Gia đình xã hội
Mang thai hộ,nhân đạo nhưng vẫn ẩn chứa nhiều bất cập
Chiều ngày 19/6, Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã trở thành hợp pháp. Đây là một tin vui đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có khả năng sinh con, dù đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học. Tuy nhiên, cùng với việc cho phép mang thai hộ, nhiều người nghi ngại về các hệ lụy ngay sau đó, khi nhiều kẻ tìm cách lách luật để biến nó thành một loại hình dịch vụ…
Niềm vui cho người hiếm muộn
Mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu có con một cách chính đáng mà khả năng của họ không thể mang thai được. Ví dụ người vợ vì lý do bệnh tật phải cắt bỏ tử cung hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai, nhưng 2 buồng trứng vẫn bình thường, người chồng có tinh trùng khỏe. Hoặc người vợ có tử cung bình thường nhưng sức khỏe không cho phép để mang thai, ở nước ta gặp nhiều nhất là bệnh tim. Những trường hợp này, hai vợ chồng chỉ có thể có con bằng di truyền của chính họ thông qua kỹ thuật mang thai hộ.
Vợ chồng anh Khang, chị Dương ở Thuỵ Khê cho biết: "Vợ chồng tôi lấy nhau được hơn chục năm nay, đi chữa khắp nơi không có con, thậm chí vào bệnh viện Từ Dũ làm thụ tinh nhân tạo mấy lần không được vì vợ tôi nội tiết có vấn đề khó lưu giữ được thai nhi. Tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, chúng tôi đã từng có ý định nhờ chị gái cô ấy mang thai hộ, nhưng lúc ấy pháp luật còn cấm, nếu có làm chắc làm chui thôi. Giờ thì luật pháp đã thông qua việc mang thai hộ rất có ích cho những cặp vợ chồng hiếm muộn như chúng tôi. Cũng may mắn là vợ chồng tôi sau hơn chục năm chờ đợi đã có con một cách tự nhiên và không phải nhờ người mang thai hộ nữa".
Không may mắn như anh Khang, chị Dương, vợ chồng anh Nam, chị Xuân ở Hà Giang năm nay đã gần 50 nhưng sau bao năm chữa trị vô sinh, họ vẫn không có khả năng sinh con, mà lỗi chủ yếu là do chị. Chị Xuân đã từng phá thai một lần, và từ lần ấy, chị không thể sinh con. Thương anh, chị từng giục anh đi bước nữa, nhưng anh vẫn không chịu và đến nay đã gần 20 năm anh chị vẫn lặn lội khắp nơi trong Nam ngoài Bắc để chữa bệnh tìm cơ hội sinh con. Chị bảo: "Có người cũng đã khuyên tôi hay là tìm người mang thai hộ, nhưng tôi vẫn run vì ngày trước luật pháp nghiêm cấm việc này, với lại, mình cũng không an tâm lắm khi tìm người đẻ thuê. Người trong nhà đều đã có tuổi, không thể giúp được, còn người ngoài thì rất khó tin tưởng. Bây giờ luật pháp đã cho phép, chắc tôi cũng phải chuyển hướng xem thế nào, chứ cũng mong muốn có một đứa con mang dòng máu của mình lắm em ạ!".
Những người phụ nữ trong đường dây đẻ thuê được đưa về nước. |
Việc cho phép mang thai hộ đã mở ra một con đường mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu có con một cách chính đáng mà khả năng của họ không thể mang thai được. Lợi ích khác từ phía các bác sỹ trong một số trường hợp cấp cứu như: trường hợp sản phụ đẻ bị băng huyết, hoặc vỡ tử cung, hoặc bị rau tiền đạo...cần phải cắt ngay tử cung để cứu người mẹ. Mang thai hộ giúp các bác sỹ quyết định nhanh hơn để đảm bảo tính mạng của người mẹ (trong trường hợp người nhà sản phụ cũng sẵn sàng để bác sỹ cắt bỏ tử cung cứu để cứu sản phụ), đồng thời cũng tạo cơ hội để gia đình đó tiếp tục có thêm con một cách chính đáng.
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho hay, việc cho phép mang thai hộ là biện pháp nhân đạo giúp cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai, sinh con được ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản có cơ hội làm cha mẹ. Các quy định để đảm bảo việc mang thai hộ đúng với mục đích nhân đạo, không bị thương mại hóa, quy định về hợp đồng, về xử lý các tranh chấp phát sinh… được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Luôn có rất nhiều "cò" đứng ở cổng bệnh viện. |
Vẫn có "biến tướng"
Tuy nhiên bên cạnh một số ý kiến ủng hộ việc cho mang thai hộ thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ cho đối tượng mang thai hộ là người trong phạm vi gia đình thì sẽ có rất nhiều người thiệt thòi, như những người không có chị em nào để nhờ mang thai hộ hoặc nếu có mà chị em đó không muốn mang thai hộ… Và khi đó, liệu họ có thể chấp nhận việc mãi mãi không có con hay sẽ tìm đến một đối tượng khác nhờ mang thai hộ, lúc ấy sẽ không tránh khỏi các loại "biến tướng" đã bị cấm như "đẻ thuê".
