Gia đình xã hội
Khốn đốn vì tin lời 'cán bộ chạy việc'
14:25, 09/09/2014 (GMT+7)
Kỳ I: Mất gần 100 triệu vì trót tin “cán bộ”
(Congannghean.vn)-Một kẻ mạo danh là 'cán bộ' Tỉnh ủy Nghệ An đã cấu kết với một đối tượng khác là cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đô Lương cùng thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Khi vụ việc bị vỡ lở, các đối tượng đã tìm cách trốn khỏi địa phương, tránh sự truy lùng của bị hại và “con nợ”. Nhiều gia đình bị mắc lừa đang trở nên khốn đốn hơn bao giờ hết.
Kỳ II: Chân tướng hai kẻ “chạy việc”
Qua tìm hiểu, xác minh lai lịch của hai “cán bộ” Nhà nước có quan hệ rộng, có khả năng “chạy việc” vào tất cả các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Đã lộ rõ chân tướng, thực chất đó là thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường dùng để đánh vào tâm lý những người đi xin việc và các bậc phụ huynh đang nóng lòng tìm việc cho con cái...
Qua xác minh sự việc cho thấy, Nguyễn Thị Hoa (SN 1973) nguyên quán xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương; hộ khẩu thường trú hiện nay tại xóm 3, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương. Năm 1997, Hoa tốt nghiệp Đại học Luật (hệ tại chức) của Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, mở tại Đại học Vinh. Năm 1998, Hoa được tuyển dụng vào làm việc tại Đội Thi hành án dân sự huyện Con Cuông, đến năm 2006 thì chuyển về công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đô Lương.
Từ tháng 9/2013, theo nguyện vọng của cá nhân, Hoa được Cục Thi hành án tỉnh Nghệ An đồng ý cho chuyển công tác đến nơi làm việc mới là Công ty TNHH Nam Sơn DRAGON, địa chỉ tại số 7, ngõ 2, đường Lê Lợi, TP Vinh.
Đối tượng Nguyễn Thị Hoa hiện đã bỏ trốn |
Tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đô Lương, bà Đào Thị Hiền Lương, Chi cục trưởng xác nhận: Chị Nguyễn Thị Hoa đã từng có thời gian làm việc ở đây.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, Hoa liên tục xin nghỉ làm để đi chữa bệnh khắp nơi với đủ các loại bệnh tật… Khoảng năm 2013, có một số người dân đến cơ quan tìm gặp Hoa để đòi lại tiền đã cho Hoa vay trước đó. Chúng tôi đã họp đơn vị và yêu cầu Hoa phải hoàn trả số tiền trên, tránh làm ảnh hưởng đến cơ quan thì Hoa khóc lóc, van xin và hứa sẽ trả tiền…
Một thời gian sau, lấy lý do đau ốm, không thể đảm nhiệm công việc chuyên môn, Hoa làm đơn xin chuyển công tác và được cơ quan cấp trên đồng ý. Từ đó đến nay chúng tôi cũng không liên lạc được với Hoa nữa.
Hiện nay, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đô Lương đang còn 2 lá đơn tố cáo của anh Nguyễn Văn Luôn và chị Nguyễn Thị Long trú tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn về việc Nguyễn Thị Hoa lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn người đàn ông tên Phú mà ông Nguyễn Thanh X. phản ánh, chính là đối tượng Trần Quốc Phú (SN 1965) nguyên quán xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc; hộ khẩu thường trú hiện nay tại xóm Trung Tâm, xã Nghi Ân, TP Vinh. Theo tài liệu của cơ quan Công an, Phú đã từng có 1 tiền án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bị xử phạt 42 tháng tù cho hưởng án treo vào năm 2004. Bản thân Phú không phải là cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An như hắn từng rêu rao, mà chỉ là kẻ buôn bán nhỏ ở địa phương.
Tuy nhiên, bằng sự “bẻm mép”, mượn danh là “cán bộ” Tỉnh ủy, hắn và đồng bọn đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các chiêu bài khác nhau. Phú có một đặc điểm là thường ăn mặc lịch sự, chải chuốt, đánh bóng bản thân trong vai một “cán bộ” công chức Nhà nước có nhiều mối quan hệ để dễ bề thực hiện hành vi của mình. Qua xác minh, hiện Phú không có mặt tại địa phương, hắn đi đâu không ai rõ nhưng thỉnh thoảng vẫn có một số “con nợ” tìm đến nhà hắn để đòi nợ.
Trở lại vấn đề Phú và Hoa cấu kết lừa đảo xin cho con gái ông Nguyễn Thanh X. vào làm việc tại BVĐK Nghệ An. Thực chất, cặp đôi này đã lợi dụng việc đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho học viên y khoa để làm liều. Tuy nhiên, để được vào “học việc” tại BVĐK Nghệ An phải có quy trình khá nghiêm ngặt.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Linh, Giám đốc BVĐK Nghệ An cho biết: Để vào học việc, học viên phải được sự giới thiệu của một bệnh viện chủ quản, đồng thời, phải được sự nhất trí của tôi và phải nộp lệ phí học tập. Sau khi kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ đã qua đào tạo.
Quy trình học việc nghiêm ngặt là vậy, thế nhưng, không hiểu bằng cách nào mà Trần Quốc Phú có được trong tay “bút phê” của bác sĩ Tôn Thất Hậu, Phó Giám đốc BVĐK Nghệ An vào hồ sơ của con gái ông X. với nội dung: Ngày 16/1/2013, Kính gửi Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - bác sĩ Lê Thanh Trà giải quyết. Ký tên, bác sĩ Tôn Thất Hậu. Và, con gái ông X. không cần sự giới thiệu của bất cứ bệnh viện nào nhưng khi có “bút phê” của Phó Giám đốc BVĐK Nghệ An vẫn được vào học việc?!
Như vậy, từ một chủ trương đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong công tác khám, chữa bệnh cho các học viên, sinh viên ngành y ở BVĐK Nghệ An đã bị những đối tượng bất lương lợi dụng, làm bình phong, tạo niềm tin cho người bị hại để dễ bề lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thiết nghĩ, BVĐK Nghệ An cần siết chặt hơn công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các học viên y khoa đến học tập.
Về công tác tuyển dụng vào làm việc tại BVĐK Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Danh Linh cho biết: Vừa qua, chúng tôi có thông báo tuyển dụng công chức, viên chức vào làm việc tại bệnh viện. Sau khi sàng lọc hồ sơ, hiện tại, chúng tôi đã tiếp nhận 64 bộ hồ sơ của bác sĩ và 271 bộ hồ sơ ngành điều dưỡng. Công tác tuyển dụng sẽ được tiến hành khách quan, minh bạch, không có việc chạy chọt. Những lời hứa vào làm việc tại BVĐK Nghệ An bằng tiền, xin xỏ đều là trò lừa đảo.
Hiện tại, Nguyễn Thị Hoa đã ra khỏi ngành Thi hành án dân sự huyện Đô Lương, thị đi đâu không ai rõ, còn Trần Quốc Phú cũng không có mặt tại địa phương. Tuy nhiên, với miệng lưỡi của những kẻ này, nếu người dân không đề cao cảnh giác rất có thể sẽ có thêm người bị chúng đưa vào “bẫy”.
Trần Đức