Một người bán đồ điện tại huyện đảo Lý Sơn kể, mỗi ngày, gia đình bà bán được 3-4 cái tủ lạnh, đa phần chỉ trả trước một ít để lấy về dùng ngay, đợi đi biển về thanh toán hết. Mỗi chiếc tủ lạnh loại trung chuyển từ đất liền ra đảo mất 200 nghìn đồng, giá đắt thêm, nhưng vì trên đảo đang có “cơn bão” tiêu thụ đồ điện sinh hoạt nên không có hàng tồn. Chẳng thế mà đầu tháng 9, một công ty điện tử ở TP Quảng Ngãi ra bán có dăm ngày đã cất được “mẻ” gần 4 tỷ đồng.
Sau bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng người dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cũng giải được cơn “khát điện”. Dự án cáp ngầm kéo điện lưới quốc gia xuyên biển ra đảo Lý Sơn hoàn thành. Những ngày này, niềm hạnh phúc đang lan tỏa khắp đất đảo, cư dân Lý Sơn đang sung sướng tận hưởng niềm vui ngập tràn…
Chiều 26/9, nhà ông Nguyên Thông (70 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn) bỗng nhộn nhịp hẳn. Số là mấy ông bạn già nghe cô con gái mới tậu cho ông Thông một chiếc tivi “bự chảng” nên kéo đến xem trận bóng đá tứ kết trong khuôn khổ ASIAD 17 giữa Việt Nam và UAE. Cả chục người đàn ông tóc hoa râm quây quần dán mắt lên màn hình xem bóng đá như bị thôi miên. Chốc chốc mọi người lại nhảy lên, vò đầu, bứt tai tiếc rẻ khi Hồng Quân, Minh Tuấn hoặc Thanh Hiền bỏ lỡ cơ hội mở tỷ số trận đấu.
Ông Phạm Thành vừa xem vừa gật gù thích thú, ông bảo: “Tui mê đá banh lắm, nhất là đội Barcelona với Messi. Nhưng ở đây điện đóm đâu mà xem. Bây giờ thì khỏi nói rồi, tui không bỏ sót trận bóng đá nào khi được truyền hình”. “Tui cũng vậy, nhiều lúc ghiền xem đá banh muốn chết mà không xem được. Nguồn điện từ máy phát chạy bằng dầu diezel thì hôm có hôm không. Nhưng, 5h chiều mới có, tới 11h đêm là cúp, nên có muốn xem cũng không được”, ông Nguyễn Đình Thới (59 tuổi) nói xen vào. Nhân dịp bạn bè, hàng xóm tới xem bóng đá trên tivi, ông Thông cũng mở tiệc “rửa” cái tủ lạnh hiệu Toshiba mới cứng…
Người dân Lý Sơn hồ hởi sắm đồ điện dân dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày |
Không chỉ gia đình ông Thông, mà bà con đất đảo Lý Sơn cũng vui như mở hội. Dòng điện từ hệ thống điện lưới quốc gia đã được kéo ra đảo, họ không còn phải chịu cảnh đêm xuống phải sống chung với ánh đèn dầu hiu hắt; hoặc chiếc bóng điện le lói được thắp bằng ắc quy; những bóng điện thắp bằng máy chạy dầu diezel, bữa có bữa không…
Vấn đề điện thắp sáng, kể từ khi huyện đảo Lý Sơn được thành lập vào ngày 1/1/1993, nhiều dự án điện đã được nghiên cứu, triển khai, như: sử dụng năng lượng gió, mặt trời và gần đây nhất là xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, song đều thất bại. Chuyện có điện đối với người dân Lý Sơn tưởng như chỉ có trong mơ. Thế rồi, năm 2012, Chính phủ thống nhất cho phép ngành Điện nghiên cứu đưa điện lưới quốc gia ra đảo. Tổng Công ty Điện lực miền Trung được giao làm chủ đầu tư dự án đưa điện ra đảo Lý Sơn bằng hệ thống cáp ngầm. Dự án có vốn đầu tư trên 650 tỷ đồng, quy mô 26km đường cáp ngầm dưới đáy biển, 8,7km đường dây trên không.
Sau 2 năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành và ngày 28/9 chính thức đóng điện. Những ngày này ở Lý Sơn, đi đến đâu cũng thấy râm ran chuyện điện. Sắp có điện rồi, nhà ông, bà mua thêm đồ gì chưa? Đi biển về phen này không lo tôm cá bị hư vì có xưởng chế biến, có tủ cấp đông, hành tỏi không lo bị tư thương ép giá, bị trừ 10% hao hụt vì không được sấy, được sơ chế…
Anh Nguyễn Thới, chủ nhà nghỉ Bình Yên, hớn hở: “Sắp sướng đến nơi rồi!”. Anh nhẩm tính, có điện là mỗi năm nhà nghỉ tiết kiệm được 40 triệu đồng. Anh Thới đã đặt mua 10 máy điều hòa, thêm tủ lạnh, tivi mới cho các phòng. Cùng chung “nỗi sướng” khi có điện như anh Thới, bà Võ Thị Vân, ở thôn Đông, xã An Vĩnh trước chỉ bán đồ gỗ, nay thấy nhu cầu của dân đảo tăng đột biến, đã nhanh nhạy chuyển sang bán đồ điện. Bà Vân nói, mỗi ngày bán được 3-4 cái tủ lạnh, đa phần chỉ trả trước một ít để lấy về dùng ngay, đợi đi biển về thanh toán hết. Mỗi chiếc tủ lạnh loại trung chuyển từ đất liền ra đảo mất 200 nghìn đồng, giá đắt thêm, nhưng vì trên đảo đang có “cơn bão” tiêu thụ đồ điện sinh hoạt nên không có hàng tồn. Chẳng thế mà đầu tháng 9, một công ty điện tử ở TP Quảng Ngãi ra bán có dăm ngày đã cất được “mẻ” gần 4 tỷ đồng.
Còn chuyện sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn cũng đang chuẩn bị bước sang trang mới. Những chiếc máy phát điện nhỏ dùng để bơm nước giờ đang bị xếp trong góc. Nhà lão nông Phạm Văn Thắng vừa sắm một cái môtơ để về chạy nước cho cây hành, cây tỏi hồ hởi khoe: “Lâu nay gia đình tui làm cây hành, cây tỏi toàn sử dụng máy nổ để chạy nước tưới. Mỗi lần tưới như thế tiền dầu tốn rất nhiều. Một sào cũng mất 30 ngàn đồng. Giờ có điện, tui mua môtơ về chạy, 1 sào chắc cũng chỉ tốn chừng 10 ngàn đồng. Có điện rất lợi cho chuyện làm nông nghiệp của bà con nông dân ở đây. Ai cũng đi mua môtơ”...
Những chiếc máy bơm nước chạy bằng xăng đang được thay dần bằng các môtơ điện để tưới xanh các ruộng hành, tỏi trên đảo Lý Sơn |
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nói: “Chưa bao giờ người dân Lý Sơn vui như lúc này. Bà con vui như tết. Mấy ngày nay đi đâu cũng nghe bà con bàn tán chuyện có điện. Mấy năm trước, các nhà nghỉ, khách sạn rất ít phát sinh nhưng giờ đang có 4 khách sạn sắp xây xong…”.
Ông Nguyễn Thanh, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, cho rằng: Dự án đưa điện ra đảo Lý Sơn rất có ý nghĩa, vì không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi, ước mơ của người dân, mà còn mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo ông Thanh, sắp tới huyện đảo Lý Sơn sẽ tập trung đẩy nhanh việc đầu tư các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển du lịch. Huyện xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, còn du lịch là ngành kinh tế trọng tâm, cho nên phải tập trung đầu tư, tận dụng cơ hội có điện để kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia. Hiện tại đã có một số nhà đầu tư ra khảo sát để xin đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá và khu du lịch. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong 2 lĩnh vực quan trọng này…
Chuyện ngỡ như mơ nay đã thành hiện thực đối với cư dân huyện đảo Lý Sơn. Điện đã phủ sáng đất đảo, con cháu của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa, lại có thêm cơ hội để làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
.