Gia đình xã hội
Dấu ấn đậm nét sau 5 năm thực hiện các phong trào thi đua yêu nước
08:43, 08/09/2014 (GMT+7)
5 năm qua, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phát động, triển khai đã có bước phát triển mới, hướng về khu dân cư với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục được triển khai theo hướng đổi mới về nội dung và phương thức thực hiện, kịp thời điều chỉnh phù hợp với chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, bổ sung các cơ chế, điều kiện để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động. Với phương châm lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã bám sát địa bàn dân cư và hộ gia đình để triển khai các phong trào, các cuộc vận động, góp phần cổ cũ, động viên nhân dân chủ động phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Mặt trận đã kịp thời triển khai lồng ghép toàn diện các nội dung của cuộc vận động với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong triển khai thực hiện ở cơ sở. Sau 3 năm thực hiện, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 12 triệu m2 đất để làm đường, công trình công cộng…
Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 12 triệu m2 đất để làm đường, công trình công cộng |
Nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận đã có các chương trình, phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lấy cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không 3 sạch” làm nòng cốt nhằm thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức “Phong trào liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức phong trào “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng quê hương, đất nước” góp phần xây dựng nông thôn mới...
Việc phối hợp, lồng ghép thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy được sức mạnh và sức sáng tạo của nhân dân bằng hoạt động tự quản ở các cộng đồng dân cư. Các mô hình tự quản về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được nhân rộng ở nhiều địa phương như “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, trong đó tiêu biểu là mô hình “Gia đình, dòng họ tự quản”.
Điển hình như Thành phố Hà Nội với phong trào “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; tỉnh Đồng Nai với Chương trình “4 giảm” (tội phạm, ma túy, mại dâm, tai nạn giao thông); tỉnh Hưng Yên phát động phong trào thi đua xây dựng “Khu dân cư 3 không” (không tội phạm, ma túy, mại dâm) gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tỉnh Bình Dương thực hiện mô hình “Chủ nhà trọ văn hoá”; 50% phường xã ở Bắc Giang có mô hình tự quản về trật tự an toàn xã hội…
Với cách làm cụ thể, đồng bộ, đến cuối năm 2013 cả nước đã có 17.168.976 gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hoá, chiếm tỷ lệ trên 60%; 67.258/105.429 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá, chiếm tỷ lệ 63,79%. Và rất nhiều mô hình, chương trình đạt hiệu cao như tỉnh Quảng Nam triển khai mô hình “Tộc văn hoá”, “5 đoàn kết - 3 trong sạch”; Tỉnh Thanh Hoá ban hành Kế hoạch “3 không” (khu dân cư: không có tội phạm, không ô nhiêm môi trường, không vi phạm hương ước xây dựng nếp sống văn hoá) và xây dựng được trên 21.600 tổ tự quản bảo vệ môi trường; Mặt trận Thành phố Đà Nẵng tổ chức phong trào xây dựng “Thành phố 5 không” và “3 có”; Mặt trận tỉnh Quảng Ngãi xây dựng “Điểm sáng khu dân cư sáu không”, họ tộc “ba không”, mô hình “ba giảm, bốn giữ”; Thành phố Hà Nội vận động “Toàn dân thực hiện tang văn minh tiến bộ”, triển khai 3.751 mô hình điểm khu dân cư tự quản về môi trường ở 29 quận, huyện, thị xã... Những mô hình này đã góp phần tạo sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ trong xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, hệ thống Mặt trận và các tổ chức xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia động viên thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, phối hợp với chính quyền tổ chức thực hiện chính sách hậu phương quân đội, kết nghĩa quân dân, kịp thời động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo.
Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp tích cực với bộ đội biên phòng tổ chức tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc”, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, tổ chức “Ngày hội biên phòng toàn dân”, đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”. Riêng đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã xây dựng được 3.460 nhà Đại đoàn kết, 146 công trình dân sinh, tổng trị giá gần 150 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận các cấp còn thường xuyên tổ chức các đoàn công tác thăm hỏi các chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là đoàn đại biểu 54 dân tộc, đại biểu kiều bào đã kịp thời đến thăm, động viên quân và dân các huyện đảo.
Đặc biệt, trước sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, các thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đã dấy lên tinh thần đoàn kết đấu tranh phản đối mạnh mẽ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, 5 năm qua, với cách làm quyết liệt, sáng tạo, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tiếp tục được triển khai sâu rộng, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp của chính quyền, tham gia của các tổ chức thành viên, sự nhiệt tình ủng hộ của đông đảo các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, của bạn bè quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ quân và dân bảo vệ biển, đảo Hoàng Sa |
Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ 17/10 - 18/11), chương trình “Nối vòng tay lớn” được tổ chức vào ngày 31/12 hằng năm từ 2009 đến 2011 và nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương đã tạo nên những dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm trong xã hội, thu hút được sự ủng hộ về nguồn lực giúp đỡ hữu hiệu, kịp thời cho người nghèo, người người tàn tật, nhiễm chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ khi phát động đến nay, “Quỹ vì người nghèo” 4 cấp trong cả nước đã vận động được 8.616 tỷ đồng, là điều kiện để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.362.934 căn nhà cho hộ nghèo. Từ năm 2009 đến 2013, Mặt trận các cấp đã vận động các chương trình an sinh xã hội trên 32.000 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ trì các hoạt động cứu trợ, trực tiếp vận động và phân bổ trên 665 tỷ đồng; tiếp nhận nhiều hàng hoá, hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng. Kết quả cuộc vận động và các hoạt động cứu trợ đã góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước thương nòi, trở thành giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai chủ động tới các cấp, các ngành, từng địa phương, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Sau 5 năm, đã từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong các cộng đồng dân cư. Nhận thức của bộ phận lớn người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các cơ quan về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm và ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, mở rộng thị trường nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam được nâng lên....
Có thể thấy, thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động đã góp phần bồi dưỡng và huy động sức dân, cùng nguồn lực của Nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp trong giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây sẽ là nền tảng, niềm tự hào để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tự tin bước vào một nhiệm kỳ mới với mục tiêu sau cùng là góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân...
Nguồn: dangcongsan.vn