào lại mong mình trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng khi phải chứng kiến những đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra lần lượt hy sinh giữa bom đạn của giặc thù. Song, chiến tranh đã đặt lên vai những người phụ nữ thuần hậu nhiều mất mát không gì có thể bù đắp nổi. Để rồi, trong giây phút đáng tự hào của ngày hôm nay lại hiển hiện nỗi đau của ngày hôm qua. Những đôi mắt đã mờ nhưng vương vấn một nỗi buồn đau khắc khoải trên gương mặt lưu giữ vết tích của thời gian và cả những nỗi đau tinh thần phải gánh chịu như khắc sâu vào tâm khảm của người viết.
Về Tân Kỳ những ngày đầu xuân, tôi được cán bộ huyện kể về những bà mẹ Việt Nam anh hùng đáng kính. Năm 2014, Tân Kỳ có 22 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Câu chuyện về những người mẹ liệt sĩ ở huyện Tân Kỳ khiến ai nghe kể cũng phải bùi ngùi xúc động. Thời chiến, ngoài động viên chồng con ra trận, mòn mỏi chờ đợi và âm thầm chịu đựng nỗi đau mất người thân, các mẹ còn là những chiến sĩ mưu trí, ngoan cường, không ngại gian nguy, lấy nhà làm nơi giấu gạo nuôi quân… Trong thời bình, vượt qua vết thương chiến tranh, các mẹ tiếp tục làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ, người bà đảm đang, chung thủy, góp công cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Lần này, tôi được ông Đặng Ngọc Thân, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tân Kỳ dẫn đi thăm một số bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong ngôi nhà nhỏ, xung quanh là vườn tược và đồng ruộng xanh mướt ở xóm Bàu, xã Nghĩa Dũng, mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Huệ sống quây quần bên con cháu. Mẹ Huệ năm nay đã 102 tuổi, sức khỏe nay đã yếu, mắt đã mờ nên không thể ngồi tiếp chuyện với chúng tôi.
Ông Nguyễn Viết Thìn (SN 1952), người con trai thứ 5 của mẹ Huệ bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mẹ. Cũng như những cô gái đến tuổi trưởng thành, mẹ Huệ lớn lên, lấy chồng rồi sinh con. Chồng mẹ, ông Nguyễn Viết Kỳ là bộ đội tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Kỳ tiếp tục cống hiến sức mình vì sự nghiệp xây dựng đất nước. Ông làm trợ lý HTX, rồi sau đó là Chủ tịch tín dụng của xã Nghĩa Dũng. Bản thân ông là đảng viên, 7 năm liền là Chiến sĩ thi đua.
Khi hòa bình lập lại, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Một năm trước ngày giải phóng, chưa kịp chứng kiến niềm vui trọn vẹn của đất nước thì ông đã qua đời vì lâm bệnh nặng. Về phần mẹ Huệ, trong quá trình chồng tham gia kháng chiến, mẹ một mình ở nhà nuôi đàn con thơ trưởng thành, cùng với bà con tham gia cách mạng tại địa phương. Năm 1958, mẹ Huệ tình nguyện bỏ ruộng, đất, tham gia tổ đổi công. Đến năm 1961, mẹ tham gia HTX. Năm 1968, mẹ gửi gạo nuôi quân trong nhà đến khi hòa bình lập lại.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Huệ bên tác giả |
Năm 1971, mẹ tiếp tục cho một đoàn chuyên gia Liên Xô ở trong nhà để sửa chữa tên lửa tại Xưởng tên lửa 250 đóng tại xã Nghĩa Dũng trong thời gian 1 tháng. Đến năm 1972, mẹ cũng cho một đơn vị bộ đội của tỉnh ở tại nhà gần 1 năm. Nhờ sự tảo tần, đảm đang sớm tối, 12 đứa con (7 trai và 5 gái) của mẹ đã dần lớn khôn trong khói lửa chiến tranh. Nối tiếp truyền thống cách mạng của người cha, 4 người con trai của mẹ cũng xung phong lên đường nhập ngũ, còn 5 người con gái đều tham gia dân công hỏa tuyến. Mong ngóng một ngày đất nước giải phóng để đón các con về đoàn tụ, trái tim mẹ như bị bóp nghẹt khi lần lượt hay tin, 3 người con trai đã hy sinh ngoài chiến trận.
Đó là liệt sĩ Nguyễn Viết Vinh (SN 1949) hy sinh năm 1971, liệt sĩ Nguyễn Viết Bảy (SN 1955) hy sinh năm 1979 và liệt sĩ Nguyễn Viết Dần (SN 1962) hy sinh năm 1982. Đó là nỗi đau, sự mất mát quá lớn đối với một người phụ nữ nhưng nó không thể làm mẹ gục ngã. Mẹ tự an ủi mình rằng, sự hy sinh của các con đã đóng góp một phần vào nền hòa bình, độc lập của dân tộc và sự ấm no, hạnh phúc của ngày hôm nay.
Tạm biệt gia đình mẹ Huệ, chúng tôi sang thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Phi (SN 1925) cũng ở xã Nghĩa Dũng. Như những người nông dân yêu nước khác, trong chiến tranh, mẹ Phi cùng chồng là ông Đậu Văn Phú (SN 1918) ở nhà chăn nuôi sản xuất, đồng thời, tạo điều kiện cho bộ đội đóng quân trong nhà từ năm 1966 - 1969. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa nhưng mẹ Phi vẫn còn nhớ như in hình ảnh về người con trai duy nhất của mình: “Tôi có 3 người con gồm 1 trai, 2 gái. Trong đó, người con trai độc nhất Đậu Văn Xoan (SN 1954) từ thời niên thiếu đã rất ngoan ngoãn, hiền lành. Là con trai mà nó thêu thùa, may vá rất giỏi.
Tháng 9/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Xoan tình nguyện viết đơn tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hai năm sau, tức ngày 19/12/1974, tôi và gia đình đột ngột nhận tin dữ Xoan đã hy sinh tại chiến trường thuộc xã La Bang, huyện Trà Cúc, tỉnh Trà Vinh khi vừa tròn 20 tuổi”. Nói đến đây, mắt mẹ lại đỏ hoe. Mẹ chỉ tiếc con trai mình hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa kịp xây dựng gia đình riêng và nhìn thấy ngày đất nước độc lập. Ông Đặng Ngọc Thân nói với giọng chùng xuống: “Ở xã Nghĩa Dũng còn 1 mẹ Việt Nam anh hùng nữa là mẹ Nguyễn Thị Luyến (SN 1930). Nhưng thật tiếc, cách đây vài tháng, trước ngày đón nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì mẹ Luyến đã qua đời. Vì tuổi cao sức yếu nên theo thời gian, 15/22 mẹ đã mất, hiện nay, chỉ còn 7 mẹ sống nữa thôi”.
Lần theo địa chỉ, chúng tôi tiếp tục đến thăm 1 gia đình mẹ Việt Nam anh hùng nữa ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ. Đó là gia đình mẹ Nguyễn Thị Điểm (SN 1927). Mẹ năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Mẹ có tất cả 7 người con, trong đó có 3 trai và 4 gái. Khi giặc ngoại xâm tràn vào quê hương, đất nước bị chia cắt, mẹ đã tiễn 2 người con trai lên đường đánh Mỹ rồi lại 2 lần chịu đựng nỗi đau tột cùng khi cầm trên tay tờ giấy báo tử. Các con mẹ là liệt sĩ Trần Thanh Tùng (SN 1951) thuộc đơn vị Tiểu đoàn 2, Binh trạm 44, hy sinh năm 1970 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và liệt sĩ Trần Trọng Long (SN 1962) thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356, hy sinh vào năm 1980 tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trong khi 2 con tham gia chiến trận, ông Trần Trọng Duân, chồng mẹ Điểm cũng tham gia dân công hỏa tuyến, mẹ ở nhà nuôi dạy mấy người con còn lại đến tuổi trưởng thành và chăn nuôi sản xuất. Niềm vui duy nhất của mẹ giờ đây là được sống bên con cháu. Đến hôm nay, đất nước đã hòa bình nhưng mẹ Điểm vẫn đau đáu những kỷ niệm không phai về những người con thân yêu đã hy sinh ngoài chiến trường.
Trong chuyến công tác lần này, thật tiếc khi tôi chỉ có điều kiện đến thăm một số bà mẹ Việt Nam anh hùng. Giờ đây, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng đâu đó trên quê hương Tân Kỳ, dấu tích chiến tranh vẫn còn hiện diện trong cuộc đời của những người mẹ có con hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Dẫu biết rằng, ra chiến trường đối mặt với mất mát, hy sinh là điều không tránh khỏi, nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, nhìn cảnh hàng xóm, láng giềng các con trở về đoàn tụ, sum họp đầy đủ, lòng các mẹ lại day dứt khôn nguôi. Chính những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của các mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc.
.