Gia đình xã hội

Phải có cơ chế để nhân dân giám sát Mặt trận

14:26, 09/09/2014 (GMT+7)
Mặt trận có một vinh dự rất lớn, được trao quyền trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tức là giám sát, phản biện cho nhân dân, nhưng bản thân Mặt trận cũng cần được giám sát. Sắp tới, sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận thực tiễn để Mặt trận phải chịu sự giám sát của nhân dân.
 
Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và một số báo chí khác trước thềm Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/9.
 
PV: Xin đồng chí đánh giá những kết quả đạt được qua Đại hội MTTQ các cấp và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII?
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ lần thứ VIII, theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từ cuối năm 2013, các cơ sở đã tiến hành đại hội tại 63 tỉnh, thành các cấp xã, huyện, tỉnh. Việc tổ chức đại hội thể hiện tinh thần đổi mới, tổng kết kết quả nhiệm kỳ 5 năm cũng như hướng tới những yêu cầu mà Hiến pháp 2013 đã xác định cho MTTQ cũng như tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
 
Khi tiến hành đại hội ở cấp xã, huyện, tỉnh đã có thảo luận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về nội dung Mặt trận cấp xã, huyện, tỉnh và định hướng cấp Trung ương. Đây là hoạt động mang tính chất chính trị - xã hội rộng rãi, phát huy được sáng kiến của các đoàn thể, tầng lớp nhân dân.
 
Đại hội các cấp đã đảm bảo được 3 yêu cầu: Thứ nhất, đảm bảo tiến độ đến tháng 7 hoàn thành ở cả 3 cấp của 63 tỉnh, thành; thứ hai, nội dung thảo luận sâu sắc, tổng kết và có đổi mới; thứ ba, thành phần lãnh đạo Mặt trận các cấp so với nhiệm kỳ trước đều tăng thêm, qua đó, góp phần tăng đại diện các tầng lớp nhân dân.
 
Qua đại hội ba cấp, chúng tôi thấy rằng, tuổi bình quân của Ủy ban MTTQ cấp xã, huyện, tỉnh trẻ hơn nhiệm kỳ trước. Ở cấp xã, 90% Chủ tịch tham gia cấp ủy, còn ở cấp huyện, tỉnh là 100%. Trong đó, tham gia thường vụ ở cấp huyện là 58%, cấp tỉnh là trên 60%. Tỷ lệ người dân không phải đảng viên tham gia MTTQ các cấp cũng tăng hơn trước… Có thể nói, đại hội đại biểu các cấp đã tạo tiền đề rất quan trọng để hướng tới chuẩn bị Đại hội cấp Trung ương.
 
Trong khi MTTQ các cấp tỉnh tiến hành đại hội, ở Trung ương, chúng tôi cũng đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ các khóa; ý kiến của các đồng chí cách mạng lão thành; ý kiến của các chuyên gia về chương trình công tác Mặt trận nhiệm kỳ mới cũng như việc sửa đổi Điều lệ MTTQ. Sau đó, dự thảo báo cáo chính trị đã được đăng trên báo Nhân dân, báo Đại đoàn kết, và Website của Mặt trận, làm cơ sở thu hút ý kiến đóng góp của nhân dân.
 
Sau ngày 5/9, chúng tôi đã sơ kết việc tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn chỉnh văn bản cuối cùng. Cùng với đó, công tác truyền thông đã được đẩy mạnh để tạo sự quan tâm và có sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên trong xây dựng báo cáo chính trị, sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam.
 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
 
PV: Thưa đồng chí, những chủ trương, định hướng lớn được thể hiện trong các văn kiện Đại hội và chương trình hành động như thế nào, đặc biệt là việc sửa đổi Điều lệ MTTQ để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới?
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Bước vào chuẩn bị Đại hội, báo cáo chính trị có hai vấn đề được thảo luận. Đó là chủ đề và tiêu đề của Đại hội. Chủ đề của Đại hội lần này là: “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển”. Đoàn kết là nói lên chức năng của Mặt trận, tập hợp đoàn kết nhân dân trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Dân chủ là ở cả hai phía, trong hệ thống Mặt trận cũng phát huy dân chủ, phát huy sáng kiến của nhân dân từ cơ sở, góp phần vào quá trình dân chủ trong xã hội. Về đổi mới, vừa phải đổi mới công tác Mặt trận, góp phần vào đổi mới của đất nước; và phát triển, Mặt trận cũng phải phát triển cùng góp phần vào sự phát triển của đất nước.
 
