Gia đình xã hội

Xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Long Sơn (Anh Sơn)

Thiết kế một đường, thi công một nẻo?

08:21, 04/09/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dự án xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất Bảo vệ thực vật (BVTV) tại xóm 11, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn do Sở TN&MT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, được phê duyệt theo Quyết định số 1847/QĐ-UBND ngày 15/5/2013, với tổng mức đầu tư gần 6,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi công trình thực hiện gần xong, hộ gia đình hưởng lợi trực tiếp, thành viên tổ giám sát cộng đồng mới nhận được bản thiết kế thi công. Điều này khiến không ít người hoài nghi về chất lượng của công trình tiền tỉ này.

Kho “thuốc độc” sát nhà dân

Như Báo Công an Nghệ An đã từng phản ánh, kho thuốc BVTV tại xóm 11, xã Long Sơn nằm trên đồi cao, được xây dựng năm 1967, chỉ cách mép sau tường nhà ông Nguyễn Văn Ngọc chưa đến chục bước chân. Theo người dân địa phương, nền kho này được đắp bằng đất, vách nứa, có diện tích khoảng 50 m2. Đến năm 1987, kho bị phá dỡ, chỉ còn lại nền và tàn dư thuốc BVTV, đào đất lên bốc mùi nồng nặc. Có giếng khơi nhưng nhiều năm nay, gia đình ông Ngọc phải đi chở nước cách đó gần 1 km về dùng. Theo khảo sát, kho thuốc này ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân sống xung quanh.

123
Kho “thuốc độc” sát nhà ông Ngọc

Kết quả phân tích mẫu đất lập dự án cho thấy, 10/11 vị trí lấy mẫu đất phát hiện có hàm lượng thuốc BVTV. Ô nhiễm DDT nồng độ từ 0,01 đến 9,847 mg/kg, vượt mức cho phép 1 - 949 lần; 3/11 vị trí có nhóm phốt pho hữu cơ, nồng độ vượt quá tiêu chuẩn 1 - 6 lần; 10/11 vị trí có nhóm gamma BHC (lindan), nồng độ vượt quá tiêu chuẩn 1 - 21,5 lần. Tổng diện tích đất ô nhiễm cần được xử lý là 409,8 m2. Khu vực nhiễm nặng 122,1 m2; trong đó, khu vực tại nền kho cũ là 41,4 m2 với nồng độ nhiễm DDT trong đất cao nhất phân tích được là 9,478 mg/kg. Khu vực nhiễm trung bình là 10,4 m2 và khu vực nhiễm nhẹ là 177,3 m2... Theo dự án, một phần diện tích trên sẽ được xử lý bằng phương pháp đốt; số còn lại được xử lý tại chỗ.

Thiết kế một đường thi công một nẻo?

Theo Quyết định số 1847/QĐ-UBND ngày 15/5/2013 của UBND tỉnh Nghệ An, Công ty CPXD và DV môi trường tư vấn và lập dự án; Công ty CPPT công nghệ Tài nguyên môi trường thi công. Công ty TNHH Ứng dụng khoa học công nghệ sạch Cleantek được chủ đầu tư thuê giám sát thi công.

Quá trình triển khai, đơn vị thi công đã có một số sai sót về quy trình như không vây kín, biệt lập công trường khiến môi trường xung quanh ô nhiễm nặng; không công khai mức độ ô nhiễm của kho thuốc cho người dân; vào thi công nhưng không báo trước cho người dân và chính quyền địa phương biết... Sau khi người dân kịch liệt phản đối, đơn vị thi công mới cho quây tôn và thực hiện đúng quy trình triển khai dự án.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn những điều khó hiểu. Theo ông Ngọc, gia đình ông rất phân vân là vì sao, tường nhà chỉ cách vị trí kho thuốc chưa đầy 10 bước chân nhưng khi lập dự án thì nền kho lại được ghi là cách 40 m?

