Gia đình xã hội
Cẩn trọng khi sử dụng vitamin xuất xứ từ Trung Quốc
Thông thường mọi người sử dụng các loại vitamin bổ sung với mục đích để cải thiện sức khỏe. Nhưng đối với các loại vitamin có nguồn gốc từ Trung Quốc thì người tiêu dùng nên thận trọng, cân nhắc kỹ khi dùng.
Có một sự thật là trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã thống lĩnh đến 90% thị phần thế giới về vitamin C. Các Công ty dược phẩm Trung Quốc cũng đã xâm nhập, chiếm lĩnh nhiều thị trường thế giới trong việc sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, các enzym và các axit amin chính. Theo một tập đoàn công nghiệp dược phẩm có tiếng, Trung Quốc sản xuất cho thế giới đến 70% lượng penicillin, 50% lượng aspirin, 33% lượng tylenol, cũng như phần lớn các vitamin A, B12, C, E...
Riêng vitamin C được bổ sung vào nhiều thực phẩm và đồ uống. Nhưng người tiêu dùng lại không cách nào biết được vitamin bổ sung đến từ Trung Quốc hay không, vì không có điều luật nào quy định phải dán nhãn nguồn gốc xuất xứ cho các nguyên liệu. Người tiêu dùng cũng nên biết những sự thật về các loại vitamin “made in China”.
Thứ nhất, chỉ có 2% trong tổng số Vitamin và chất bổ sung nhập khẩu khác được kiểm tra. Bởi theo luật, Vitamin và những chất bổ sung được phân loại vào nhóm “Thực phẩm”, do đó không phải chịu sự kiểm soát pháp lý của “thuốc theo toa” (loại thuốc phải có đơn thuốc của bác sĩ mới được mua). Thứ hai, khu vực sản xuất vitamin và chất bổ sung (phụ gia) hàng đầu của Trung Quốc là một trong những nơi ô nhiễm nhất cả nước. Vitamin cùng các thực phẩm bổ sung thường sử dụng các sản phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu chính.
Tỉnh xuất khẩu vitamin hàng đầu là Chiết Giang, có mức độ ô nhiễm đất do kim loại nặng thuộc hàng đáng báo động. Trên thực tế, 1/5 đất nông nghiệp Trung Quốc bị ô nhiễm nặng nề. Theo Tân Hoa xã, báo cáo của chính quyền Trung Quốc khảo sát 6,2 triệu km² đất mới nhất cho thấy: 16,1% diện tích đất nước này bị ô nhiễm. Chỉ tính riêng đất trồng trọt thì 19,4% diện tích bị nhiễm độc. Đất ô nhiễm thường chứa nồng độ lớn các chất cực độc như cadmium, nickel, thạch tín, chì và thủy ngân. Khoảng 1/3 đất ở những khu vực khai thác mỏ ô nhiễm vượt mức an toàn quốc gia.
Thứ ba, ngay cả sản phẩm được dán nhãn “hữu cơ” cũng không an toàn, vì tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ không đặt ra giới hạn về mức độ ô nhiễm kim loại nặng cho các thực phẩm hữu cơ được chứng nhận. Thứ tư, theo thống kê của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ có khoảng 6.300 người Mỹ trên toàn quốc than phiền về phản ứng có hại của những thực phẩm bổ sung từ năm 2008-2012. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn đến 8 lần, vì hầu hết mọi người không tin sản phẩm y tế có thể gây bệnh. Thứ năm, có một thực tế là Trung Quốc hiện đang sản xuất trên 50% nhu cầu của thế giới dưới nhiều dạng như: dạng bột, dạng hạt, dạng tinh thể, dạng kỹ thuật và dạng tinh khiết dùng trong dược phẩm. Sản lượng tổng cộng là 85 ngàn tấn/năm.
Với mức độ sản xuất quy mô như trên, trong khi hệ thống kiểm định an toàn vệ sinh của các hãng dược phẩm Trung Quốc còn lỏng lẻo, mối lo ngại về các tạp chất còn sót lại trong thành phẩm sẽ là một nguy cơ không nhỏ.
Vitamin “made in China” có ở mọi nơi và ngay cả những người không sử dụng vitamin cùng các thực phẩm bổ sung cũng khó tránh khỏi. Nhiều vitamin cuối cùng trở thành thành phần của các mặt hàng như: nước giải khát, thực phẩm, thức ăn gia súc và ngay cả mỹ phẩm…
ANTĐ