Tiêu đề lần này là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc”. Trong chủ đề này, vế phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và sức mạnh của chúng ta; nhưng có nội dung lớn thứ hai là giữ vững hòa bình chủ quyền quốc gia, đó là những đòi hỏi hiện nay và trong thời gian tới. Về mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chúng tôi thêm “hạnh phúc”. “Hạnh phúc” này chính là thước đo sức sống của Mặt trận đối với cơ sở.
 
Trên cơ sở đó, Mặt trận xác định 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới để vừa phản ánh chức năng, nhiệm vụ, vừa phản ánh đòi hỏi cuộc sống hiện nay.
 
Chương trình thứ nhất, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lâu nay, công tác tuyên truyền chúng ta vẫn làm nhưng lần này đòi hỏi nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này; vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài.
 
Chương trình thứ hai, phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân để thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là sự sáng tạo, tự quản của nhân dân ở cơ sở. Những phong trào lâu nay vẫn làm, nhưng làm rõ mô hình trong từng lĩnh vực, sự sáng tạo, tự quản của nhân dân.
 
Chương trình thứ ba, phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đây là nội dung vừa truyền thống, đồng thời mang tính thời sự cao. Vì Mặt trận luôn gắn bó với dân, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhưng vế thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng vững mạnh là nội dung mới, được ghi vào Hiến pháp 2013. Chúng tôi bổ sung nội dung này một cách đậm hơn, phù hợp hơn trong chương trình thứ ba này.
 
Chương trình thứ tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường hữu nghị, hợp tác quốc tế. Đây cũng là công tác truyền thống nhưng lần này mở rộng, tăng cường công tác hữu nghị nhân dân với các nước láng giềng, các nước ở ASEAN và bạn bè quốc tế.
 
Chương trình thứ năm, hoàn thiện cơ chế hoạt động của MTTQ Việt Nam, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện MTTQ Việt Nam. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp ngày càng hoàn thiện hơn với cơ quan của chính quyền, các đoàn thể khác, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng thì việc nâng cao chất lượng công tác Mặt trận, nâng cao điều kiện công tác Mặt trận là rất quan trọng.
 
Có thể nói, 5 chương trình này vừa kế tục thành tựu trong thời gian qua, đồng thời phản ánh yêu cầu, mong muốn của nhân dân.
 
Đối với việc sửa đổi Điều lệ, lần này, chúng tôi không sửa nhiều nội dung, nhưng trong đó có ba vấn đề quan tâm. Thứ nhất, trong phần mở đầu nói rõ hơn chức năng của Mặt trận, đó là đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh thông qua giám sát, phản biện; thứ hai, về nhiệm vụ ở các cấp đều có nhiệm vụ giám sát, phản biện; thứ ba, lần đầu tiên quy định rõ quyền và trách nhiệm của thành viên Mặt trận, bao gồm thành viên tổ chức, thành viên cá nhân. Như vậy, với những bổ sung một số điều theo ba hướng này làm cho “tầm” của Điều lệ ngang bằng với sự phát triển của đất nước.
 
PV: Có thể nói, xây dựng Đề án nhân sự là một trong những khâu đặc biệt quan trọng trong công tác chuẩn bị Đại hội. Xin đồng chí cho biết, Đề án nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam khóa VIII có điểm gì mới so với các nhiệm kỳ trước?
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Về nhân sự của Mặt trận ở khóa này, dự kiến có 385 ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tăng 30 người so với giai đoạn trước. Cụ thể, tập trung tăng những cá nhân tiêu biểu cho sự phát triển của đất nước, như tăng các cá nhân đại diện cho công nhân, nông dân.
 