234
Mặt cắt khu vực ô nhiễm thuốc cho thấy nhà ông Ngọc nằm trong vùng ô nhiễm

Thắc mắc này của ông Ngọc lại được UBND huyện Anh Sơn, đơn vị chịu trách nhiệm đền bù GPMB trả lời một cách khó hiểu: “Về khoảng cách có sai lệch là do sai sót của đơn vị tư vấn thiết kế; tuy nhiên, sai sót về khoảng cách không ảnh hưởng đến thiết kế, bởi vì việc xử lý ô nhiễm do tồn lưu chất BVTV căn cứ vào mức độ ô nhiễm tại vị trí nền kho thuốc và vùng lân cận (vùng ô nhiễm nặng ngoài nền kho, vùng ô nhiễm trung bình và vùng ô nhiễm nhẹ) theo các chỉ số sau khi phân tích mẫu đất, mẫu nước... (?)”.

Theo ông Ngọc, hẳn phải có điều gì khuất tất trong khâu lập dự án khiến đơn vị tư vấn thiết kế “dời” kho thuốc ra quá xa ngôi nhà của ông. Cũng theo ông Ngọc, sau nhiều lần gia đình và tổ giám sát cộng đồng yêu cầu, ngày 25/7, một người có tên là Bình, đại diện giám sát thi công mới cung cấp hồ sơ thiết kế.

Khi nhận hồ sơ, ông Ngọc nhận thấy mặt cắt trục A-A tính từ điểm mép ngoài nền kho đến vùng ô nhiễm nhẹ có tổng chiều dài 13 m trong khi khoảng cách thực tế chỉ khoảng 9 m. Ông Ngọc cho rằng, nền nhà có một phần nằm trên vùng ô nhiễm nhẹ phải xử lý, cần được di dời nhà nhưng đơn vị thi công chỉ quây tôn cách móng chừng 1 m và khẳng định, nhà ông không nằm trong vùng ô nhiễm.

“Điều quan trọng nhất là liệu khu vực dưới móng nhà tôi có bị ô nhiễm không và tại sao bản thiết kế một đường, đơn vị thi công lại làm một nẻo. Tôi nghĩ, đơn vị thi công đã cố tình lờ đi việc xử lý trên nền nhà tôi để giảm chi phí, rút ruột công trình. Không chỉ vợ chồng tôi mà nhiều gia đình xung quanh cũng đang rất hoang mang. Đề nghị đơn vị thi công làm đúng như hồ sơ thiết kế” - ông Ngọc kiến nghị.

Nhưng đó chưa phải là điều khó hiểu nhất. Làm việc với P.V, ông Bạch Hưng Cử, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đưa ra một bản thiết kế thi công khác. Theo bản thiết kế này, nền nhà ông Ngọc lại nằm khá xa vùng phải xử lý. Ông Cử cho biết, bản thiết kế thi công ông Ngọc nhận được chưa phải là bản cuối cùng.

Khi P.V hỏi tại sao chủ đầu tư không công khai hồ sơ thiết kế ngay từ đầu cho ông Ngọc, ông Cử cho rằng, trách nhiệm này thuộc huyện, xã. “Hồ sơ ông Ngọc được cấp là hồ sơ trước lúc được chỉnh sửa. Có lẽ bên giám sát họ đã cấp nhầm. Nếu đây là hồ sơ cuối cùng thì khối lượng và diện tích xử lý phải lớn hơn (?)” - ông Cử cho biết.

Về việc không công khai ngay từ đầu hồ sơ thiết kế chuẩn, mức độ độc hại... dư luận cho rằng, ẩn sau đó còn những điều khuất tất. Vậy đâu mới là hồ sơ thiết kế thi công, có hay không việc rút ruột công trình của đơn vị thi công, chủ đầu tư, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vấn đề để trấn an dư luận.

Võ Văn Dũng

Các tin khác