Gia đình xã hội

Hiệu quả từ chương trình, dự án lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu

08:41, 03/07/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhằm chung tay giúp đồng bào ứng phó với thiên tai, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, nhiều dự án, công trình đã và đang được tích cực triển khai; kể cả những công trình cộng đồng được hoàn thành với quy mô khang trang, kiến trúc kiên cố, trở thành những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2013, Dự án SNV và Viện Chính sách chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn đã chọn xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc làm điểm thực hiện chuyển đổi vùng đất sản xuất lúa không hiệu quả kéo dài tại nhiều năm nay. Với việc hỗ trợ kinh phí, nhiều diện tích lúa đã được chuyển đổi, thay thế bằng cây ngô.

Là địa phương hàng năm chịu cảnh lũ lụt, hạn hán, thời tiết trong năm diễn biến bất thường cùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến nông nghiệp của huyện Nghi Lộc và trở thành thách thức lớn đối với cộng đồng, nhất là vùng dân cư nông thôn. Do đó, các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có khả năng thích ứng với các điều kiện thời tiết bất thuận là giải pháp cho các khó khăn này. Với phương thức sản xuất mới, nâng cao năng suất, cây trồng đã thích nghi với những thay đổi bất lợi của thời tiết thì ngô được xác định là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và là cây trồng quan trọng nhất được trồng ở nhiều địa phương của huyện Nghi Lộc.

Niềm vui các hộ nghèo xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên được hỗ trợ  xây nhà tránh lũ
Niềm vui các hộ nghèo xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên được hỗ trợ xây nhà tránh lũ

Với tiêu chí lựa chọn các mô hình có khả năng ứng phó với các điều kiện khí hậu cực đoan, Dự án SNV và Viện Chính sách Chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn đã triển khai tại 5 xã dự án là Nghi Văn, Nghi Yên, Nghi Lâm, Nghi Công Nam, Nghi Thái và 3 xã ngoài dự án, đại diện cho các vùng địa lý và hệ thống nông nghiệp khác nhau của huyện là Nghi Quang, Nghi Tiến và Nghi Hưng. Thông qua các tổ chức ở địa phương như Hội nông dân, Hội phụ nữ và các hộ nông dân để địa phương tự đề xuất các mô hình sinh kế tiêu biểu được đánh giá có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã mình.

Ngoài việc tập huấn về kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án hỗ trợ triển khai các mô hình như cải tiến biện pháp canh tác trong sản xuất hành tăm để hạn chế tác động của hạn hán và úng lụt ở Nghi Lâm; cải tiến phương pháp nuôi bồ câu tại xã Nghi Thái; phát triển giống dê cỏ tăng thu nhập, hạn chế rủi ro tại Nghi Hưng; một số biện pháp cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế tác động của thời tiết bất thuận trong chăn nuôi gà địa phương thả vườn, hay thay đổi cơ cấu giống và mùa vụ trong sản xuất lúa, hạn chế ảnh hưởng của hạn hán đầu vụ và lũ lụt cuối vụ...

Khác với huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên được xem là vùng "rốn lũ" khi hàng năm phải chống chọi với nhiều trận lũ lụt. Tại xã Hưng Nhân, là một trong những xã nằm dọc Đê 42 luôn bị đe dọa bởi thiên tai, nhất là mùa mưa lũ, có 9 xóm thì mỗi năm phải chịu mưa lũ ngập sâu từ 1 đến 2 lần. Việc có được một công trình kiên cố, là nơi trú bão cho người dân luôn là mong ước thường trực từ bấy lâu.

Từ sự hỗ trợ của Quỹ phòng tránh thiên tai miền Trung, năm 2010, xã đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng phòng tránh thiên tai, với tổng mức đầu tư 2,7 tỉ đồng, trong đó quỹ hỗ trợ 1,8 tỉ đồng, kinh phí còn lại địa phương đóng góp. Ngoài ra, Quỹ phòng tránh thiên tai miền Trung còn vận động các doanh nghiệp hỗ trợ xây 8 nhà cộng đồng tránh lũ ở các xã: Thành Sơn (Anh Sơn), Diễn Lộc, Diễn Hoàng (Diễn Châu), Nam Cường (Nam Đàn)...

Nhằm hỗ trợ các hộ nghèo vùng thiên tai lũ lụt khắc phục khó khăn, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 716/QĐ-TTg về việc "Triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung". Tại Nghệ An, có 2 xã với 100 hộ dân được chọn thực hiện chương trình thí điểm là xã Nam Cường (Nam Đàn) và xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên), theo phương án Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho hộ nghèo là 10 triệu đồng và cho vay 10 triệu đồng.

Nghệ An là một trong 16 tỉnh, thành trong cả nước được thụ hưởng Dự án hỗ trợ cho các nước nghèo vay vốn nhằm khắc phục "hiệu ứng nhà kính" (viết tắt SP-RCC) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Do sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng dòng chảy của sông Lam nên cần phải nâng cấp tuyến đê chống lũ.

Chính phủ phê duyệt cho phép Nghệ An lập dự án đầu tư xây dựng công trình: Củng cố, nâng cấp tuyến đê tả Lam đoạn từ Nam Đàn đến Rào Đừng, huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh với tổng số vốn 234 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào quý IV năm 2014. Đây là dự án đa mục tiêu không những ngăn ngừa được những thảm họa do thiên tai gây ra, đặc biệt do biến đổi khí hậu mà còn có tác động chiến lược, quy hoạch dài hạn và kế hoạch ngắn hạn về phát triển kinh tế đa mục tiêu của tỉnh ta.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng PCLB&TKCN tỉnh cho biết: "Với tỉnh ta, thiên tai "đến rồi đi" đã trở thành chu kỳ của tự nhiên. Mỗi địa phương, từ miền núi đến đồng bằng đều có cách ứng phó riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân tỉnh nhà không còn đơn độc trong cuộc chiến phòng chống thiên tai.

Nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ, doanh nghiệp cùng chung tay, đồng hành với địa phương và người dân trong công tác phòng chống thiên tai như hỗ trợ xây dựng các công trình, mô hình, góp phần quan trọng vào nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Các dự án được tư vấn cộng đồng, sát với tình hình thực tế, đã phát huy hiệu quả và các mô hình ngày càng được nhân rộng, học tập. Đây là việc làm thiết thực với đời sống của nhân dân, có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc, góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Xuân Thống

Các tin khác