Điểm mới nữa là lần đầu tiên có đại diện của những người tiểu thương ở hai miền đất nước, tăng đại diện trong hoạt động khoa học, có cả đại diện vùng biển đảo, có sự tham gia của Chủ tịch MTTQ huyện Trường Sa trong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, vẫn giữ được tỉ lệ những người không phải đảng viên nhưng tham gia Mặt trận với tấm lòng, trách nhiệm cao là trên 50%.
 
PV: Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công việc này được đề cập như thế nào trong báo cáo trình Đại hội VIII? Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thời gian tới, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cần làm những gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Theo cách nói thông thường lâu nay, nói đến "giám sát" tức là chúng ta kiểm tra việc thực hiện những đường lối, chính sách hiện nay trong thực tiễn như thế nào. Còn nói đến "phản biện" là nói đến góp phần xây dựng những chủ trương, chính sách mới sẽ được triển khai trong tương lai. Hai nhiệm vụ này Mặt trận đã làm trong những năm qua với mức độ khác nhau.
 
Ví dụ, trong công tác giám sát ở cơ sở Mặt trận có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, hay hoạt động thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đấy là hoạt động giám sát đã làm lâu nay và được báo cáo kỹ trong phần đánh giá kết quả nhiệm kỳ vừa qua.
 
Còn về phản biện, thời gian vừa qua, các cấp triển khai rất tích cực. Riêng việc đóng góp xây dựng Hiến pháp 2013 trong số 22 triệu lượt người đã có ý kiến thì Mặt trận tổ chức cho các thành viên của mình tham gia đóng góp trên 8 triệu lượt ý kiến. Đấy chính là hoạt động phản biện; hay như góp ý vào nội dung Luật Đất đai, người dân cũng rất quan tâm. Mặt trận cũng tổ chức các cuộc thảo luận để góp ý.
 
Điều đó có nghĩa: Giám sát, phản biện đã làm nhưng đặc điểm lần này là nội dung nhiều hơn và mức cao hơn – đã hiến định trong Hiến pháp. Về mặt giám sát, MTTQ Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền giám sát độc lập. 5 tổ chức này và Mặt trận có quyền giám sát. Nghĩa là với vấn đề mà các tổ chức này hoặc Mặt trận thấy nhân dân quan tâm, muốn tìm hiểu rõ đường lối, chính sách, luật pháp, chương trình của Chính phủ, chính quyền các cấp thực hiện như thế nào thì họ tổ chức giám sát. Các yêu cầu này lâu nay chưa làm đến mức đó. Vậy, để làm được điều này phải có cơ chế. Tháng 12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế tổ chức thực hiện giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân thực hiện việc tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng. Với hai văn bản này thì Mặt trận và các tổ chức thành viên có cơ chế triển khai tốt hơn.
 
Theo hướng đó, vừa qua, chúng tôi đã thảo luận trong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và báo cáo Chính phủ thống nhất, hiện nay đang triển khai 5 nội dung giám sát ở cấp quốc gia và các địa phương, tham gia đồng bộ hoặc chọn lọc theo điều kiện của mình. Chưa bao giờ chúng ta có giám sát như vậy.
 
Ví dụ, chúng ta rất quan tâm vấn đề là sau 40 năm kết thúc chiến tranh, làm thế nào những người có công được Đảng, Nhà nước ghi nhận, hỗ trợ trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, Mặt trận đã kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý, chỉ đạo MTTQ Việt Nam cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện cuộc tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công. Việc tổng rà soát này từ năm 1954 đến nay chúng ta chưa làm vì mất rất nhiều sức lực. Vì vậy, lần này, Mặt trận chủ trì phối hợp có Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ, Hội nạn nhân chất độc da cam tham gia. Các đoàn thể này đang thực hiện rà soát tất cả những người có công thuộc 7 đối tượng.
 
