Gia đình xã hội
Để trẻ em nghèo có được mùa Trung thu ý nghĩa
(Congannghean.vn)-Một mùa Trung thu nữa lại về. Trung thu là dịp để mọi gia đình đoàn tụ, cùng nhau quây quần phá cỗ, ngắm trăng. Đồng thời cũng là dịp để mỗi gia đình và toàn xã hội thể hiện sự quan tâm đối với trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước. Mặc dù vậy, không phải tất cả trẻ em đều có điều kiện đón nhận không khí ấm áp, vui tươi trong đêm Trung thu một cách trọn vẹn. Làm sao để trẻ em nghèo có được mùa Trung thu ý nghĩa là điều trăn trở đối với nhiều người.
Vào dịp Tết Trung thu, hầu hết các em nhỏ đều háo hức, phấn khởi vì sẽ được múa lân, phá cỗ, rước đèn ông sao, đèn kéo quân, nhận quà và lời cổ vũ, động viên tinh thần học tập từ người lớn. Trong khi nhiều trẻ em con các gia đình khá giả xúng xính quần áo đẹp, được nhận những món quà tặng đắt tiền, cùng bố mẹ, bạn bè tung tăng phá cỗ thì đâu đó, vẫn còn những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn chưa được biết đến mùi vị của Tết Trung thu, thậm chí các em còn phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh.
Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của người dân được cải thiện, các gia đình, đoàn thể, cộng đồng đã có nhiều điều kiện hơn trong việc lo cho các cháu một cái Tết Trung thu thực sự đủ đầy. Vào dịp Tết Trung thu, trẻ em ở các thành phố, thị xã được bố mẹ mua cho quần áo đẹp và đồ chơi “xịn” có giá trị từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng; được thoả thích phá cỗ với đầy đủ hoa quả, nước ngọt, bánh kẹo. Con nhà khá giả hơn còn được bố mẹ cho đi du lịch xa như là một món quà đặc biệt nhân dịp Tết Trung thu.
Quan tâm hơn nữa đối với trẻ em nghèo để các em có một mùa Trung thu thật sự ý nghĩa |
Ở nông thôn, nhiều nơi trẻ em cũng không còn cảnh phải phá cỗ “chay” mà mâm cỗ Trung thu đã được người lớn, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm để có được sự đầy đủ hơn. Ở nhiều địa phương, ban cán sự khối, xóm phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… tổ chức Tết Trung thu tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em trước khi bước vào năm học mới.
Mặc dù vậy, không phải tất cả trẻ em đều có điều kiện đón nhận không khí ấm áp, vui tươi trong đêm Trung thu một cách trọn vẹn bởi hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, phải bươn chải kiếm sống qua ngày. Nhiều em trong số đó chưa từng được cầm trên tay món đồ chơi hay được ăn chiếc bánh Trung thu như bạn bè cùng trang lứa. Có một nghịch lý là, hàng năm cứ sau dịp Tết Trung thu, nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo, bánh Trung thu “cao cấp” bị tồn đọng do không bán hết.
Khi hết hạn sử dụng, người ta phải đổ đi. Trong khi đó, nhiều trẻ em nghèo không có tiền để mua nổi một chiếc bánh cho có hương vị Tết Trung thu. Những đứa trẻ ở thành phố, con các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả có thể tuỳ thích lựa chọn trong thế giới đồ chơi đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc loại đồ chơi mình ưa thích. Một số bậc phụ huynh đã chiều theo ý thích của con, không ngần ngại khi mua cả những loại đồ chơi mang tính bạo lực, không phù hợp với việc hình thành nhân cách của trẻ như dao, kiếm, súng… Trong khi đó, nhiều trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, việc có được một chiếc đèn ông sao trong dịp Tết Trung thu đã là một “sự kiện” lớn.
Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng. Ngày 17/9/1945, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian viết bài báo: “Tết Trung thu với nền độc lập”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với các cháu thiếu nhi. Tết Trung thu năm 1951, mở đầu bức thư gửi cho các cháu nhi đồng, Bác đã gửi gắm cảm xúc của mình trong những câu thơ gây xúc động lòng người: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu thoả lòng nhớ mong…”.
Không chỉ dành sự quan tâm đặc biệt, Bác Hồ còn khẳng định vai trò của thiếu nhi đối với tương lai của đất nước. Người chỉ rõ, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em không phải riêng của ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân. Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải được làm kiên trì, bền bỉ…”.
Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có bước chuyển biến đáng khích lệ. Nhưng trong điều kiện phân hoá giàu, nghèo đang có xu hướng gia tăng hiện nay, vẫn còn nhiều trẻ em nghèo không may mắn.
Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần huy động nhiều hơn nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để mỗi mùa Trung thu về, sẽ tổ chức được nhiều hơn các hoạt động tặng quà, vui chơi với nội dung bổ ích, thiết thực nhằm bù đắp cho các em phần nào những thiệt thòi trong cuộc sống.
Bùi Minh Tuấn