Gia đình xã hội

Xứng danh là đơn vị 'Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân'

09:36, 07/09/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Nghi Long là một trong ba xã của huyện Nghi Lộc được tách ra từ xã Thuận Hòa năm 1954. Từ xa xưa đây là vùng đất giáp biển, phía bắc có núi Tượng Sơn, núi Ngọc Sơn, phía đông nam có con sông Rào chảy dọc qua địa bàn xã rồi đổ ra biển. Trong quá trình phát triển của lịch sử, vùng đất Nghi Long đã nhiều lần thay đổi về đơn vị hành chính và tên gọi khác nhau. Thời điểm đó, Nghi Long có 7 làng với các dòng họ đầu tiên đến sinh sống như họ Đinh, họ Lê, họ Đặng, họ Nguyễn, họ Phan, họ Mai Văn,… đến nay đã có 42 dòng họ. Trải qua hàng trăm năm, các dòng họ đã cùng nhau xây dựng một cộng đồng sống đùm bọc, yêu thương và cùng phát triển.

Nghi Long với cụm di tích lịch sử đền, đình, chùa và một số hệ thống nhà thờ của 42 dòng họ được ông cha xây dựng lâu đời, là nét nổi bật mang đậm chất văn hoá tâm linh hiếm có. Đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của làng mà còn phản ánh sự phát triển về kinh tế, đời sống văn hoá đương thời, minh chứng cho trí thông minh, khéo léo của người dân nơi đây như: Chùa làng Vắng, chùa Hồng Phúc, đền Ba Cô, chùa Thịnh Mỹ, đình Kim La, đền Chùa Hải, Nhà Thánh…

1234
Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghi Long

Đặc biệt, Nghi Long có cầu Trường được xây dựng năm 1880 làm bằng gỗ lim có mái che, bắc qua sông Rào nối liền Nghi Long với các xã phía đông huyện Nghi Lộc.  Những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá này chính là ý thức tâm linh xây nên nền văn hoá bản sắc của nhân dân Nghi Long. Cùng với sự hình thành và phát triển về đời sống văn hoá tâm linh,  Nghi Long còn là cái nôi của truyền thống hiếu học. Đặc biệt, có dòng họ 4 đời làm tiến sĩ như dòng họ Đinh Văn. 

Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân Nghi Long đã chứng minh được sức mạnh, sự kiên cường, dũng cảm của mình. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Nghi Long là nơi có tuyến huyết mạch giao thông quan trọng nối liền Bắc - Nam, có nhiều trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ như ga Quán Hành, kho lương thực Nghi Lộc, Cầu Cấm là nơi túi bom, túi đạn của quân thù, hòng chia cắt đường chi viện cho miền Nam.

Theo thống kê, chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có hơn 13 lần máy bay Mỹ đánh bom vào các khu dân cư tại xã Nghi Long, làm chết 32 người, bị thương 12 người, 18 ngôi nhà, trường học, trụ sở làm việc và nhiều tài sản khác của nhân dân bị phá hủy. Riêng Cầu Cấm phải hứng chịu trên 80 trận bom đạn Mỹ. Với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, nhân dân đã dỡ nhà làm cầu cho xe qua.

Kết quả, Nghi Long đã huy động hàng nghìn lượt người, đào đắp hàng nghìn mét khối đất đá xây dựng các công sự, trận địa chiến đấu; làm được 1.456 hầm trú ẩn, 10 km giao thông hào, 6 trận địa pháo phòng không, đóng góp 52 gian nhà, hàng nghìn cây phi lao, bạch đàn, 120 bàn chông các loại, bắc 38 chiếc cầu nhỏ và đào đắp 25 hầm giấu pháo cao xạ, 920 nhà giấu đạn dược.

Phục vụ cho giao thông vận tải trên các trọng điểm chiến lược, tham gia bốc dỡ hàng trăm tấn gạo, san lấp hàng trăm hố bom, tháo dỡ hàng chục quả bom nổ chậm. Đồng thời, tổ chức giúp đỡ, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đóng tại địa phương với phương châm “Một cân thóc cũng góp phần đánh Mỹ”, nhân dân Nghi Long đã vượt lên bom đạn để ổn định sản xuất, đóng góp hàng trăm tấn lương thực phục vụ cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Kết thúc hai cuộc chiến tranh, quê hương Nghi Long có 7 bà mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng, 231 liệt sĩ, 70 thương, bệnh binh, 18 cán bộ lão thành cách mạng, 4 cán bộ tiền khởi nghĩa, 778 cá nhân được thưởng Huân chương, 1.000 hộ dân được thưởng Huy chương, 2 người được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 1996, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghi Long vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chiến tranh lùi xa, cùng với cả nước, Nghi Long đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới ngay trên quê hương anh hùng. Ngày nay, Nghi Long là một trong 30 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc, với dân số 7.000 người. Trong đó, có 30% hộ giàu, 60%, hộ khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%/năm và bình quân thu nhập đầu người đạt trên 26 triệu đồng/người/năm.

Bằng chính sức mình, phát huy tốt các tiềm năng, nội lực, cơ sở vật chất của từng hộ gia đình và xã hội được xây dựng khang trang. 100% hộ được dùng điện, hệ thống đài truyền thanh phát huy tốt, có 11,9 km đường nhựa, 16,54 km đường bê tông nông thôn, 3 trường học cao tầng với khuôn viên sạch đẹp, được đầu tư hàng chục tỉ đồng; trường tiểu học và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I; trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nơi làm việc của Đảng ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân, UBMTTQ và các đoàn thể được xây dựng khang trang, đảm bảo yêu cầu làm việc.

Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày một nâng lên. Công tác quốc phòng, an ninh ở địa phương luôn được coi trọng. Lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ đang được xây dựng ngày càng tinh nhuệ, góp phần phòng chống hiệu quả các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu mà nhân dân Nghi Long đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời gian thực hiện công cuộc đổi mới đã khẳng định sức vươn lên, tính năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ và nhân dân, biết khai thác, phát huy tiềm năng, nội lực để từng bước hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Nghi Long ngày một giàu mạnh, xứng danh là đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Hải Việt

Các tin khác