Ngoài ra, các cơ quan tổ chức liên quan cũng đã phối hợp kí kết chương trình giám sát chất lượng đầu vào nông nghiệp như: Thức ăn chăn nuôi, giống cây con, thuốc bảo vệ thực vật để người nông dân không phải mua những thứ không đảm bảo chất lượng. Điều này đã được ký kết giữa Hội Nông dân Việt Nam, MTTQ Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ngoài ra, còn ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, y tế cho công nhân. Trong chương trình sẽ có sơ kết để nâng cao hiệu quả và quy mô của hoạt động lên. Đây là việc làm rất mới nên vừa qua, các ban, ngành, đoàn thể cũng đã phối hợp chặt chẽ và tiến hành triển khai.
 
PV: Hiện nay, từ "mới" đang được các nhân sĩ trí thức, đại biểu tôn giáo cho đến các tầng lớp nhân dân kỳ vọng khi nói về công tác Mặt trận nhiệm kỳ tới. Đòi hỏi này cần sự thay đổi lớn là làm mới chính cán bộ Mặt trận. Theo đồng chí, làm thế nào để thực hiện được yêu cầu này?
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Đổi mới trong cơ cấu chính trị, lịch sử đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng hết sức quan trọng, yếu tố quyết định đến sự phát triển đất nước. Nhưng cuộc sống cũng chứng minh rằng, nếu chỉ có 1 đảng lãnh đạo mà không được sự giám sát của nhân dân, không lắng nghe ý kiến đầy đủ của dân, không chịu trách nhiệm đầy đủ với dân thì có nguy cơ bị xa rời dân, nguy cơ quan liêu, tham nhũng.
 
Trong Hiến pháp lần này có một đoạn mới là Điều 2 nói về Đảng: Đảng phải gắn bó với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. 
 
Ở các nước khác, họ cho rằng, phải đa đảng mới làm cho chế độ dân chủ phát triển được. Trong đặc điểm của chế độ chính trị chúng ta, một đảng cầm quyền nhưng tổ chức nào, cơ chế nào làm cho Đảng vẫn ngày càng gắn bó với dân, vẫn chịu trách nhiệm đầy đủ đối với dân? Về mặt thể chế Nhà nước, Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, tuy giám sát Chính phủ nhưng gián tiếp giám sát cho Đảng. 
 
Mặt trận có một vinh dự rất lớn, được trao quyền trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tức là giám sát, phản biện cho nhân dân, nhưng bản thân Mặt trận cũng cần được giám sát. Trong Báo cáo chính trị, khi nói về đánh giá hạn chế công tác Mặt trận vừa qua, chúng tôi có nêu một nguyên nhân là chưa có cơ chế nhân dân giám sát Mặt trận. Sắp tới sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận thực tiễn để Mặt trận phải chịu sự giám sát của nhân dân.
 
Chính vì vậy, khi nhân dân có nhiều ý kiến đòi hỏi phải đổi mới, chúng tôi thấy rằng, chừng nào còn làm công tác Mặt trận thì còn đổi mới theo nguyện vọng của nhân dân để đáp ứng được đòi hỏi chính đáng ấy.
 
PV: Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII,  đồng chí có nhắn nhủ điều gì tới cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài?
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Ở các khóa trước, Mặt trận đã có đại biểu là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khóa này tiếp tục như vậy và dự kiến số lượng còn tăng thêm nữa. Điều này khẳng định rằng, trên 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Không những chủ trương của Đảng, Nhà nước mà MTTQ Việt Nam, các đoàn thể cùng nhân dân luôn nhớ đến và mong mỏi người con của mình đang ở nước ngoài chăm lo cuộc sống ở nước ngoài tốt, chấp hành tốt luật pháp ở nước ngoài, luôn luôn hướng về quê hương. Mặt trận sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ bà con gắn kết với trong nước.
 
Hiện nay, có hơn 300.000 người Việt Nam ở nước ngoài đạt trình độ đại học trở lên. Đây là vốn quý của nhân lực Việt Nam nói chung. Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước, tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần làm công tác từ thiện, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học. 
 
Chúng tôi khẳng định rằng, mọi nơi trên đất nước này, ở đâu có Mặt trận thì ở đó, chúng tôi sẵn sàng cùng lắng nghe, phối hợp với bà con để làm cho cuộc sống của bà con tốt hơn, cũng như giúp bà con có điều kiện đóng góp vào sự phát triển của đất nước ngày càng hiệu quả hơn.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác