Gia đình xã hội
Cả xã loay hoay giải phóng… giếng giữa đường
08:53, 09/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Khi chính quyền địa phương mở rộng con đường từ Khu di tích Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) xuống biển Xuân Yên thì chiếc giếng cổ Đô Uyên (xóm Yên Liễu, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân) nằm giữa đường. Tuy nhiên, người dân cho rằng đây là giếng “thần” đã từng cứu khát cả làng trong những ngày đại hạn, nên họ đã góp tiền xây thành giếng và bờ rào giữ giếng ngay giữa con đường. Việc thi công qua đoạn này đang ách tắc vì chưa giải phóng được giếng “thần”.
Giếng cổ từng cứu khát cả làng
Sáng 4/9, con đường từ Khu di tích Nguyễn Du xuống khu du lịch biển Xuân Yên đang thi công dở dang, nhiều đoạn bụi bay mù mịt. Chiếc cầu Thống Nhất trên con đường này làm bằng bê tông kiên cố xây xong đã lâu, song đoạn đường dẫn lên cầu vẫn chưa xong vì chưa giải phóng được… chiếc giếng “thần”.
Bốn thành chiếc giếng được người dân xây bằng gạch và bê tông có hình vuông cao hơn 50 cm rất chắc chắn. Trên thành giếng dựng bốn chiếc cọc inox sáng bóng hàn gắn với các dây xích bảo vệ xung quanh rất kiên cố. Nhìn xuống chúng tôi thấy chiếc giếng được xây bằng đá theo hình vuông, dưới lòng giếng có nhiều nước trong xanh. Trong giếng có chiếc gàu dùng múc nước, nhưng ít người đến múc nước về nhà dùng.
Người dân ở thôn Yên Liễu từ cụ già đến xóm trưởng đều cho biết, họ không biết giếng có từ năm nào, nhưng điều bí ẩn là dưới đáy giếng có bốn tấm gỗ lim. Có người phỏng đoán rằng, ngày trước cha ông đặt bốn tấm gỗ lim lót ở đáy giếng là để chống sụt cát cho nước trong xanh.
Giếng làng cổ Đô Uyên được người dân tôn tạo nằm giữa đường |
Ông Trần Văn Mạnh và nhiều cụ già trong xóm kể rằng: “Ngày xưa nơi đây là bãi cát trắng bên biển, cha ông đào chiếc giếng này, trúng mạch nước nên nước không bao giờ cạn. Các ngư dân trong làng đã vượt biển ra đảo Mắt, đảo Ngư lấy đá về xây giếng, tránh cát sụt lấp. Vào các năm đại hạn gay gắt, các giếng nước khác khô nhưng chiếc giếng Đô Uyên không bao giờ cạn. Nước uống rất ngọt, mùa đông nước ấm, còn mùa hè thì mát lạnh như nước đá. Giếng nước này đã cứu đói, cứu khát nhiều thế hệ ngư dân nơi đây”.
Loay hoay việc giải phóng… giếng
Người dân cho rằng, họ rất vui và ủng hộ việc mở rộng con đường nhựa đi xuống khu du lịch biển nhưng không ngờ đường mở rộng thì giếng nằm giữa đường.
Ông Mạnh cho biết thêm: “Nhiều người dân nơi đây quan niệm xây dựng nông thôn mới làng quê đang thay đổi, sung túc lên thì “cây đa, giếng nước, mái đình” cần phải giữ lại. Cây đa cổ thụ đã chết nhiều năm, nay được trồng lại đầu cầu Thống Nhất. Bên mái đình ngày xưa, nay đã có nhà hội quán khang trang. Còn chiếc giếng được người dân tôn tạo thì lại nằm… giữa đường. Chúng tôi đã họp chi bộ, họp dân nhiều lần để vận động người dân lấp giếng hoặc di dời nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận, do đó việc thi công mở rộng đường cũng đang ách tắc. Cán bộ xã đã lập biên bản họp dân và ghi ý kiến của dân để xem xét nhưng chưa đưa ra được kết luận nên như thế nào”.
Ông Hoàng Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Yên cho biết: “Con đường từ Khu di tích Nguyễn Du xuống biển Xuân Yên có tổng mức đầu tư 36 tỉ đồng. Đúng là ban đầu, nhà tư vấn thiết kế và đầu tư không để ý đến chuyện có chiếc giếng Đô Uyên. Trong một thời gian dài chiếc giếng này ít người dùng, sau đó người dân tự tôn tạo rồi nhiều người quan niệm về tâm linh đây là giếng thiêng. Do vậy nhiều người cũng sợ không dám đụng, phá giếng linh thiêng này. Có nhiều người là cán bộ lão thành lại ủng hộ ý kiến giữ nguyên trạng chiếc giếng. Tức là có ý kiến cần làm đoạn đường qua đây phình to ra, để nguyên chiếc giếng giữa đường như vòng xoay giao thông. Vấn đề này chúng tôi chưa biết giải quyết thế nào cho hợp lòng dân”.
Còn ông Phan Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Xuân Yên cho biết: “Việc hoàn thành con đường từ Khu di tích Nguyễn Du xuống biển Xuân Yên là phải làm. Nếu giữ nguyên chiếc giếng làng cổ Đô Uyên thì sẽ khiến con đường này bị chẻ làm đôi, không đúng với quy hoạch. Chúng tôi đang đưa ra phương án và vận động để nhân dân đồng thuận, đó là sẽ di dời chiếc giếng đến địa điểm khác. Tất cả viên đá, tấm gỗ lim…được di dời nguyên trạng để hoàn thành con đường, đảm bảo an toàn giao thông”.
Nguyễn Nam Xuân