Gia đình xã hội

Nghịch tử bất trị và nỗi đau của người lính già

09:21, 10/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đã nhiều lúc ông có ý định từ bỏ đứa con trai út để mặc cho pháp luật trừng trị theo luật định. Nhưng rồi nghĩ đó là giọt máu của mình sau những năm vào sinh ra tử ở chiến trường, ông lại viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt tù cho đứa con bất trị. Đó là Lô Thanh Ba (20 tuổi) trú tại bản Sơn Hà, xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An), kẻ đã tước mạng sống anh trai của mình chỉ vì “nát rượu”.
 
Ngày có mặt tại tòa, đại diện hợp pháp cho người bị hại, ông Q. (bố đẻ của bị cáo Ba) vẫn mặc nguyên bộ quần áo Tô Châu (Trung Quốc) còn vương mùi bom đạn của chiến trường B-C ngày nào. Đúng ra, giờ đây ông được dưỡng tâm vui chơi với con cháu nơi miền quê núi rừng bạt ngàn, sau bao năm xông pha nơi chiến trường khói lửa. Nhưng người lính ấy giờ đây lòng đang buồn đau, bởi trước mặt ông là một nghịch tử bất trị đang đối mặt với khung hình phạt cao nhất. Hai cha con chỉ cách xa trong gang tấc, nhưng không nói không rằng.
 
Năm 1974, khi bằng tuổi của Ba, ông đã viết đơn tình nguyện tham gia chiến trường miền Nam. Trận đánh đầu tiên mà ông giáp mặt với bọn đế quốc Mỹ xâm lược là trận đánh tại đồi Bình Điền - Thừa Thiên Huế. Đây là trận đánh một mất một còn giữa ta và địch. Sau hơn 1 tháng chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, đồi Bình Điền đã thuộc quyền kiểm soát của Quân đội Việt Nam. “Giải phóng Bình Điền, thừa thắng xông lên, chúng tôi tiến quân vào Đà Nẵng, rồi Phan Rang và trận đánh cuối cùng là tỉnh Ninh Thuận thì nghe tin Sài Gòn đã giải phóng”, ông Q. kể lại. Sau khi đất nước thống nhất, Trung đoàn của ông được chuyển ra Bắc. Năm 1978, ông lại được lệnh chi viện cho chiến trường C, trực tiếp tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào. Năm 1981, ông được nghỉ phép về quê, cưới vợ, sau đó tiếp tục trở lại nước bạn Lào. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ mới sinh con trai đầu lòng, ốm yếu, năm 1983, ông Q. được phục viên trở về quê, mang theo quân hàm thiếu úy và chiếc balô đựng đầy áo quần vương mùi bom đạn.
 
Bị cáo Lô Thanh Ba tại tòa
Bị cáo Lô Thanh Ba tại tòa
 
Ngày đến dự khán, ông không quên mang theo những tấm Huân, Huy chương của mình, trong đó có tấm Huân chương của nước bạn Lào tặng thưởng. Đó là bằng chứng ghi nhận sự hy sinh xương máu sau bao nhiêu năm làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đây là niềm vinh hạnh to lớn đáng trân trọng và tự hào không chỉ riêng gia đình, vợ con ông mà cả xã hội. Những năm tháng trở về quê, vợ chồng ông lại sinh tiếp hai người con trai, trong đó Lô Thanh Ba là con út. Ông thầm nghĩ, so với một số đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường thì cuộc đời mình như thế quá mỹ mãn và hạnh phúc. Nhưng có ai ngờ, trong ba người con khi đến tuổi trưởng thành thì Lô Thanh Ba là đứa con bất trị. Ba tối ngày rượu chè bê tha. Mỗi lần rượu vào, Ba lại về quậy phá, thậm chí đòi đánh đập bố và hai anh trai. Với bản chất người lính, ông Quang quyết giáo dục Ba nên người. Thế nhưng ông càng hà khắc thì Ba lại càng tỏ ra lì đòn, ương bướng.
 
Khoảng 23h ngày 27/6/2014, sau khi uống rượu say, Ba về nhà tự ý lấy xe máy đi chơi khi chưa được sự đồng ý của bố. Ông Q. lên tiếng, liền bị Ba nhảy lên giường đấm đá. Thấy Ba hỗn láo, người con trai đầu của ông Q. là Lô Văn Tý đến can ngăn. Sau đó, Ba đi vào buồng lấy khẩu súng kíp. Thấy vậy, anh Tý ra khuyên em trai đêm khuya không nên đi nữa, thì Ba dùng súng bắn một phát vào ngực trái làm anh Tý chết ngay tại chỗ. Nghe tiếng đạn nổ, ông Q. chạy ra thì thấy người con trai đầu của mình  tim đã ngừng đập, còn Ba chạy trốn, sau đó đến cơ quan Công an đầu thú.
 
“Cả tuổi thanh xuân, tôi dành cho chiến trường, mong ngày trở về đoàn tụ bên vợ con. Nhưng hạnh phúc chỉ tày gang, không ngờ thằng Ba nó hại cuộc đời tôi như thế… Thương thằng Tý lắm! Vợ nó bỏ chồng con đi từ 4 năm nay không về. Ngày nó nằm xuống không một tiếng than khóc của vợ!... Giờ tôi tuổi đã cao, tóc đã bạc, gối đã chùng nhưng phải còng lưng lên đồi, xuống suối để nuôi hai đứa con thay nó”, ông Q. nghẹn lòng nói với tôi trong nuối tiếc về đứa con xấu số.
 
Khi được HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cho nói lời sau cùng trước khi vào nghị án, Lô Thanh Ba xin tòa giảm hình phạt tù, rồi ngoảnh mặt lại phía sau nhìn người cha của mình nấc nghẹn nói: “Con xin lỗi cha!…Vì không nghe lời cha, đã làm cha mẹ đau lòng, khổ tâm”. Nhìn Lô Thanh Ba bị dẫn giải lên xe chở phạm nhân về thi hành bản án 16 năm tù, chân ông Q. như muốn khuỵu xuống. Ông cố nhìn theo đứa con bất trị của mình lần sau cùng trong đau xót, buồn tủi. Đau vì 2 đứa con kẻ thì vĩnh viễn nằm xuống, kẻ phải chôn vùi tuổi xuân nơi tù tội.
 

Hữu Trọng

Các tin khác