Khi được hỏi về chuyện mang thai hộ, anh Thắng (Đại Từ, Thái Nguyên) - một người đang đưa vợ khám bệnh tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương cho biết: "Nếu vợ tôi không chữa được chắc cũng phải đi xin đứa con. Bây giờ người ta cho mang thai hộ nhưng tìm được người đủ điều kiện cũng không phải dễ dàng. Giờ cũng có tuổi rồi mà cứ phải đi nài nỉ, tìm chị em trong gia đình để nhờ đẻ hộ thì lại vô duyên quá. Người ta có chủ động giúp mình thì được chứ không thì thôi, ai cũng có công việc của mình rồi chuyện đẻ con nó có phải đơn giản như gà đẻ trứng đâu mà cứ nhờ là được…".
Thực tế cho thấy, việc "đẻ thuê" vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu dù vi phạm pháp luật và vấn đề đạo đức xã hội. Vẫn có nhiều cặp gia đình hiếm muộn hoặc cánh đàn ông lỡ thìtìm đến những nơi có dịch vụ này để giải quyết vấn đề con cái. Với cái giá từ 10-15 triệu/lần thì đó không phải là vấn đề quá khó khăn đối với những gia đình có điều kiện. Việc cho phép mang thai hộ theo Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi mới đây cũng chỉ khiến cho chuyện này trở nên dễ dàng hơn mà thôi.
Một cô gái Việt trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan. |
Trong khi đó, nhiều người phụ nữ bị dị dạng tử cung như không có tử cung, tử cung đôi, phải cắt bỏ tử cung, sức khỏe yếu, bị bệnh tim hoặc bệnh thận thì không thể mang thai. Tuy nhiên nhu cầu giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhu cầu có con vẫn là một nguyện vọng chính đáng. Để thực hiện nguyện vọng này, họ không có cách nào khác là phải nhờ người mang thai hộ nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có bệnh viện nào nhận làm vì sợ phạm luật. Vì vậy, những người có nhu cầu sinh con phải "dạt" sang nước khác để làm. Điều này vừa gây tốn kém cho những người hiếm muộn, vừa làm thất thoát một nguồn ngoại tệ lớn cho Nhà nước, mà vẫn không cấm được.
Người ta thường nói, có cầu ắt có cung, khi nhu cầu của những người cần có con vẫn cao thì không thể tránh được việc nhiều người nhận "đẻ thuê". Hiện tại, khi đã cho phép mang thai hộ, vấn đề đối với người nhờ mang thai hộ chỉ nằm trên giấy tờ. Nếu muốn quản lý chặt chẽ, cấm chuyện "đẻ thuê", chúng ta cần phải theo sát những vấn đề liên quan như làm giả giấy tờ, đi cửa sau để có giấy tờ hợp lệ.
Hiện tại, chuyện bằng giả, giấy tờ giả vẫn còn nhan nhản và đang là nỗi nhức nhối của các cơ quan chức năng. Khi nào chúng ta còn chưa quản lý nổi việc các loại giấy tờ giả như bằng đại học, thạc sỹ, tiến sỹ được rao bán công khai trên mạng thì không thể chắc chắn rằng, các loại giấy tờ hợp lệ cho một ca mang thai hộ không bị làm giả.
Hơn nữa, với việc thích thủ tục nhanh gọn, không lằng nhằng, không phải nài nỉ nhờ vả thì chuyện các gia đình hiếm muộn tìm đến dịch vụ "đẻ thuê" là điều không tránh khỏi. Thật vậy, nhiều người dân thích sự nhanh gọn, đơn giản và cũng vì thế mà sinh ra nạn "phong bì". Thế nên chắc chắn rằng chuyện bỏ tiền ra để có được đứa con một cách nhanh chóng, không lằng nhằng thủ tục sẽ vẫn còn được nhiều người tìm đến. Cho đến khi họ chưa nhìn thấy được hậu quả, hệ lụy và các rắc rối phát sinh từ việc nhờ "đẻ thuê" trái pháp luật mang đến thì họ vẫn tìm đến loại dịch vụ này.Ngoài những vấn đề mâu thuẫn phát sinh giữa người "đẻ thuê" và khách hàng thì việc tìm đến dịch vụ này cũng đã tiếp tay khiến các tệ nạn buôn bán người để "đẻ thuê" nhức nhối hơn.
CSTC